Cuộc chiến 'vàng trắng'

Cuộc chiến 'vàng trắng'
TP - Quảng Nam tự hào có vựa cát trắng. Vài năm nay, cát trắng trở thành "vàng trắng", xuất khẩu sang các nước châu Âu để sản xuất thủy tinh. Cũng từ đó, nạn cát tặc hoành hành, nguồn tài nguyên quý này đang ngày càng cạn kiệt.

Từ quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Kỳ Lam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), rẽ vào chưa đầy bốn cây số, bãi cát trắng mênh mông thuộc các xã Bình Phục, Bình Triều hiện ra trước mặt.

Anh lái xe ôm là một thổ dân ở đây, cho biết, bãi cát này thời gian dài là điểm nóng của nạn cát tặc. Nhưng vài năm nay, bãi cát này đã được giao cho một doanh nghiệp.

Khi chúng tôi đến, trên bãi cát vẫn còn vài chiếc máy san ủi phục vụ khai thác. Nhiều hố khai thác rộng hàng trăm mét vuông, với chiều sâu vài mét. Vết xe chở cát vẫn còn mới nguyên, cho thấy hoạt động khai thác cát vẫn tiếp diễn.

Trong vai một doanh nghiệp cần mua cát, hỏi chuyện một người đàn ông  làm ở đây, anh này cho biết, ông chủ đang đi công tác nên chưa thể gặp được. Tuy nhiên, nếu muốn mua cát thì vẫn có, khối lượng không hạn chế.

Ngay cạnh đó, một DN khác đã kịp thời xây tường rào để xây dựng Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được. Thế nhưng, thấy trữ lượng cát lớn, DN này đang làm các thủ tục dưới chiêu bài xin tận thu khoáng sản để khai thác cát kiếm lời.

Càng đi sâu vào phía trong, bãi cát càng trải dài, mênh mông. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng thốt lên: "Đúng là vựa cát, bộn tiền!". Thế nhưng người dân ở đây vẫn quanh năm nghèo đói, vì chưa biết làm công nghiệp với cát trắng.

Theo đánh giá của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), hai xã liền kề Bình Phục và Bình Triều là một trong hai mỏ cát trắng lớn nhất Quảng Nam, với diện tích hơn 126 ha, bề dày cát trung bình 2,25 m, trữ lượng hơn 2,8 triệu m3.

Chúng tôi tiếp tục đến hai xã Bình Sa và Bình Tú. Cát trắng rải khắp các xã ven biển. Người ta xây nhà trên cát. Trồng cây trên cát. Xây khu du lịch cũng trên cát. Mộ người chết cũng chôn trên nền cát.

Theo người dân địa phương, cát trắng từ lâu đã là khoáng sản quý của dân bản địa. Thế nhưng, do chưa có công nghệ chế biến nên cát trắng cũng chỉ dùng xây dựng nhà cửa.

Cuộc chiến 'vàng trắng' ảnh 1
Phóng viên Tiền Phong tại vùng cát ngày 12-1. Ảnh: Q.H

Mấy năm gần đây, nhất là từ năm 2006, cát trắng bắt đầu được xuất khẩu sang nhiều nước châu Á, châu Âu, phục vụ công nghiệp sản xuất thủy tinh, giá cát xuất khẩu từ 9-18 USD/tấn, tuỳ loại.

Theo tài liệu chúng tôi có được, tỉnh Quảng Nam đã cho 5 DN được xuất khẩu cát trắng, mỗi năm cả trăm nghìn tấn, qua các cảng Kỳ Hà (Quảng Nam), Tiên Sa (Đà Nẵng), Quảng Bình...

Tại buổi làm việc với PV Tiền Phong, ông Lê Thành Khang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam cho biết, riêng cát trắng xuất khẩu khai báo qua Hải quan tỉnh này trong vài năm qua đã lên đến cả triệu tấn. Cát chủ yếu được xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines...

Cuộc chiến chưa hồi kết

Sở Tài Nguyên - Môi trường Quảng Nam cho biết: Trong năm 2009, các DN trong tỉnh đã khai thác, chế biến hơn 192.000 tấn cát thạch anh. Thế nhưng chỉ nộp ngân sách hơn 17,6 tỷ đồng và đóng góp cho các địa phương tái đầu tư xây dựng hạ tầng hơn 1,5 tỷ...

Trong khi đó, nguồn lợi mà các DN khai thác, chế biến và xuất khẩu thu được tương đối lớn. Các bãi cát quý cứ dần dần vơi đi, trong sự nuối tiếc của người dân địa phương và các nhà quản lý có trách nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Ngữ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, cho biết: Tại huyện này có hai DN được cấp phép khai thác cát trắng, trong đó có Cty Cổ phần Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam (Minco), mỏ được cấp tại xã Bình Phục và Bình Giang. Vừa qua, thấy dấu hiệu khai thác bất thường, huyện đã lập Đoàn kiểm tra liên ngành, phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác của Cty này.

Cụ thể, Cty này đã khai thác hơn 38.000 m3 cát trắng, trong đó có hơn 27.500 m3 cát nguyên liệu có giá trị cao. Trong quá trình khai thác, Cty này đã không báo cáo kế hoạch khai thác và bản đồ hiện trạng mỏ; khai thác vượt công suất quy định hơn 30.000 tấn/năm; chưa hoàn thổ và hoàn thổ chưa đạt yêu cầu hơn 23 ha; không thực hiện việc lập báo cáo tác động môi trường bổ sung và không ký quỹ bảo vệ môi trường cho diện tích khai thác mới là 157 ha.

Theo ông Huỳnh Dũng, đại diện Đoàn kiểm tra, việc Cty Minco khai thác trái phép lượng lớn cát trắng trên khu vực mỏ chưa được cấp phép đã gây tổn thất cho Nhà nước khoảng 1,4 tỷ đồng, chưa kể thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.

Cuộc chiến 'vàng trắng' ảnh 2

Mênh mông cát trắng - nguồn nguyên liệu quý sản xuất kính xây dựng.
Ảnh: Đức Kế

Một cán bộ ngành TN-MT cho rằng, các sai phạm của Cty Minco kéo dài và nhiều lần, mức độ nghiêm trọng, nên xem xét thu hồi giấy phép khai thác. Thế nhưng, không hiểu sao DN này chỉ bị phạt hành chính 28,5 triệu đồng và cho thời hạn hết năm 2010 phải hoàn thành các thủ tục còn thiếu để tiếp tục khai thác, chế biến, tiêu thụ cát trắng.

Sai phạm trong hoạt động khai thác cát trắng không dừng lại ở đó. Bởi mới đây, chỉ riêng huyện Thăng Bình đã bắt được 11 vụ vi phạm, với nhiều lỗi như khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép. Có đơn vị thi công đường cứu hộ cứu nạn đã tự ý lấy hơn 4.000 m3 cát trắng bán kiếm lời...

Tại cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành), cứ vài ngày lại có tàu lớn của nước ngoài vào ăn cát. Khi chúng tôi đến cảng này ngày 11-1, đống cát to đang được tập kết để chờ xuất đi trời Âu.

Được biết, chuyến tàu xuất hàng mới đây nhất sang Hàn Quốc qua Hải quan Quảng Nam là ngày 24-12-2009, đơn vị xuất khẩu là Cty CP Cung ứng Vật tư Công nghiệp Viễn Thiên, với mặt hàng cát trắng đã qua tuyển rửa, khối lượng 1.450 tấn, trị giá hơn 465 triệu đồng và đóng thuế xuất khẩu chỉ 79,1 triệu đồng. 

Một tài liệu khác lại cho biết: Cả tỉnh Quảng Nam có 5 mỏ cát thủy tinh với trữ lượng lớn là Hương An (huyện Quế Sơn), Bình Tú, Tân An, Khương Đại, Liễu Trì (Thăng Bình) và 1 điểm khoáng sản là Tam Anh (Núi Thành), với tổng trữ lượng khoảng 160 triệu tấn...

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Viễn - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường Quảng Nam, cho biết: Dù đã siết chặt trong việc cấp giấy phép khai thác nhưng vừa qua lượng lớn cát trắng đã chảy qua biên giới. Ba cái hại dễ nhìn thấy: Nguồn tài nguyên bị mất; tiền thuế cho ngân sách không tương xứng giá trị tài nguyên; người dân địa phương không được hưởng lợi.

Giải pháp nào cho bài toán này? Ông Viễn bày tỏ niềm vui khi vừa qua, tại Khu Kinh tế mở Chu Lai đã có DN trong nước đầu tư xây dựng nhà máy kính nổi lớn nhất Đông Nam Á, với số vốn hơn 1.500 tỷ đồng, có thể tạo công ăn việc làm trực tiếp cho gần 1.000 lao động, và gián tiếp cho khoảng 2.000 lao động khác, chuẩn bị đi vào hoạt động. Nhà máy này sẵn sàng mua lại nguồn cát trắng trên đất của các DN và người dân, sau đó sẽ chở đất hoàn thổ môi trường.

Ông Viễn nói: "Tỉnh đã có kế hoạch ưu tiên quy hoạch khai thác cát trắng cho nhà máy này để sản xuất kính xây dựng, tận dụng nguồn tài nguyên khoáng sản quý, làm giàu cho đất nước. Chứ cứ nhìn các DN khai thác rồi sơ chế, bán cho nước ngoài mà thấy xót".  

MỚI - NÓNG