Cuộc đua giảm vé của các hãng hàng không

Cuộc đua giảm vé của các hãng hàng không
Lần đầu tiên, thị trường hàng không nội địa diễn ra cuộc cạnh tranh giảm giá vé khốc liệt. Chưa bao giờ giữa mùa hè cao điểm, giá vé khứ hồi chuyến TPHCM - Hà Nội lại chỉ còn 2 triệu đồng/khách.
Cuộc đua giảm vé của các hãng hàng không ảnh 1
Trên một số chuyến, giá vé khứ hồi của VNA là 2 triệu, của Pacific Airline là 2,15 triệu.

Ngay sau khi hãng hàng không Pacific Airlines công bố giá vé máy bay khứ hồi trên “đường bay vàng” TP HCM - Hà Nội từ mức 3 triệu đồng/khách giảm xuống còn 2,7 triệu đồng/khách. Lập tức, 1 tháng sau Vietnam Airlines đáp trả bằng việc đại hạ giá cho những chuyến bay đêm trên cùng đường bay. Theo đó, giá vé khứ hồi đi trên các chuyến bay đêm (sau 22 giờ) tuyến TP HCM - Hà Nội chỉ còn 2 triệu đồng/khách.

Không chịu thua trước sức ép của gã khổng lồ này, ngay lập tức, Pacific Airlines chào hàng bằng một chương trình khuyến mãi khác hấp dẫn hơn. Theo đó, kể từ tháng Bảy, nếu hành khách bay trên các chuyến sớm (trước 7 giờ 30 sáng) hay trên chuyến bay sau 19 giờ, giá vé khứ hồi TP HCM - Hà Nội chỉ còn 2,15 triệu đồng/khách.

Một điều có thể nhận thấy đó là, so với các chương trình khuyến mãi trước đây, các điều kiện đi kèm vé được nới lỏng hơn. Cả 2 hãng đều cho hành khách được đổi ngày bay, đổi cả chuyến bay chỉ phải bù thêm một khoản phí nhỏ. Tuy nhiên, do lượng khách đăng ký khá đông, hiện nay muốn đặt được chỗ trên những chuyến bay này, khách phải đăng ký trước cả 10 ngày mới có vé.

Giới kinh doanh du lịch bình luận hiện tượng các hãng hàng không đua giảm vé là chuyện lạ, bởi hiện nay đang là mùa cao điểm hè, lượng khách đi lại nhiều. Nhất là các chuyến bay TP HCM - Hà Nội, hệ số sử dụng ghế trên các chuyến bay này của 2 hãng đều ở mức cao ngất ngưởng với 80 - 90%/chuyến bay, nhưng cả 2 hãng đều dành một lượng vé đáng kể cho khuyến mãi.

Một điểm đáng lưu ý nữa là trong khi giá xăng dầu thế giới đang tăng cao, các hãng hàng không nước ngoài đều tăng thêm phụ phí, đẩy giá vé máy bay, giá tour du lịch ra nước ngoài tăng thêm đáng kể, thì hàng không nội địa không những không thu phụ phí xăng dầu mà vẫn cầm cự được để khuyến mãi giảm giá.

Sở dĩ có chuyện này là vì các hãng hàng không trong nước còn bị quản lý giá vé trần. Chẳng hạn, giá vé trần khứ hồi tuyến TP HCM - Hà Nội bị khống chế ở ngưỡng không quá 3 triệu đồng/vé. Cho nên, để không lỗ, giá vé giảm thấp nhất hiện nay trên mỗi chuyến bay chỉ có thể dừng ở mức 1,9 triệu đồng/vé (giá vé cho người trên 60 tuổi), độ chênh lệch giữa khung giá cao và thấp nhất chưa tới 1,5 lần.

Cũng nhờ vậy mà mùa hè này cũng là lần đầu tiên giá tour ra các tỉnh phía Bắc giảm giá.

Pacific Airlines đã liên kết 6 công ty du lịch là Fiditourist, Saigontourist, Bến Thành Tourist, Du lịch Hòa Bình, Du lịch Thế Hệ Trẻ, VN Travel Guide để tung ra giá tour khuyến mãi trên tuyến Hà Nội - Hạ Long - Sapa, giá tour bán ra chỉ từ 4,475 - 5,885 triệu đồng/khách (mức giảm lên đến 600.000 đồng/khách).

Giới chuyên môn cho rằng, thị trường hàng không nội địa đã thật sự bắt đầu cuộc cạnh tranh, chỉ có điều, cuộc cạnh tranh này vẫn chưa “hội nhập” hoàn toàn cung cách kinh doanh vé hàng không trong khu vực.

Bằng chứng là hãng hàng không giá rẻ Tiger Airways “nhảy” vào thị trường VN và đã gây một cú sốc rất ngoạn mục khi chào hàng giá vé đi Singapore cho những người đặt mua đầu tiên chỉ có 24,98 USD.

Một thông tin nóng khác cho rằng, thị trường hàng không Đông Nam Á đang chuyển động cuộc cạnh tranh mới: đó là xu hướng đầu tư hãng hàng không giá rẻ (LCC).

Đón cơ hội kinh doanh mới, Singapore, Malaysia, Thái Lan… đều quy hoạch sân bay riêng cho LCC. Singapore còn mở chiến dịch “marketing” theo kiểu “bay đến đây sẽ được giảm phí”, và bất ngờ nhất là chiến dịch “thưởng” cho hãng hàng không trên đầu khách chở đến.

Giữa làn sóng LCC và xu hướng cạnh tranh giảm giá, ngành hàng không và du lịch VN sẽ càng chậm bước tiến nếu cứ duy trì cung cách quản lý bao cấp giữa thời kỳ hội nhập.

MỚI - NÓNG