Cuộc đua ngôi vương xe công nghệ: Đồn đoán và những con số biết nói!

Cuộc đua ngôi vương xe công nghệ: Đồn đoán và những con số biết nói!
Những kết quả đánh giá thị trường gọi xe qua ứng dụng công nghệ của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy nhiều doanh nghiệp đang hướng tới ngôi vương của thị trường gọi xe công nghệ. Nhưng thực tế, những con số biết nói về quy mô hoạt động và độ phủ thị trường có đủ khẳng định rằng: ứng dụng nào đang thật sự là người dẫn đầu thị trường?

Cuộc đua đốt tiền giành thị phần ngày càng gay gắt

Thị trường đặt xe công nghệ dường như vẫn chưa có một ngày êm ả khi các nhà cung cấp vẫn ngày ngày tìm mọi cách phát triển thị trường. Thị trường cạnh tranh khốc liệt nên cũng liên tiếp có nhiều đồn đoán về vị trí “ngôi vương” trên thị trường, dù thực tế đến nay không ai dám đứng ra khẳng định: Tôi đang dẫn đầu. Để nhắc người dùng nhớ đến sự hiện diện của mình, thay vì tập trung vào phát triển nền tảng, một vài ứng dụng công nghệ chọn cách bằng tạo “scandal”. Các nhà cung cấp ứng dụng có uy tín hơn thì chọn cách lẳng lặng gia tăng giá trị của thương hiệu với những dịch vụ mới và hút người dùng bằng khuyến mãi đầy hấp dẫn.

CEO của Fastgo, một startup trong hệ sinh thái NextTech của Shark Bình, vừa đăng đàn về câu chuyện "Ai sẽ thắng trong cuộc đua đốt tiền" và công bố tổng tiền đốt của một loạt đối thủ trong lĩnh vực gọi xe Việt Nam. Theo thống kê này, Fastgo đã thực hiện 2 triệu chuyến xe trong nửa đầu năm 2019. Tuy nhiên, so với các đối thủ khác con số chuyến đi của Fastgo bằng 1/73 Grab, 1/10 Go-Viet, và 1/15 của Be… Các ứng dụng khác thì dường như khiêm tốn hơn, lẳng lặng chạy nước rút với cuộc đua của chính mình nhằm khẳng định vị trí.

Số liệu nghiên cứu của ABI Research cho thấy, thị phần của các ứng dụng gọi xe tại thị trường Việt Nam dựa trên số chuyến xe trong nửa đầu năm 2019 có những phân chia khá rõ ràng. Theo đó, đội quân áo xanh của Grab dường như đang chứng tỏ vị trí khó thay thế khi chiếm 72,8% với độ phủ và nguồn cung đa dịch vụ của một siêu ứng dụng. Ứng dụng Be cũng đã nhanh chóng vượt qua đội quân áo đỏ của Go Việt với vị trí thứ 2, nhưng vẫn có khoảng cách khá xa với Grab, khi chiếm được 15,6% thị phần sau hàng loạt chiêu thức cạnh tranh.

Với những vấn đề liên tục mang dấu hiệu của khủng hoảng nhân sự cấp cao, Go Việt đã tụt xuống vị trí thứ 3 khi chỉ còn nắm giữ 10,3% thị phần, mặc cho những tuyên bố về việc “đang dẫn đầu thị trường gọi đồ ăn qua ứng dụng”. Ứng dụng của Fastgo xếp cuối bảng xếp hạng.

Về diễn tiến của thị trường gọi xe qua ứng dụng, CEO Fastgo còn tiên đoán: “Go-Jek hình như đã quyết định rút cả Việt Nam và Singapore để về bảo vệ sân nhà Indonesia” và Go Việt “dừng cũng chết, vì tài và khách sẽ chuyển sang Grab”. Tiên đoán này cũng cho rằng, Be sẽ chết nếu dừng đốt tiền dù chỉ một ngày, bởi dừng đốt tiền là tất cả người dùng chuyển sang Grab/Fastgo.

Đánh giá về sức mạnh của thương hiệu, phải thừa nhận phát ngôn của CEO cũng có đôi phần chính xác khi khẳng định đội quân áo xanh của Grab đã tạo ra được Network Effect (hiệu ứng mạng lưới), nên dù có đang trong cuộc đua đốt tiền hay cạnh tranh khốc liệt thì Grab vẫn tồn tại. Sở dĩ vậy, vì theo CEO của Fastgo, Grab có hệ sinh thái thanh toán, food, delivery, finance để tạo ra giá trị và nguồn thu mới…. Đánh giá theo cách nhìn tổng quan này cũng chỉ ra, Grab dường như là ứng dụng có một nền tảng quá vững chắc trong cuộc chơi của giới nhà giàu. Cách đây không lâu, Grab cũng đã tuyên bố sẽ đầu tư mạnh tay 500 triệu đô cho thị trường Việt Nam, đủ để dằn mặt bất cứ tay mơ nào trong cuộc chiến dường như… không cân sức.   

Tân binh mới và cuộc chiến nền tảng đa dịch vụ

Tới thời điểm này, không chỉ Grab mà hầu hết các ứng dụng gọi xe công nghệ đều đang có tham vọng phát triển một nền tảng đa dịch vụ trên một ứng dụng, đáp ứng các nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng như ăn uống, mua sắm, du lịch, đi lại,… Song, tới thời điểm này, dường như cũng mới chỉ có Grab là đang tiến gần hơn đến mục tiêu tiến đến “ngôi vương”.

Nhà cung cấp ứng dụng này cũng đã và đang trở thành lựa chọn hàng đầu cho người dân tại các đô thị lớn. Thậm chí, nói về xe công nghệ, phần đa hành khách nhắc đến Grab như một biểu tượng cho loại hình dịch vụ này. Còn với dịch vụ GrabFood, được triển khai ở TP.HCM vào tháng 11/2018 và ở Hà Nội vào tháng 3/2019 nhưng nhanh chóng trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực giao nhận đồ ăn, kết nối khách hàng với 70.000 nhà hàng và có hơn 1 triệu món ăn trên ứng dụng. Đặc biệt, với sự có mặt của ví điện tử Moca trên nền tảng Grab, người dùng có nhiều sự tiện lợi và các gói khuyến mãi hữu ích hơn. Ngoài việc dùng để thanh toán cước phí chuyến đi, mua đồ ăn  trên GrabFood, thì người dùng hiện còn thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước sinh hoạt hàng tháng bằng ví Moca trên ứng dụng Grab, nạp tiền thẻ điện thoại. Một hệ sinh thái chuẩn “eco – systerm” đang dần dược hình thành trên ứng dụng Grab.

Một tân binh khác cũng đã gia nhập thị trường gọi xe là MyGo của Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) cũng chính thức tham chiến trong lĩnh vực gọi xe giao hàng trên phạm vi toàn quốc cùng với Grab, FastGo, Be, Go-Viet.. Theo nhận định, ứng dụng MyGo đang có lợi thế vô cùng lớn khi đã có sẵn một lượng bưu tá sẵn có ở các địa phương, và cũng được xem là đối thủ khá đáng gờm với một số ứng dụng gọi xe có “máu mặt” hiện nay như Grab, Be hay Go-Viet. Dù vậy, đến nay đã hơn 3 tháng sau khi rầm rộ ra mắt, MyGo cũng chưa ghi được dấu ấn gì nhiều trên thị trường Hà Nội và các thị trường khác. Bóng dáng các lái xe công nghệ của MyGo gần như không xuất hiện nhiều.

Sau khi gia nhập thị trường gọi xe, MyGo cũng đã được Bộ GTVT đề nghị Viettel Post gửi Đề án đến địa phương mà Công ty xin được thí điểm (Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM) đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm, trên cơ sở ý kiến của các địa phương liên quan, Bộ GTVT sẽ xem xét, quyết định.

Một số chuyên gia cho rằng, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… thị trường xe công nghệ cũng đã phát triển gần tới ngưỡng, bởi vậy, thế cục cũng sẽ khó bị thay đổi nếu có thêm “tân binh” tham gia, bởi Grab, Go-Viet hay Be cũng không phải là những đối thủ dễ nhằn.

MỚI - NÓNG