Cuộc “thực địa” môi trường kinh doanh của ông Bush

Cuộc “thực địa” môi trường kinh doanh của ông Bush
Cuộc gặp giữa Tổng thống Bush và 11 lãnh đạo DN Việt Nam và Hoa Kỳ là họp kín đối với báo chí và nó giống như là một cuộc “thực địa” của Tổng thống Hoa Kỳ để tìm hiểu về điều kiện và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Cuộc “thực địa” môi trường kinh doanh của ông Bush ảnh 1
Tổng thống Bush gặp gỡ với các doanh nhân tại TP HCM (Ảnh: AP)

Thị trường chứng khoán Tp.HCM  ngày 20/11 sôi động hơn hẳn khi Tổng thống Bush gióng cồng tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, một nghi thức khai mạc phiên giao dịch mới của thị trường chứng khoán tương tự như Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng thực hiện ở thị trường chứng khoán New York khi thăm Hoa Kỳ hồi tháng sáu năm nay.

Mặc dù giá cổ phiếu đã liên tục tăng trong những phiên giao dịch trước nhưng hôm 20/11 chỉ số chứng khoán lại tiếp tục “nhảy” thêm 10 điểm nữa như cùng khẳng định sự quan tâm của giới đầu tư đối với thị trường tài chính Việt Nam mà Tổng thống Mỹ muốn thể hiện qua chuyến thăm của ông đến sàn chứng khoán 5 năm tuổi này.

“Sự xuất hiện của ông như khẳng định sự quan tâm của các công ty Hoa Kỳ đối với thị trường tài chính Việt Nam. Tổng thống Mỹ không giấu điều này mà còn khẳng định trong phần phát biểu của ông khi tham quan sàn giao dịch chứng khoán Tp.HCM”, ông Đặng Thành Tâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Tân Tạo, kể lại.

Ông Tâm là một trong năm tổng giám đốc doanh nghiệp Việt Nam được lựa chọn để hội kiến với Tổng thống Bush cùng với sáu công ty Hoa Kỳ đang làm ăn tại Việt Nam trong đó có Intel, Russin Vecchi, Motorola...

Năm doanh nghiệp Việt Nam đại diện cho những lĩnh vực đang phát triển của Việt Nam cũng là những lĩnh vực mà giới đầu tư Hoa Kỳ quan tâm là Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE với Tổng giám đốc Nguyễn Thị Mai Thanh, Công ty Cổ phần FPT - Trương Gia Bình, Công ty Trí Việt Media Corporation - Lê Thị Phương Thủy, Công ty AA - Nguyễn Quốc Khanh và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tân Tạo - Đặng Thành Tâm.

Sở dĩ họ được chọn vì là những tổng giám đốc này trẻ tuổi, năng động và có kinh nghiệm trong những lĩnh vực rất được giới đầu tư Hoa Kỳ quan tâm.

Và với số lượng doanh nghiệp bị hạn chế, theo ông Tâm, là vì Tổng thống Mỹ muốn có nhiều cơ hội nghe kỹ hơn và nhiều hơn về Việt Nam thay vì cộng đồng doanh nghiệp với nhiều người tham dự chia sẻ nhiều thông tin nhưng tập trung.

Ông Tâm cho biết Tổng thống Mỹ hỏi nhiều về các cổ phiếu trên sàn, sở hữu trí tuệ, Internet, thủ tục hành chính... và những khó khăn mà nhà đầu tư đang gặp phải. Ông Nguyễn Duy Bình, Tổng giám đốc Fedex Việt Nam, nói rằng ông chia sẻ với Tổng thống Bush về trở ngại mà nhiều doanh nghiệp gặp phải, đó chính là thủ tục hành chính. Rắc rối và rườm rà là nhận định của các doanh nghiệp khi nói về thủ tục hành chính dù rằng họ lạc quan hơn về điều này cách đây 10 năm.

Không chỉ chia sẻ thông tin về môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, các CEO còn xem cuộc gặp với người đứng đầu Nhà Trắng là cơ hội để họ “thỉnh nguyện”.

Ông Bình cho biết ông kêu gọi Tổng thống Mỹ giúp đỡ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực, điều mà Việt Nam còn rất thiếu và yếu, kể cả lao động tay nghề và cán bộ quản lý. Ông muốn rằng Chính phủ Mỹ dành nhiều chương trình học bổng cho Việt Nam để Việt Nam đưa người sang Hoa Kỳ du học bên cạnh việc giảm bớt những yêu cầu về việc cấp visa cho người Việt Nam được xem là cực kỳ khó khăn hiện nay.

Trong khi đó ông Tâm của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Tân Tạo, lại thúc giục Tổng thống Mỹ nhanh chóng thực hiện chương trình thẻ doanh nhân APEC vì theo ông thẻ sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Hoa Kỳ tốt hơn và cũng là hình thức giảm bớt chi phí trong kinh doanh, điều mà các nền kinh tế thành viên APEC phấn đấu đạt được vào 2010.

Ông Tâm cho biết Tổng thống Hoa Kỳ đã cam kết trong cuộc gặp sẽ thúc đẩy chương trình thẻ doanh nhân APEC vào đầu năm tới để tham gia cùng với các nền kinh tế thành viên trong vùng.

Hoa Kỳ là quốc gia có giao dịch thương mại hàng đầu của Việt Nam hiện nay nhưng lại là khu vực đầu tư vào Việt Nam còn ở hàng thấp so với tiềm năng của một cường quốc.

Các nhà phân tích tin rằng chuyến thăm lần đầu tiên của Tổng thống Bush và lần thứ hai của Tổng thống Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ nâng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp của Mỹ vào Việt Nam lên vị trí đầu bảng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ở những lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin - viễn thông...

Theo TBKT VN

MỚI - NÓNG