Chương trình cấp phép lao động của Hàn Quốc:

Cuối 2007, sẽ có 10.000 lao động VN làm việc tại Hàn Quốc

Cuối 2007, sẽ có 10.000 lao động VN làm việc tại Hàn Quốc
TP - “Chưa đầy ba năm kể từ khi lao động nhập cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép lao động của Hàn Quốc (EPS), đến nay đã có gần 20.000 lao động Việt Nam làm việc ở đất nước này."
Cuối 2007, sẽ có 10.000 lao động VN làm việc tại Hàn Quốc ảnh 1
Ông Lương Đức Long

"Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2007, đã có hơn 4.800 lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc” - Ông Lương Đức Long - Tham tán, Trưởng ban Quản lý lao động (Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc) - cho biết.

Thưa ông, việc thực hiện chương trình hợp tác lao động với Hàn Quốc năm nay diễn ra như thế nào?

Luật Việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (còn được gọi là Chương trình cấp phép lao động nước ngoài - EPS) được Quốc hội Hàn Quốc thông qua tháng 8/2003, có hiệu lực từ ngày 17/8/2004.

Việt Nam là một trong sáu quốc gia đầu tiên được Chính phủ Hàn Quốc chọn để tham gia chương trình này. Chưa đầy ba năm kể từ khi lao động nhập cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, đến thời điểm này đã có gần 20.000 lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc.

Con số này bằng xấp xỉ một nửa số lượng tu nghiệp sinh Việt Nam sang tu nghiệp tại Hàn Quốc trong vòng hơn 10 năm qua vì trước đây mỗi năm chỉ có khoảng 3.000 đến 4.000 tu nghiệp sinh được các doanh nghiệp Việt Nam tuyển chọn sang Hàn Quốc làm việc. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đang đứng đầu các quốc gia phái cử về số lượng lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS.

Hiện nay, mỗi tuần có hai chuyến bay với khoảng từ 250 đến 300 lao động Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc theo chương trình EPS. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ có khoảng 10.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Tính chung các chương trình, Việt Nam đã đưa được bao nhiêu lao động sang Hàn Quốc, thưa ông?

Cuối 2007, sẽ có 10.000 lao động VN làm việc tại Hàn Quốc ảnh 2
Phần lớn lao động Việt Nam được đánh giá tốt vì chăm chỉ, khéo léo

Tính chung các chương trình, chúng ta đã đưa được trên 64.000 lượt người sang làm việc tại Hàn Quốc, bao gồm Chương trình tu nghiệp sinh thực hiện từ năm 1993 đến hết năm 2006 có trên 42.000 lượt người;

Chương trình cấp phép lao động nước ngoài (EPS) từ tháng 10/2004 đến nay có gần 20.000 người; Chương trình thẻ vàng có khoảng 200 người; Thuyền viên làm việc trên tàu đánh bắt cá có khoảng 1.200 người.

So với các nước khác, đối với chương trình tu nghiệp sinh, Việt Nam đứng sau Trung Quốc, Philippines, Thái Lan nhưng lại đang đứng đầu danh sách các quốc gia phái cử về lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép mới (EPS).

Năm nay là năm đầu tiên Hàn Quốc không tuyển tu nghiệp sinh, chỉ thực hiện chương trình cấp phép lao động, điều này tác động gì đến chỉ tiêu xuất khẩu lao động cũng như việc thực hiện có gì mới?

Chính phủ Hàn Quốc đã xóa bỏ chế độ tu nghiệp sinh công nghiệp và thống nhất chế độ nhân lực nước ngoài thành chế độ cấp phép lao động từ tháng 1/2007.

Việc chỉ còn thực hiện chương trình cấp phép lao động EPS sẽ tạo điều kiện cho người lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc được đối xử bình đẳng về quyền lợi như với người lao động bản địa về tiền lương, bảo hiểm và các chế độ khác...

Điều này cũng không ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu xuất khẩu lao động, vì chỉ tiêu phân bổ tu nghiệp sinh trong các năm 2005, 2006 đã giảm nhiều, như năm 2006, chỉ tiêu phân bổ TNS cho Việt Nam là 2.200, chỉ tiêu phân bổ ứng viên lao động theo Chương trình cấp phép cho Việt Nam là 9.000.

Đến năm 2007, khi bỏ chế độ tu nghiệp sinh, chỉ tiêu ứng viên lao động theo chương trình cấp phép phân bổ cho Việt Nam là 11.000. Tuy nhiên, chỉ tiêu nói trên chỉ mang tính danh nghĩa, việc có nhiều hay ít lao động sang được Hàn Quốc là do chủ sử dụng lựa chọn quyết định.

Hàn Quốc vừa công bố chính sách tái tuyển dụng sau khi hết hợp đồng. Vậy là phần lớn lao động sẽ được tái tuyển dụng?

Chính sách tái tuyển dụng của Hàn Quốc bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2007. Điều này có nghĩa là tất cả lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc kể cả tu nghiệp sinh hết hạn hợp đồng lao động ba năm, được chủ đang sử dụng có nhu cầu tái tuyển dụng (ở đây được hiểu là ký kết gia hạn hợp đồng lao động mới), thì đều phải về nước, sau thời gian một tháng làm các thủ tục gia hạn visa ở trong nước rồi mới được quay trở lại Hàn Quốc làm việc thêm một hợp đồng nữa từ 1 đến 3 năm.

Theo tôi nghĩ, phần lớn lao động sẽ được tái tuyển dụng vì anh chị em sau ba năm làm việc đều có  tay nghề khá, biết tiếng Hàn, quen với công việc, giữa chủ sử dụng và người lao động đã có mối quan hệ quen biết thân thiện, chủ sử dụng mong muốn họ tiếp tục làm việc.

Đánh giá của ông về thị trường Hàn Quốc và mục tiêu của Việt Nam trong những năm tới khi mà sự cạnh tranh với các nước khác cũng đang trở nên gay gắt hơn?

Có thể nói rằng thị trường Hàn Quốc hiện tại và trong tương lai vẫn là thị trường mà chúng ta cần coi trọng giữ vững và phát triển bởi nhu cầu về lao động nước ngoài phổ thông rất lớn, công việc khá ổn định, thu nhập của người lao động ổn định và ngày càng tăng lên cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc, Hàn Quốc lại có môi trường thân thiện.

Chương trình cấp phép lao động EPS năm 2007 đã tăng lên 15 quốc gia phái cử trong đó 11 quốc gia đã ký Bản Thỏa thuận với Hàn Quốc, vì vậy sự cạnh tranh với lao động của các nước khác ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Để giữ vững và phát triển thị trường lao động tại Hàn Quốc trong thời gian tới với mục tiêu là mỗi năm ít nhất có từ 10.000 đến 15.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc, tiến tới có từ 50.000 đến 70.000 lao động Việt Nam thường xuyên làm việc tại Hàn Quốc, theo tôi tùy thuộc rất lớn vào chất lượng lao động: Đó là sức khỏe, trình độ tiếng Hàn, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, điều quan trọng là ý thức tuân thủ hợp đồng lao động, pháp luật và về nước đúng thời hạn hợp đồng.

Xin cảm ơn ông.

P.V
(thực hiện)

Với dân số trên 48 triệu người, nền kinh tế của Hàn Quốc hiện đứng thứ 12 trên thế giới, trở thành một quốc gia phát triển có mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay trên 20.000 USD/năm…

Nhìn chung, công việc của tu nghiệp sinh, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc ổn định, thu nhập bình quân, kể cả làm thêm giờ từ 950 USD - 1.100 USD/tháng, một số có mức thu nhập từ 1.200 – 1.500 USD/tháng. Phần lớn lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá tốt vì chăm chỉ, khéo léo, tiếp thu công việc nhanh và dễ thích nghi hòa nhập với môi trường sinh hoạt và làm việc tại Hàn Quốc.

MỚI - NÓNG