Cứu cánh lúc nông nhàn

Cứu cánh lúc nông nhàn
TP - Năm 2009, đứng trước “bão” khủng hoảng kinh tế, nhiều làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ giải thể. Trong gian khó, Xí nghiệp mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (huyện Núi Thành, Quảng Nam), bằng những bước đi táo bạo đã ổn định việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn.

Xí nghiệp mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ – Quảng Nam

Cứu cánh lúc nông nhàn

Những ngày ảm đạm

Thời điểm đó đơn giá sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Xí nghiệp mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (gọi tắt Xí nghiệp MTL Âu Cơ) rớt thê thảm. Từ chỗ hơn 200.000 sản phẩm, mẫu mã các loại (2007), xí nghiệp cắt giảm còn 150.000 sản phẩm để làng nghề tiếp tục “sống”. Theo đó, doanh thu trong năm 2009 chỉ đạt 3,5 tỷ đồng, giảm 20% so với 2007.

 
Cứu cánh lúc nông nhàn ảnh 1

Giám đốc Xí nghiệp MTL Âu Cơ Nguyễn Trường Thiên kể lại: “Thị trường tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ từ mây tre lá èo uột. Một số đối tác làm khó vì “chê” sản phẩm chưa đa dạng cũng như chưa đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, ở trong nước, chi phí sản xuất cao, khan hiếm nguyên liệu mây, vì hiện trên địa bàn tỉnh mây tre phục vụ cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ gần như ngày càng ít. Mặt khác, chỉ cần hạ đơn giá sản phẩm xuống thấp một chút thì công nhân sẽ lần lượt bỏ việc. Nhìn doanh thu mỗi tháng xuống thấp thê thảm, tôi đứng ngồi không yên. Nếu kéo dài tình trạng này, e rằng, xí nghiệp sẽ không trụ nổi”.

Vượt bão, vươn ra biển lớn

Hơn 300 công nhân có việc làm ổn định; lương bình quân công nhân dao động từ 1-1,5 triệu đồng/tháng; đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước; hơn 200.000 sản phẩm các loại xuất khẩu đi thị trường Nhật, Philippines, Thái Lan và các nước Châu Âu… là những con số ấn tượng mà Xí nghiệp MTL Âu Cơ đạt được tính đến tháng 6-2010, thời điểm mà một số doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam chưa thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.

Cứu cánh lúc nông nhàn ảnh 2
 

Để có được kết quả này, trước hết là nguồn lực xã viên, những người bao đời gắn bó với Xí nghiệp MTL Âu Cơ. Đầu năm 2009, xí nghiệp mạnh dạn vay 600 triệu đồng để ổn định sản xuất, kinh doanh. Xí nghiệp tập trung đào tạo bài bản công nhân lao động lành nghề để tạo ra những dòng sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng và đa dang mẫu mã, đáp ứng với nhiều đối tượng khách hàng khó tính. Bên cạnh đó, xí nghiệp đến tận nơi mua nguyên liệu rồi chế biến thô tại chỗ nhằm giảm tối đa chi phí. Chị Bùi Thị Hoa, người có thâm niên 10 năm gắn bó với nghề cho biết: “Nghề đan mây tre thủ công rất phù hợp với chị em ở nông thôn, và không phải dầm mưa dãi nắng như làm ruộng. Ở đây, công nhân làm hưởng theo sản phẩm. Bình quân mỗi ngày chị em kiếm trên dưới 40.000 đồng. Người nào có tay nghề giỏi, có thể kiếm cao hơn. Nếu ai không muốn đến xí nghiệp làm, có thể nhận hàng về nhà làm”.

Theo ghi nhận của PV, tại phân xưởng đan thủ công mỹ nghệ mây tre thường xuyên có từ 50-70 lao động nữ. Sản phẩm đan mây tre lá thủ công của Xí nghiệp là giỏ, bàn ghế, túi sách, đồ trang trí nội thất... Chị Nguyễn Thị Hải, thôn 6, xã Tam Giang (huyện Núi Thành) được mệnh danh là phụ nữ có tay nghề giỏi nhất nhì xí nghiệp. Mỗi ngày chị có thể hoàn thành 3 cái giỏ (mỗi cái được nhận tiền công dao động từ 20.000-30.000 đồng).

Nhằm tận dụng tối đa lao động nông nhàn, Xí nghiệp đã đặt nhiều cơ sở ở xã Tam Giang, Khu Kinh tế mở Chu Lai, Quán Gò (xã Bình An, Thăng Bình), hay ở các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, (Quảng Ngãi), Bách La (Quảng Trị). Tất cả công nhân đều được xí nghiệp đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Mới đây, Trường Trung cấp nghề Quảng Nam đã đưa 200 học sinh đến học tập, lao động tại xí nghiệp. Đây sẽ là lực lượng lao động thủ công mỹ nghệ tiềm năng của xí nghiệp trong tương lai.

Nhằm mở rộng thị trường và đa dạng sản phẩm, xí nghiệp mạnh dạn vay hỗ trợ lãi suất 1,4 tỷ đồng của Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Núi Thành. Theo Giám đốc Nguyễn Trường Thiên, tín hiệu vui nhất là nhiều đối tác làm ăn mới như thị trường Bỉ, Mỹ đã có đơn đặt hàng. Vừa qua xí nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải trị giá 2,2 tỷ đồng, trong đó, Đan Mạch tài trợ 1 tỷ đồng.

Tới đây, Xí nghiệp MTL Âu Cơ sẽ triển khai dự án trồng cây mây nước tại 3 huyện Núi Thành, Nam Trà My và Điện Bàn giai đoạn 2009-2015. Quy mô thực hiện 16 vườn ươm giống cây mây nước với diện tích167 ha. Tổng nguồn vốn dự án là 28 tỷ đồng, xí nghiệp sẽ sử dụng vốn tự có, vay ngân hàng và vốn hỗ trợ từ tổ chức WWF.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG