Cứu chứng khoán bằng Quỹ hưu trí tự nguyện?

TTCK ảm đạm cả năm 2011, do bị thắt chặt tiền tệ
TTCK ảm đạm cả năm 2011, do bị thắt chặt tiền tệ
TP - Đó là một trong những giải pháp, được nêu ra tại hội nghị phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2012, nhằm tạo dòng tiền cứu thị trường chứng khoán.

> Đề xuất ngân hàng không thắt tín dụng

TTCK ảm đạm cả năm 2011, do bị thắt chặt tiền tệ
TTCK ảm đạm cả năm 2011, do bị thắt chặt tiền tệ.
 

Niềm tin suy giảm

Theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, TTCK năm 2011 đã trải qua một năm khó khăn. Việc thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt khiến sức cầu về chứng khoán, nguồn vốn cho chứng khoán sụt giảm và hoạt động giải chấp gia tăng đã gây áp lực cho TTCK.

Thanh khoản TTCK giảm sút khiến khả năng tiếp cận vốn tín dụng cũng như huy động vốn trên TTCK của các doanh nghiệp rất hạn chế.

Hậu quả, chỉ số chứng khoán năm 2011 sụt giảm khoảng 27% so với cuối năm 2010. Giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mỗi phiên chỉ đạt 1.032 tỷ đồng, giảm 60% so với năm 2010.

Mức vốn hóa đạt khoảng 602 nghìn tỷ đồng, giảm 124 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2010; khoảng 16% Cty niêm yết bị lỗ và khoảng 60% có lợi nhuận sụt giảm so với năm trước, chất lượng suy giảm.

Còn ông Lê Văn Châu, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh chứng khoán nhận định, niềm tin của giới đầu tư vào TTCK bị suy giảm nghiêm trọng, các công ty chứng khoán và quản lý quỹ bị thua lỗ nặng nề.

Theo ông Châu, để vượt qua tình cảnh này, đã đến lúc phải xem xét lại công tác phát hành và niêm yết như nâng cao chất lượng hàng hóa, công bố thông tin minh bạch, cơ cấu lại hệ thống công ty chứng khoán theo hướng đơn giản.

Nghiên cứu lập Quỹ hưu, tạo nguồn tiền

Với chính sách thắt chặt tiền tệ như hiện nay, gần như dòng tiền vào chứng khoán đã bị chặn lại. Nếu không khơi thông được dòng tiền, thì khó có thể phát triển được TTCK.

Ông Nguyễn Thanh Tân, Chủ tịch CLB Quản lý quỹ cho biết, thị trường đã và đang thu hút đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cho đến nay đã có 1,2 triệu tài khoản giao dịch trong đó nhà đầu tư tổ chức chiếm khoảng 4%.

Ông Tân đề xuất: “Bộ trưởng Tài chính nên xem xét cho phép thành lập Quỹ hưu trí tự nguyện, trên cơ sở lấy nguồn tiền từ bảo hiểm xã hội. Trên thế giới, 80% Quỹ đầu tư là Quỹ hưu trí. Điều các công ty quản lý quỹ ở Việt Nam mong muốn lúc này là xin phép tiếp cận với nguồn vốn của Quỹ hưu trí của Bảo hiểm xã hội. Có thể chỉ cần 10% tổng số đã là một nguồn vốn lớn có thể khai thông thị trường”.

“Hiện nhiều nước đã tách hẳn Quỹ bảo hiểm có tính chất an sinh xã hội ra khỏi các quỹ đầu tư, vì nếu dùng quỹ này để đầu tư là rất nguy hiểm. Quỹ lương hưu mục đích dùng lo vấn đề an sinh xã hội, không thể dùng đầu tư cho chứng khoán, vì đầu tư chứng khoán rủi ro rất cao, nếu rủi ro thì ai chịu. Theo tôi, chỉ có thể dùng một phần quỹ này mua trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu quốc tế. Quỹ bảo hiểm thì về nguyên tắc chỉ được mua trái phiếu nhà nước mới an toàn” - Ông Nguyễn Minh Phong – Viện nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội.

 

Trước những khó khăn của TTCK, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trấn an bằng thông tin: Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị 08 về việc thúc đẩy và phát triển TTCK Việt Nam và QĐ 253, về Đề án Quản lý vốn đầu tư gián tiếp.

Chính phủ luôn coi trọng chứng khoán là kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế. Cùng với đó, đề án về phát triển thị trường với một loạt các giải pháp như tăng cung và chất lượng hàng hoá, mở thêm nhiều kênh, nhiều quỹ.

Bộ Tài chính và UBCKNN sẽ làm việc với Bộ LĐTB&XH để nghiên cứu việc thành lập Quỹ hưu trí tự nguyện. Về hàng hoá cho thị trường chắc chắn phải nâng chuẩn. Bộ Tài chính cũng sẽ sớm làm việc với Ngân hàng Nhà nước để bàn về quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, xử lý sự bất thường của luồng vốn.

“Chứng khoán đã bước sang tuổi 11. Con gái tôi ở nhà tuổi này vẫn phải đưa đến tận xe buýt mỗi sáng đi học, vẫn phải takecare (chăm sóc) từng tí. Nói thế để thấy rằng với TTCK cũng không thể sốt ruột được, cần phải thận trọng, đi bước nào là chắc bước đó”, ông Huệ nói.

Bàn về chất lượng hàng hóa, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN cho biết, trong năm nay sẽ nâng cao tiêu chuẩn niêm yết để đảm bảo chất lượng hàng hóa trên thị trường.

Cụ thể, với công ty niêm yết trên sàn HOSE, hiện phải có vốn điều lệ 80 tỷ đồng trở lên và hai năm liền kề có lãi, thì tới đây sẽ nâng lên thành 120 tỷ đồng; phải có không dưới 300 cổ đông và có ít nhất 2 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, hoạt động kinh doanh của 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết có lãi và không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký niêm yết.

Đối với sàn HNX, điều kiện niêm yết hiện nay là doanh nghiệp phải có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, thì dự kiến tới đây sẽ nâng lên mức 30 tỷ đồng và có từ 100 cổ đông trở lên...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".