'Cứu' doanh nghiệp xuất khẩu bằng bảo hiểm tín dụng

'Cứu' doanh nghiệp xuất khẩu bằng bảo hiểm tín dụng
TP - Ông Trịnh Thanh Hoan- Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính  cho rằng, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ là cứu cánh cho DN xuất khẩu, nhất là trong tình hình tỷ giá USD tụt giảm như hiện nay.
'Cứu' doanh nghiệp xuất khẩu bằng bảo hiểm tín dụng ảnh 1
DN Xuất khẩu Việt Nam đối mặt với lắm rủi ro

Được biết, sẽ có 3 phương án thành lập doanh nghiệp (DN) BHTDXK (DN 100% vốn Nhà nước, DN cổ phần có vốn Nhà nước và DN tự liên kết), vậy hiện nay Bộ Tài chính nghiêng về phương án nào?

Hiện chúng tôi còn đang đi khảo sát ở các nước, chưa trình Chính phủ phương án nào, nhưng chắc chắn đây sẽ là doanh nghiệp Nhà nước. Vì, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu này có sự hỗ trợ của Nhà nước rất lớn, từ trước đến nay các DN chưa có loại hình này.

Theo ông, Nhà nước nên và sẽ can thiệp vào mức độ nào?

Thứ nhất là Nhà nước đưa ra chính sách bắt buộc đối với tín dụng xuất khẩu; thứ hai đây là DN đặc biệt vì có sự chi phối chung trên phạm vi cả nước. Việt Nam hiện có 40 Cty bảo hiểm nhưng là sản phẩm bảo hiểm chung. Trong tương lai thì Cty này là DN đầu tiên có sản phẩm riêng (bảo hiểm tín dụng xuất khẩu).

Dự kiến, sau tháng Tư này, khi đoàn khảo sát ở Nhật và Hàn Quốc về thì sẽ cùng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính xem xét và xây dựng phương án để trình Chính phủ trong tháng 5/2008. Còn thành lập vào lúc nào phụ thuộc vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện có rất nhiều DN xuất khẩu mong muốn được bảo hiểm tỷ giá ngoại hối, ý kiến của ông thế nào?

Theo tôi thì Chính phủ nên bảo hiểm về tỷ giá ngoại hối, vì tỷ giá lên xuống rất thất thường. Ví dụ như hiện nay, khi DN xuất thì tỷ giá đồng USD thấp hơn lúc ký hợp đồng, khiến cho các DN xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn.

Thực tế các ngân hàng đã cung cấp dịch vụ bảo hiểm tỷ giá, nhưng vì sao các DN rất ngại tham gia?

Việc tính tỷ giá còn phụ thuộc vào sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng thương mại hiện có làm nhưng riêng lẻ, chưa có một đầu mối nào đứng ra chịu trách nhiệm trước Chính phủ về vấn đề này. Đó là mặt yếu của chúng ta hiện nay.

Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ áp dụng với việc xuất khẩu trên phạm vi toàn cầu hay chỉ trong khuôn khổ một tổ chức thương mại nào đó, ví dụ như trong WTO, thưa ông?

Nói chung là bảo hiểm trên toàn cầu, bất cứ xuất khẩu đến nước nào cũng được bảo hiểm. Nếu triển khai tốt, các nhà xuất khẩu rất yên tâm vì có một đơn vị đứng sau đảm bảo về khả năng tài chính của mình, bảo đảm về tỷ giá, về những rủi ro thị trường; và cả nghiên cứu thị trường, nghiên cứu và kiểm tra khả năng thanh toán của DN nhập khẩu nước ngoài thế nào...

Về số lượng, tôi nghĩ sẽ có một DN bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, nhưng có nhiều chi nhánh ở các tỉnh, vì nếu Nhà nước đã quy định đây là bảo hiểm bắt buộc thì công ty BH này hoạt động mang tính chất vì lợi ích chung của cộng đồng và không mang tính chất lợi nhuận.

Nếu Nhà nước độc quyền và tài trợ thì chắc chắn Nhà nước chỉ có một DN. Tuy nhiên, mặt trái của nó là sự năng động của DN độc quyền không tốt.

Tại sao lại chỉ có 1 DN BHTDXK? Các DN khi cảm thấy không tin cậy có sự lựa chọn nào khác?

Trước mắt chúng tôi đề nghị Chính phủ thành lập một DN. Trong quá trình hoạt động, nếu không đáp ứng được yêu cầu của các nhà xuất khẩu hoặc DN này hoạt động không hiệu quả thì có thể sẽ thành lập thêm DN nữa. Còn hiện tại thì chưa thể nói nó tốt hay không tốt.

"Nếu không bảo hiểm tín dụng thì xuất khẩu gặp rất nhiều rủi ro vì bản thân các nhà xuất khẩu cũng không hiểu rõ được hết thị trường bảo hiểm, về những đối tác nhập khẩu của mình như khả năng tài chính, khả năng thanh toán, rồi rủi ro trong quá trình vận chuyển…

Từ trước đến nay chúng ta chỉ bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu, nhưng tỷ lệ bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu rất ít, chỉ 3-5% vì các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng không hiểu hết thị trường tự do mình xuất đi. Khi có tranh chấp, nhà xuất khẩu không hiểu hết luật lệ quốc tế cũng như luật lệ trong nước. Mặt khác, khi có thay đổi về tỷ giá, về quy mô thị trường thì các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng chưa lường hết được"- Ông Trịnh Thanh Hoan, Vụ trưởng Vụ bảo hiểm, Bộ Tài chính

Đại Dương
thực hiện

MỚI - NÓNG