Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự:

Đã có nhiều linh hoạt trong đàm phán gia nhập WTO

Đã có nhiều linh hoạt trong đàm phán gia nhập WTO
Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, trao đổi về những tiến triển trong đàm phán song phương và đa phương trong khuôn khổ đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam.
Đã có nhiều linh hoạt trong đàm phán gia nhập WTO ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự

Tại các phiên đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) gần đây, đã có nhiều bước tiến được đánh giá là góp phần thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa Việt Nam và các đối tác. Thứ trưởng đánh giá thế nào về kết quả này?

Các cuộc đàm phán tại vòng đàm phán đa phương lần này đã có nhiều tiến bộ quan trọng, góp phần rút ngắn hơn nữa khoảng cách nhượng bộ lẫn nhau giữa Việt Nam và các đối tác. Nhiều đối tác đã nhất trí đánh giá khoảng cách giữa hai bên không còn xa và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa đàm phán song phương, nhằm hỗ trợ Việt Nam gia nhập WTO trong thời gian sớm nhất có thể.

Tinh thần đó đã được cụ thể hóa tại vòng đàm phán đa phương diễn ra tại Geneve gần đây, với việc các bên đã có sự linh hoạt trong đàm phán, nhằm tháo gỡ dần những vấn đề tồn tại ở một số lĩnh vực.

Với một số đối tác, sự linh hoạt thể hiện ở chỗ họ đã giảm một cách đáng kể những yêu cầu đưa ra về mức độ tự do hóa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà Việt Nam phải thực hiện khi gia nhập WTO.

Động thái này là hết sức quan trọng, bởi nó không chỉ thể hiện thiện chí, cũng như sự ủng hộ của các đối tác đối với Việt Nam, mà quan trọng hơn, đó còn là cơ sở vững chắc để tiếp tục đẩy nhanh tiến tới kết thúc đàm phán song phương. Về phần mình, Việt Nam cũng đã linh hoạt đề xuất một số nhượng bộ mới trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ để bày tỏ quyết tâm trong việc gia nhập WTO.

Còn ở những lĩnh vực được coi là nhạy cảm thì sao, thưa Thứ trưởng? Quan điểm của Việt Nam trong đàm phán những vấn đề này như thế nào và hiện nay các đối tác có sự nhượng bộ nào không?

Đối với các lĩnh vực nhạy cảm thì quan điểm của chúng ta là vừa đàm phán, vừa kết hợp thuyết phục và giải thích cho các nước hiểu thực tế khó khăn của Việt Nam. Khi hiểu được thực tế này thì không ít đối tác đàm phán đã ủng hộ chúng ta.

Tôi lấy ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp, khi được biết hiện nay có tới 70% dân số Việt Nam sống dựa vào ngành này thì đa số các nước đều bày tỏ sự đồng tình với việc trợ cấp trong nước 10% mà Việt Nam đề xuất. Ở một số lĩnh vực khác cũng vậy, phần lớn các nước đều ủng hộ việc Việt Nam được hưởng những trợ cấp dành cho các nước đang phát triển, có trình độ tương tự Việt Nam.

Trong các cuộc đàm phán thời gian gần đây không ít đối tác đã đưa ra những đòi hỏi cao hơn nhiều so với mức cam kết cũng như khả năng thực hiện của Việt Nam. Vậy, cách xử trí trong trường hợp này là như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Về vấn đề này, hiện chúng ta đang đấu tranh nhằm thuyết phục các nước để đạt được lộ trình phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam và cũng tương thích với các quy định của WTO.

Các phiên đàm phán song phương mới đây với một số đối tác quan trọng, trong đó có Nhật Bản, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Xin Thứ trưởng cho biết một số kết quả của phiên đàm phán này?

Do trước đó hai bên đã có dịp bàn sâu về thương mại và dịch vụ tại Geneve nên trong phiên đàm phán song phương lần này, chủ yếu chỉ tập trung vào một số vấn đề đa phương mà Nhật Bản quan tâm, như quyền kinh doanh, hàng rào phi thuế quan, sở hữu trí tuệ...

Hai bên cũng đạt được một số tiến triển trong việc thu hẹp khoảng cách về thuế, cũng như có sự tiến bộ trong yêu cầu đàm phán để thu hẹp khoảng cách, tìm tiếng nói chung và tiến tới ký thỏa thuận trong thời gian sớm nhất.

MỚI - NÓNG