Đà Lạt: Doanh nghiệp công ích cũng chồng chất nợ nần

Đà Lạt: Doanh nghiệp công ích cũng chồng chất nợ nần
TP - Gần 650 lao động, trong đó hàng trăm người làm những việc nặng nhọc, dầm mưa dãi nắng nhưng vẫn thường xuyên bị nợ lương; các chế độ nghỉ hưu, thôi việc, thai sản, ốm đau… cũng bị từ chối giải quyết.
Đà Lạt: Doanh nghiệp công ích cũng chồng chất nợ nần ảnh 1
Công nhân Cty QLCTĐTĐL dầm mưa dãi nắng chăm sóc vườn hoa nhưng cũng bị nợ lương

Ông Trần Văn Bá – Chủ tịch Công đoàn Cty Quản lý Công trình đô thị Đà Lạt (QLCTĐTĐL) cho biết: “5 tháng nay, 647 lao động bị chậm lương: Đến tháng 8 mới được nhận lương tháng 6 và hiện đã là trung tuần tháng 10 nhưng người lao động chỉ được tạm ứng 50% lương tháng 9”.

Quyền lợi chính đáng và bức xúc của 3 công chức nghỉ hưu và thôi việc, 3 phụ nữ nghỉ thai sản, 21 trường hợp ốm đau… cũng bị cơ quan bảo hiểm từ chối giải quyết.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Đà Lạt cho rằng Cty QLCTĐTĐL đang giữ kỷ lục về thời gian nợ BHXH (gần 6 tháng) với số tiền hơn 668 triệu đồng nên đơn vị phải ngưng toàn bộ việc giải quyết chế độ cho người lao động.

Theo Cty QLCTĐTĐL, với đặc thù của doanh nghiệp công ích thì hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhưng đến nay TP Đà Lạt chưa có kinh phí để thanh toán khối lượng các công trình mà đơn vị đã thực hiện, do đó chưa có nguồn để chuyển trả số tiền nợ BHXH.

Thế nhưng, trao đổi với PV Tiền phong, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Lê Chinh nhấn mạnh: Chủ trương của thành phố là không để những người lao động công ích, nhất là các trường hợp làm công việc nặng nhọc như quét rác, thông cống, mai táng…bị chậm lương.

Thành phố đã chuyển kinh phí chi trả lương cho Cty QLCTĐTĐL nhưng ngân hàng giữ lại để thu hồi nợ bởi doanh nghiệp đang nợ không dưới 4 tỷ đồng, trong đó hơn 2 tỷ là nợ quá hạn. 

Lãnh đạo UBND TP Đà Lạt  khẳng định việc chậm thanh toán khối lượng các công trình là do doanh nghiệp chưa hoàn tất thủ tục, hồ sơ chứ không phải thành phố thiếu kinh phí. Cty QLCTĐTĐL triển khai số lượng dự án rất lớn nhưng thủ tục hồ sơ để thanh quyết toán, hoàn công… còn nhiều hạn chế.

Một số công trình không có thủ tục hồ sơ thiết kế, phê duyệt… nên chưa thanh toán được. HĐND thành phố cũng đã yêu cầu doanh nghiệp giải trình vì sao nhiều dự án  đã triển khai 3-4 năm mà chỉ tạm ứng vốn chứ chưa hoàn tất thủ tục thanh toán.

Sự dây dưa trong việc quyết toán hàng loạt công trình là bất thường, nhất là đối với một doanh nghiệp từng xảy ra nhiều vụ tiêu cực khiến cả ban giám đốc và kế toán trưởng bị kỷ luật, cán bộ bị khởi tố, nhiều công nhân phải ra tòa như Cty QLCTĐTĐL.

Đó là chưa kể một số công trình làm ăn gian dối, tráo đổi hoặc bớt xén nguyên vật liệu… đã bị báo chí phanh phui.

Trong khi việc triển khai các hoạt động công ích còn nhiều bất cập, doanh nghiệp lại vay số tiền rất lớn để đầu tư nhiều hạng mục trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh (nhà dịch vụ, đài phun nước… ) để rồi thua lỗ nặng.

Một số dự án giao thông do đơn vị thi công bị bỏ dở dang khiến nhiều hộ dân bức xúc.

Dư luận cho rằng cần có cuộc thanh tra toàn diện, làm rõ sai phạm của những người có trách nhiệm, chấn chỉnh công tác quản lý, lành mạnh hóa tài chính của doanh nghiệp; đồng thời tách bạch rõ hoạt động công ích và lĩnh vực kinh doanh của Cty QLCTĐTĐL.

Có như thế quyền lợi chính đáng của hàng trăm lao động trong lĩnh vực hoạt động công ích mới được đảm bảo.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.