Đặc sản xuất ngoại

Đặc sản xuất ngoại
TP - Những lời ngợi ca không đủ để đưa một đặc sản nông nghiệp chen vào thị trường nước ngoài. Một thức thơm ngon nổi bật trong truyền thống văn hóa ẩm thực của một vùng đất, tự nó chưa trở thành hàng hóa.
Đặc sản xuất ngoại ảnh 1
Cá tra, sản lượng từ không đáng kể vọt lên trên 1 triệu tấn một năm, từ tiêu thụ nội địa trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, kim ngạch năm 2008 trên 1,2 tỷ USD.

Sản xuất và kinh doanh nông sản “thời WTO” đang phải thay đổi rất nhiều, cả những điều ngỡ đã được khẳng định.

Con cá “số một thế giới”

Cá tra Việt Nam xuất khẩu đứng đầu thế giới hiện nay không phải con cá tra của nghìn xưa. Từ thế kỷ 20 trở về trước, cá tra ĐBSCL thịt vàng, mùi vị kém hấp dẫn.

Thuở đó, con cá ba sa hấp dẫn hơn bởi thịt trắng, thơm ngon, được nuôi bè từ năm 1960. Nhưng cá ba sa giá trị kinh tế thấp, nuôi một năm lớn chừng 0,4 kg, lại có cái bụng mỡ “quá cỡ” nên tỷ lệ phi-lê thấp.

Năm 1998, các nhà khoa học cho cá tra sinh sản nhân tạo thành công, nguồn giống thoát khỏi mùa vụ tự nhiên, mở ra thời kỳ mới trong nuôi cá tra. Tuy nhiên, thực sự đột phá phải sang thế kỷ 21, tìm ra kỹ thuật nuôi cá tra thịt trắng, thơm ngon: Thay nước thường xuyên, sục khí ao nuôi và cho thức ăn thích hợp.

Một thời kỳ hào hứng! Con cá tra giống dài chừng 2 cm, sau 7 – 8 tháng nuôi đạt trên dưới 1 kg, năng suất cao nhất 500 tấn/vụ/ha mặt nước. Đó thực sự là những nhà máy sản xuất thịt cá tra. Người ta đổ xô mở ao nuôi trên cồn giữa sông và cả đăng quầng. Cá tra, sản lượng từ không đáng kể vọt lên trên 1 triệu tấn một năm, từ tiêu thụ nội địa trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, kim ngạch năm 2008 trên 1,2 tỷ USD.

Một ngành kinh doanh cá tra nhanh chóng ra đời với 80 nhà máy chế biến và 168 doanh nghiệp xuất khẩu. Nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra đã tự phát hình thành, tăng trưởng rất nhanh và luôn “lạc nhịp” với nhau, đỉnh điểm là giữa năm 2008 với khủng hoảng thừa cá tra nuôi. Nội bộ ngành kinh doanh cũng cạnh tranh nhau làm cá tra mất giá ở thị trường nước ngoài.

Đến đây, dường như tất cả bừng tỉnh! Tháng 11/2008, Bộ NN-PTNT có “Quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL”. Những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu ngồi lại với nhau và chủ động hợp tác với người nuôi.

Trước kia, hai bên chủ yếu “hợp đồng mua đứt bán đoạn” với những cam kết lỏng lẻo, nay đang phát triển hình thức hợp tác đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Các nhà khoa học cũng tích cực tham gia với nhiều công trình nghiên cứu.

Trong đó, quan tâm cả việc giảm tác động xấu tới quần đàn tự nhiên, đa dạng sinh học bản địa. Dẫu còn nhiều thách thức nhưng đã có thể hy vọng, chuyển động hỗn loạn đang vào trật tự để ổn định ở tầm cao mới.

Dâu Hạ Châu Phong Điền

Trái dâu trước đây bảo quản tươi chỉ trong khoảng 7 ngày, nay các nhà khoa học giúp bảo quản tới 10 ngày.

Nguồn gốc từ “dâu miền dưới” có mặt lâu đời ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) nhưng mới nổi tiếng gần đây. Dâu khi chín vỏ và ruột trắng ngà sang trọng, thơm, vị ngọt thanh, không chua như nhiều loại dâu khác.

Trước kia, trái không đều, năng suất thấp vì cứ 100 cây cái phải trồng xen 5 cây đực và chín vào mùa mưa, một thời gian dài bị cam, quít lấn át. Đặc biệt, phải trồng từ hạt cây mới tốt nhưng từ hạt lại có đến 80% cây đực, 20% cây cái thì hay thoái hóa.

Vào thời khoa học kỹ thuật, ông Bảy Ngữ (Lê Quang Bảy) ở thị trấn Phong Điền mày mò nghiên cứu, tìm được cách ghép đọt cây cái tốt vào gốc dâu ươm từ hạt, lại phát hiện loại thảo mộc diệt ruồi đục trái và doanh nghiệp phân bón cùng tham gia nên nhanh chóng tạo được những vườn dâu tốt, năng suất cao. Năm 2000, Viện cây ăn quả miền Nam cùng nông dân đặt tên cho loại dâu ngon, sang trọng này là dâu Hạ Châu. 

Năm 2004, nông dân ở thị trấn Phong Điền và xã Nhơn Ái thành lập HTX Dâu Hạ Châu Phong Điền. Năm 2006, thương hiệu Dâu Hạ Châu Phong Điền được đăng ký. Chủ nhiệm HTX Dâu Hạ Châu Phong Điền - Bảy Ngữ nói: “Nhờ chính quyền quan tâm quảng bá thương hiệu mà đặc sản của Phong Điền được nhiều người biết đến”.

Hiện Phong Điền đã có gần 200 ha dâu Hạ Châu, cung không đủ cầu trong nước, còn xuất khẩu sang Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc. Nhiều nông dân khá lên từ dâu Hạ Châu.

Ông Bảy Ngữ có 2 ha dâu Hạ Châu, mỗi năm thu không dưới 300 triệu đồng. Vào mùa thương lái đến tận vườn, nhà vườn hái xuống và đếm tiền.

MỚI - NÓNG