Đại biểu Quốc hội lên tiếng việc tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu

Thuế bảo vệ môi trường xăng dầu nếu thu phải dành cho xử lý ô nhiễm môi trường. Ảnh: Internet.
Thuế bảo vệ môi trường xăng dầu nếu thu phải dành cho xử lý ô nhiễm môi trường. Ảnh: Internet.
TP - Việc thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tới đây sẽ tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng lít đang gây ra nhiều băn khoăn trong dư luận. Có ý kiến cho rằng, việc tăng này là không phù hợp, không thể lấy một loại thuế này để bù đắp cho việc giảm một loại thuế khác.

Hai loại thuế tách bạch nhau

Theo Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, việc Bộ Tài chính lý giải tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) từ mức 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng lít để bù đắp một phần giảm thu ngân sách do phải thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế xuất nhập khẩu là không phù hợp. Bởi thuế BVMT và thuế nhập khẩu là tách bạch nhau, không thể lấy một loại thuế này để bù đắp cho một loại thuế khác.

Tăng lên gấp 3 lần so với mức cũ thì lẽ ra phải được dùng để tăng chi cho BVMT, chứ không phải là để bù đắp cho thuế nhập khẩu giảm.

Cũng theo ông Kiêm, về nguyên tắc thuế BVMT được dùng để khắc phục các hậu quả về ô nhiễm môi trường do xăng dầu gây ra. Nay tăng lên gấp 3 lần so với mức cũ thì lẽ ra phải được dùng để tăng chi cho BVMT, chứ không phải là để bù đắp cho thuế nhập khẩu giảm.

“Khi thuế nhập khẩu xăng dầu giảm, người dân trong nước rất kỳ vọng rằng, giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ giảm để họ được hưởng lợi. Nhưng với việc tăng thuế BVMT để bù đắp cho việc giảm thuế nhập khẩu thì rõ ràng giá xăng dầu trong nước sẽ không giảm. Không những thế mà còn có khả năng tăng cao hơn trước vào tháng 5 tới đây khi việc tăng thuế BVMT chính thức có hiệu lực. Như thế là không phù hợp”, ông Kiêm nói.

Tuy nhiên, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc tăng thuế BVMT để bù đắp một phần ngân sách do cắt giảm mức thuế nhập khẩu như tờ trình của Chính phủ là hoàn toàn phù hợp, không có gì trái cả. Bởi thu thuế cũng là thu chung, nộp vào ngân sách nhà nước và chi cho phát triển xã hội, cho việc khám chữa bệnh. Riêng đối với việc BVMT, ông Nhã cho hay, đã có Quỹ BVMT. Do đó, không nhất thiết cứ phải quy định tiền thu được từ tăng thuế phải dành cho việc BVMT.

Ông Nhã cũng cho hay, việc tăng thuế BVMT còn giúp tạo thêm chênh lệch giữa giá xăng E5 và giá các loại xăng khác. Qua đó góp phần khuyến khích người dân trong nước sử dụng xăng sinh học đem lại nhiều lợi ích. Vì xăng E5 là xăng sạch nên không gây ô nhiễm môi trường như các loại xăng thông thường.

Thuế BVMT phải dùng để bảo vệ môi trường

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tăng thuế BVMT là cần thiết nhưng phải sử dụng đúng mục đích là bảo vệ môi trường. Số tiền thu từ thuế, phí bảo vệ môi trường hằng năm là bao nhiêu, sử dụng như thế nào, Tổng cục Môi trường cũng không biết được.

Việc thu, chi các loại thuế, phí bảo vệ môi trường là việc của Bộ Tài chính, Tổng cục Môi trường cũng không được biết.

Về chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, hằng năm, Bộ Tài chính lập dự toán, sau đó Quốc hội phê duyệt. Chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường ở nước ta hằng năm không quá 1% tổng chi ngân sách quốc gia, phân bổ cho trung ương và địa phương.

“Tôi đi một số nước thì thấy họ thường dùng tiền thuế, phí môi trường trực tiếp cho các mục đích bảo vệ môi trường. Người dân nộp thuế, phí có thể tận mắt thấy được tiền thuế, phí họ đã nộp được sử dụng như thế nào”. 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng

Nói về việc sử dụng thuế phí bảo vệ môi trường ở các quốc gia khác, ông Tùng cho biết: Tôi đi một số nước thì thấy họ thường dùng tiền thuế, phí môi trường trực tiếp cho các mục đích bảo vệ môi trường. Ví dụ, phí nước thải sẽ được sử dụng trực tiếp cho việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải thông qua một cơ chế thu, chi minh bạch. Người dân nộp thuế, phí có thể tận mắt thấy được tiền thuế, phí họ đã nộp được sử dụng như thế nào.

“Tôi cho rằng, việc tăng thuế BVMT là đúng nhưng phải dùng đúng mục đích, tức là thuế BVMT phải dùng để bảo vệ môi trường chứ không phải dùng vào mục đích khác” ông Tùng nói

Về thuế môi trường xăng dầu, theo TS Doanh, có thể là giải pháp lấy thuế này để bù vào việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Điều này dẫn đến, các DN trong nước chịu chi phi tăng lên, cao hơn so với các nước. Vì các nước họ cũng phải giảm thuế xăng dầu như ta, nhưng không thu phí môi trường tăng cao (đến 300%) như thế.

“Tăng phí mới là cái cớ, chứ không phải thực chất. Vậy phí môi trường đó ông dùng thế nào để bảo về môi trường, phải giải trình rõ. Tránh việc dùng phí này để chi tiêu vào việc khác của ngân sách, hiện đang mất cân đối”- TS Doanh phân tích.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.