Đại gia giày Trung Quốc chính thức khởi kiện EU

Đại gia giày Trung Quốc chính thức khởi kiện EU
Aokang Group, nhà sản xuất giày tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc vừa thuê luật sư nộp đơn kiện Liên minh châu Âu (EU), phản đối các cơ sở thực tế và pháp lý do EU đưa ra áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm của họ.
Đại gia giày Trung Quốc chính thức khởi kiện EU ảnh 1
Khẩu hiệu của Aokang (Mơ ước khởi đầu từ những bước chân đi). Aokang Group trở thành nhà sản xuất giày đầu tiên của Trung Quốc kiện ngược lại EU. Ảnh www.aokang.com.

Tất nhiên, Aokang Group trở thành nhà sản xuất giày đầu tiên của Trung Quốc kiện ngược lại EU sau khi EU đưa ra quyết định áp thuế chống bán phá giá 16,5% trong 2 năm đối với các sản phẩm giày da Trung Quốc.

Chủ tịch Aokang, ông Wang Zhentao cho biết hãng đã thuê Pu Lingchen, một luật sư nổi danh Trung Quốc về các vụ kiện chống bán phá giá, để nộp đơn kiện lên Toà sơ thẩm của EU với lập luận rằng quyết định áp thuế chống bán phá giá nói trên đang đi ngược lại luật định của chính EU.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, Trùng Quán, trước sau như một vẫn cho rằng quyết định áp thuế chống bán phá giá nói trên thiếu "cơ sở pháp lý đầy đủ cũng như bằng chứng thực tế" và cho rằng Trung Quốc có quyền trả đũa thương mại với hành động đó.

Theo luật EU, các công ty chịu phán quyết, như Aokang chẳng hạn, có quyền được kháng án. Tuy nhiên, quá trình này sẽ kéo dài khá lâu trước khi đi đến bất kỳ một kết quả nào, theo như kinh nghiệm của luật sư Pu Lingchen.

Theo thống kê của EU, trong năm 2005 Trung Quốc đã xuất sang EU 1,25 tỉ đôi giày và chiếm 50% thị phần giày ở EU.

Nhà máy giày Chuanxin ở tỉnh Quảng Đông ước tính trong 2 năm tới, khoảng 70% các đơn đặt hàng liên quan đến giày sẽ chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á. Tương tự, Aokang Group ước tính xuất khẩu giày Trung Quốc sang EU sẽ giảm 40% trong hai năm tới.

Nhà bán lẻ EU cũng phản đối thuế chống bán phá giá giày da

Các tập đoàn bán lẻ giày lớn nhất của EU cho biết sẽ phải cắt giảm việc làm do ảnh hưởng của việc EU quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với giày nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.

Việc áp thuế chống bán phá giá có thể sẽ đem lại lợi ích cho các nhà sản xuất giày của Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp giày da của EU phản đối hoặc không tỏ thái độ đối với vấn đề này.

Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Anh (BRC), việc áp thuế chống bán phá giá gây thêm quá nhiều áp lực đối với các nhà bán lẻ trong bối cảnh họ đang phải đối mặt với việc chi phí vận chuyển bị đẩy lên rất cao do giá dầu tăng.

Hiệp hội các nhà sản xuất giày Anh (BFA) tính toán rằng các phán quyết mới của EU về thuế chống bán phá giá giày da sẽ ảnh hưởng tới khoảng 500 triệu bảng Anh trong số 2,5 tỷ bảng kim ngạch nhập khẩu giày hàng năm từ Trung Quốc và Việt Nam.

Theo VietnamNet

MỚI - NÓNG