“Đại gia” nội bắt tay

“Đại gia” nội bắt tay
TP - Tháng 8/2006, việc EAB  ký hợp đồng đầu tư và hợp tác toàn diện với Tập đoàn tài chính bảo hiểm Bảo Việt đã  “mở đường” cho phong trào hợp tác giữa các nhà đầu tư trong nước.
“Đại gia” nội bắt tay ảnh 1
Cái bắt tay của Eximbank và Kinh Đô

Trước đây, nhiều DN cổ phần đã xem đối tác nước ngoài là ưu tiên hàng đầu trong danh sách cổ đông chiến lược. Nhiều “đại gia” trong nước đã xem việc trở thành cổ đông chiến lược của những DN lớn là một trong những “món hời”.

Xu hướng “ta về ta tắm ao ta”

Còn các doanh nghiệp muốn tìm thêm cổ đông chiến lược thì nhiều nơi đã “thấm” nên có nơi e ngại các nhà đầu tư nước ngoài và tâm lý “ta về ta tắm ao ta” đã xuất hiện...

“Phi vụ” được quan tâm nhiều và có quy mô lớn nhất là việc Kinh Đô bỏ 90 triệu USD  để mua 180 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu Eximbank với giá gấp 8 mệnh giá.

Trước đó Eximbank cũng đã đàm phán với nhiều đối tác nước ngoài nhưng bất thành vì họ đưa ra quá nhiều điều kiện bất lợi.

Hợp tác với nhau, Kinh Đô sẽ được Eximbank ưu tiên cho vay vốn với các dự án lớn mà Kinh Đô đang nhắm đến, nhất là trong lĩnh vực địa ốc có trị giá trên 1.000 tỷ đồng, nếu quá khả năng và luật định, Eximbank sẽ kêu gọi các ngân hàng khác cùng góp vốn.

Đổi lại Eximbank sẽ “thừa hưởng” lượng khách hàng, hệ thống cửa hàng để đặt máy ATM cũng như được Kinh Đô ưu tiên trong các dịch vụ liên quan đến doanh số trên 1.600 tỷ hàng năm của Cty này.

Từ tháng 1/2007 đến nay, còn có năm vụ đầu tư lớn khác của các doanh nghiệp trong nước vào các ngân hàng thương mại cổ phần. Như Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) mua 10% cổ phiếu Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank), Tổng Cty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng Cty Thương mại Sài Gòn (Satra) sở hữu mỗi đơn vị khoảng 5% cổ phần Habubank.

Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tổng Cty Cao su và Tập đoàn Than - Khoáng sản. Tổng Cty thương mại Sài Gòn (Satra Group) trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng Phương Nam khi mua 1 triệu cổ phiếu của ngân hàng này với giá 80 tỷ đồng.

Tổng Cty Dầu khí (Petro Việt Nam) hiện đang nắm giữ 100 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu của Ngân hàng Toàn Cầu (G-Bank) và tên của ngân hàng này đã thêm chữ dầu khí.

Tổng  Cty Thương mại Sài Gòn (Satra Group) đã đầu tư qua hình thức góp vốn với các  Cty con, Cty liên kết với số tiền 547 tỷ đồng theo mệnh giá cổ phiếu. Ngoài ra, Satra cũng đã đầu tư 2 triệu USD vào Quỹ Đầu tư Việt Nam. Giữa năm 2006, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã bán 31.500 cổ phần tương đương với 5% vốn điều lệ  cho Tổng Cty Rượu Bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Ngày 8/2/2007, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết Thoả thuận Hợp tác Chiến lược... tham gia đầu tư và sáng lập Cy cổ phần Chứng khoán Rồng Việt và mua cổ phiếu của các Cty khác.

“Săn” cổ phần doanh nghiệp ăn nên làm ra

Tháng 8/2006, việc EAB  ký hợp đồng đầu tư và hợp tác toàn diện với Tập đoàn tài chính bảo hiểm Bảo Việt đã  “mở đường” cho phong trào hợp tác giữa các nhà đầu tư trong nước.

Ông Huỳnh Văn Minh,Tổng giám đốc Satra Group, cho biết: “Hợp tác với nhau, hai bên cùng có lợi vì ngân hàng có thêm khách hàng là các thành viên của doanh nghiệp lớn, còn chúng tôi có thêm nguồn vốn tiềm năng khi cần không bị động”.

Không chỉ đầu tư vào ngân hàng, các Tổng Cty dồi dào vốn cũng đã, đang và sẽ đầu tư, mua cổ phần của các doanh nghiệp đang “ăn nên làm ra” như một hình thức đầu tư mới. Ông Lê Quang Thung, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Rubber Group- VRG) cho biết  VRG và 18 Cty cao su thành viên đã đầu tư 1.746 tỷ đồng vào cổ phiếu của 42 Cty cổ phần.

Ông Thung nói: “Các Cty cổ phần mà chúng tôi mua cổ phiếu chủ yếu thuộc các lĩnh vực có liên quan tới ngành công nghiệp vỏ ruột ô tô, xe máy, chế biến đồ gỗ. Điều này phù hợp với định hướng phát triển đa ngành của VRG”. Tháng 12/2006, VRG đã chi 24 tỷ đồng để mua cổ phần chiếm 60% vốn điều lệ của Cty Cao su Bến Thành ở TPHCM.

Theo kế hoạch, VRG còn mua cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược hoặc nắm giữ cổ phần chi phối ở các Cty sản xuất vỏ ruột, băng tải cao su  như Cty Cao su Sao Vàng, Cty Cao su Đà Nẵng, Casumina...

Cuối năm 2006 Satra  đã cùng với liên doanh Cty Bia Việt Nam mua lại toàn bộ Cty Bia Fosters Việt Nam với giá 105 triệu đô la Mỹ, mua 80% giá trị của Cty Bia Quảng Nam... Trong năm 2006, lợi nhuận mà Satra được chia từ Cty liên doanh Bia Việt Nam lên tới 363 tỷ đồng.

Cú đầu tư thành công lớn này của Satra đang là cú hích để nhiều nhà đầu tư lớn trong nước như EVN, VNPT, PETRO Việt Nam... cũng như các Cty cổ phần có cổ phiếu vào hàng blue-chip xích lại gần nhau trong năm 2007. 

MỚI - NÓNG