Đại gia Việt ẩn danh

Đại gia Việt ẩn danh
TP - Những người giàu ở Việt Nam, mà tài sản rất nhiều người nhìn thấy trên thị trường chứng khoán (TTCK) cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vậy còn các đại gia ẩn danh khác thì sao? Họ có thực sự giàu như đồn thổi.

Ngay từ khi Khu Du lịch Đại Nam (Bình Dương), nơi được xem là khu giải trí lớn nhất Đông Nam Á chưa mở cửa, người ta đã tò mò “chủ nhân của nó là ai”? Trên danh nghĩa, khu du lịch này do Cty cổ phần Đại Nam đầu tư, mà người nắm cổ phần chủ yếu là ông Huỳnh Uy Dũng (tên cũ của ông Huỳnh Phi Dũng với biệt danh Dũng lò vôi - PV). Cty này chính là Công ty Cổ phần Thanh Lễ rồi Công ty Cổ phần Phát Triển KCN Sóng Thần đổi tên thành.

Ông Dũng giàu nức tiếng từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, sự giàu có của ông Dũng có được phần lớn nhờ vào các dự án KCN Sóng Thần 1,2,3 với diện tích hàng trăm héc ta mỗi khu, đồng thời là sự ăn nên làm ra từ hàng loạt dự án địa ốc tại Bình Dương. Gần đây, ông Dũng nổi danh hơn với Khu du lịch Đại Nam, mà vốn đầu tư đã lên tới gần 2.000 tỷ đồng, trong tổng số 3.000 tỷ tổng vốn đầu tư dự kiến.

Mang tiếng là Cty cổ phần nhưng chưa bao giờ số cổ phần của ông Dũng và gia đình công khai, nên rất ít người biết thực hư số tổng tài sản của ông có sánh ngang với bầu Đức, ông Đặng Thành Tâm hay ông Phạm Nhật Vượng.

Nhưng chỉ với hàng loạt KCN, Cty và dự án địa ốc cùng khu du lịch hoành tráng trên, thì lượng tài sản mà ông Dũng đang sở hữu lên tới nhiều ngàn tỷ đồng. Thậm chí, giới đầu tư đồn đoán nếu Đại Nam niêm yết, ông Dũng sẽ nhanh chóng lọt vào TOP 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Bà Tư Hường

Chuyện Cty Hoàn Cầu của nữ Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Hường (Tư Hường- PV) tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ 2008 tại Khánh Hòa nhận được nhiều khen chê khác nhau. Sau sự kiện này, dư luận cũng biết ít nhiều về người phụ nữ được đồn đoán là giàu nhất VN.

Cũng như ông Dũng, tài sản của bà Tư Hường không thể đong đếm qua TTCK nhưng cách mà Hoàn Cầu bỏ ra hơn 10 triệu USD để làm Hoa hậu Hoàn vũ cùng hàng trăm tỷ để biến KDL Diamond Bay (Nha Trang- Khánh Hòa) đủ tiêu chuẩn tổ chức sự kiện trên trong vòng 1 năm đã cho thấy lời đồn cũng không ngoa.

Cộng với hàng loạt dự án bất động sản tại miền Trung, TPHCM và nhiều tỉnh thành khác thì bà Hường chẳng thua kém gì những vị trong TOP 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán 2009.

Từ đầu những năm 90, bà Tư đã nổi tiếng với hai phi vụ thu lời hàng chục triệu USD, số tiền quá lớn vào thời đó. Đó là phi vụ bà đầu tư 15 triệu USD để xây dựng Nhà máy bia Vinagel rồi bán lại cho San Miguel giá 25 triệu USD. Sau đó, bà Tư Hường bỏ ra 5 triệu USD để xây dựng nhà máy nước giải khát rồi tiếp tục bán lại cho Lipovital với giá 17 triệu USD...

Chúa đảo Tuần Châu

Cách đây bốn năm, đặc phái viên của báo Le Figaro ở Hà Nội đã có bài phóng sự “Những nhà tỷ phú đầu tiên của Việt Nam” có nhắc đến Chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển. Đi kèm với bài báo là tấm ảnh chụp vịnh Hạ Long nơi mà ông Tuyển đã biến đảo Tuần Châu thành khu du lịch đón tiếp khoảng 5 triệu du khách trong năm 2005. Đó cũng là thời kỳ ông Tuyển được đồn đoán là người giàu nhất Việt Nam khi chưa có bảng xếp hạng trên sàn chứng khoán.

Tháng 4 - 2009, ông Tuyển hoàn thành dự án bến du thuyền đầu tiên tại Việt Nam và tuyến phà Tuần Châu – Cát Bà với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Không khác với những đại gia ẩn danh khác nhưng việc hai công ty lớn nhất trong số 14 Cty của ông Tuyển đã được Công ty định giá và dịch vụ tài chính - Bộ Tài chính định giá 10.000 tỷ đồng cho thấy nhà báo Pháp đã không nhầm khi chọn ông Tuyển để viết bài. Tuy nhiên cũng như các đại gia ngoài sàn chứng khoán khác, ông Tuyển thực sự giàu như thế nào vẫn còn là bí ẩn.

Người có con bị bắt cóc đòi tiền chuộc 10 triệu USD

Giữa tháng 12-2009, dự án cụm cảng Long Toàn (Duyên Hải, Trà Vinh) đã khởi động với vốn đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng của ông Trầm Bê đầu tư khiến nhiều người nhớ lại những câu chuyện cũ.

Khó quên nhất là vụ Bình kiểm bắt cóc Trầm Trọng Ngân- con trai ông Trầm Bê để đòi tiền chuộc 10 triệu USD năm 2005. Ra tòa Bình kiểm trả lời vì biết rõ ông Bê rất giàu nên tổ chức vụ bắt cóc đòi tiền chuộc nhiều nhất VN từ xưa đến nay.

Vậy ông Bê giàu cỡ nào? Cách đây 3 năm, một tờ báo đã ước đoán số tài sản của ông Bê khoảng 2.000 tỷ đồng căn cứ vào cương vị cổ đông chính của NH Phương Nam và Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Triều An- Một bệnh viện tư lớn nhất TPHCM.

Tuy nhiên, ông Trầm Bê còn nắm khoảng chục Cty khác với số vốn hàng trăm tỷ đồng/cty như Cty Hàm Giang, Sơn Sơn hay có cổ phần khá lớn trong Cty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI). Đại gia này cũng rất ít xuất hiện trước công chúng, báo chí.

Những lần hiếm hoi ông Bê lên tiếng là vụ nguyên Chủ tịch HĐQT Phương Nam bị bắt hay lần con trai ông bị bắt cóc. Tài sản của ông còn đươc suy đoán từ việc bỏ ra hàng chục tỷ đồng/năm để làm từ thiện, xây trường, lập đoàn văn nghệ phục vụ miễn phí, xây cầu, dựng nhà ở từ thiện tại Trà Vinh, quê ông.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.