Đại gia Việt 'đau' vì chứng khoán

Đại gia Việt 'đau' vì chứng khoán
Khó khăn chung của nền kinh tế, cộng với sự đi xuống của thị trường chứng khoán đã khiến tài sản của một loạt các đại gia Việt Nam “bốc hơi”!

Đại gia Việt 'đau' vì chứng khoán

> Mẹ Cường 'đô la' thế chấp cổ phiếu vay ngân hàng
> Những đại gia chứng khoán bị bắt năm Rồng

Khó khăn chung của nền kinh tế, cộng với sự đi xuống của thị trường chứng khoán đã khiến tài sản của một loạt các đại gia Việt Nam “bốc hơi”!

Mẹ con bà Loan đã mất gần 2.500 tỷ đồng trong 2 năm gia nhập sàn chứng khoán Việt
Mẹ con bà Loan đã mất gần 2.500 tỷ đồng trong 2 năm gia nhập sàn chứng khoán Việt.

Tài sản của mẹ con đại gia phố núi "bốc hơi" gần 2.500 tỷ đồng

Gần đây nhất, thông báo của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM cho thấy, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG) đã "bốc hơi" gần 2.500 tỷ đồng trong 2 năm QCG niêm yết.

Hiện tại, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT QCG đang nắm giữ 60,58 triệu cổ phần, tương ứng với 605,83 tỷ đồng, chiếm 47,67% vốn. Ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô la), con bà Loan, thành viên HĐQT công ty đang nắm 537,5 nghìn cổ phần, tương ứng 5,375 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu đạt 0,44%. Như vậy hai mẹ con bà Loan đang nắm giữ 61,12 triệu cổ phần ở QCG.

Tuy nhiên, nếu tính theo giá đóng cửa của cổ phiếu QCG tại phiên giao dịch ngày 21-1-2013 (7.600 đồng/cp), thì tổng giá trị tài sản của hai mẹ con bà Loan chỉ đạt 464,5 tỷ đồng, trong đó tài sản của ông Nguyễn Quốc Cường là 4,1 tỷ đồng.

So với thời điểm cổ phiếu QCG chào sàn ngày 9-8-2010 với mức giá 48.000 đồng/cp, tính đến thời điểm hiện tại, thị giá QCG đã mất gần 7 lần về giá trị, tương đương mức thất thoát 40.400 đồng/cp.

Tính trên khối lượng cổ phiếu nắm giữ tại thời điểm hiện nay, tài sản của mẹ con bà Loan đã "bốc hơi" 2.469,2 tỷ đồng trong 2 năm QCG niêm yết.

Công ty Quốc Cường Gia Lai bắt đầu kinh doanh với ngành gỗ từ năm 1994. Sau 18 năm lăn lộn trên thương trường, bà Nguyễn Thị Như Loan đã gây dựng cho mình sản nghiệp nghìn tỷ, kinh doanh đủ ngành từ gỗ, xây dựng, bất động sản cho đến cao su, thủy điện.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế khó khăn, kế hoạch phá băng bất động sản năm 2012 bất thành, kéo theo hệ lụy, khiến Quốc Cường Gia Lai ngập chìm trong nợ, lỗ càng thêm lỗ.

Kết thúc quý 3 năm 2012, QCG báo lỗ ròng hợp nhất 468 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng, công ty có quy mô vốn điều lệ trên 1.270 tỷ đồng này lỗ 2,64 tỷ đồng. Năm 2011, công ty cũng đã lỗ ròng 40 tỷ đồng.

Đến hết quý 3 năm 2012, tổng nợ phải trả của Quốc Cường Gia Lai là trên 3.100 tỷ đồng, trên tổng tài sản 5.700 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngân hàng và trái phiếu là 1.450 tỷ đồng.

Một đại gia khác cũng khá nổi tiếng trên sàn chứng khoán, ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) cũng đã mất 51 tỷ đồng, theo kết quả kinh doanh năm 2012.

Công ty cổ phần chứng khoán Xuân Thành (mã VIX) của ông Thụy vừa mới công bố kết quả kinh doanh năm 2012 của công ty. Trong đó, doanh thu của công ty đạt 42,2 tỷ đồng, lợi nhuận âm 51,25 tỷ đồng. Theo kế hoạch trước đó của công ty đề ra trong năm 2012, lãi phải là 39,7 tỷ đồng.

Quý 4 năm 2012, chứng khoán Xuân Thành đạt doanh thu 2,67 tỷ đồng, bằng 10,7% so với cùng kỳ năm 2011, lợi nhuận sau thuế 7,1 tỷ đồng, gấp 16 lần so với cùng kỳ.

Mặc dù các quý 1, 2 và 4, chứng khoán Xuân Thành đều lãi so với cùng kỳ năm trước, nhưng với khoản lỗ gần 80 tỷ đồng quý 3, kết quả kinh doanh của công ty cả năm vẫn không khả quan. Như vậy, công ty chứng khoán Xuân Thành của bầu Thụy lỗ 51 tỷ đồng trong năm 2012.

Hiện tại, ông Thụy là Chủ tịch HĐQT chứng khoán Xuân Thành nắm 24,45 triệu cổ phiếu VIX, tương đương tỷ lệ sở hữu 81,5 tại Công ty chứng khoán Xuân Thành. Cổ phiếu VIX đóng cửa phiên giao dịch ngày 21-1 giảm 500 đồng, còn 9.000 đồng/cp.

Với giá trị cổ phiếu này, VIX vẫn cao hơn QCG 1.400 đồng/cp.

Các đại gia khác cũng chịu chung số phận

Do diễn biến thị trường chứng khoán không như kỳ vọng, nhiều đại gia chứng khoán khác cũng chịu chung số phận, khi tài sản của mình cứ "đội nón ra đi" không ngớt.

Đại gia Việt 'đau' vì chứng khoán ảnh 2
"Đại gia đau đớn nhất của năm 2012" - ông Đặng Thành Tâm .

Ông Đặng Thành Tâm (SN 1964) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc và cũng từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2007 nhưng cũng là đại gia “đau đớn” nhất của năm 2012.

Năm 2012 là một năm không mấy suôn sẻ với doanh nhân Đặng Thành Tâm. Hai công ty do ông điều hành liên tiếp thất bát. Trong đó, Công ty Cổ phần Đô thị Kinh Bắc (KBC) lỗ tới 263 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) lỗ hơn 200 tỉ đồng qua 9 tháng hoạt động đầu năm. Đơn vị duy nhất thu lãi về cho ông Tâm là Công ty Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC), nơi ông nắm 40% cổ phần, đạt lãi lũy kế 9 tháng khoảng 135,7 tỉ đồng.

Với những kết quả kinh doanh trên, cùng với hàng loạt các nghi vấn về những sai phạm của ông Tâm trong quá trình triển khai các dự án, các hợp đồng vay vốn, thế chấp BĐS... và đặc biệt là “cục nợ” trị giá 1.800 tỉ đồng nằm tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Tây (Westernbank) thông qua việc phát hành trái phiếu với tài sản đảm bảo là BĐS đã khiến tài sản do ông Tâm sở hữu mất hơn 574 tỉ đồng, xuống còn 820,2 tỉ đồng trong năm nay.

 Bà Đặng Ngọc Lan
Bà Đặng Ngọc Lan.

Bà Đặng Ngọc Lan - Thành viên HĐQT, Phó ban Kiểm toán nội bộ, Ngân hàng Á Châu, thành viên HĐQT Vietbank là một nhân vật bí ẩn trong hàng ngũ đại gia ở Việt Nam và chỉ xuất hiện một cách ầm ĩ sau sự kiện "bầu" Kiên (Nguyễn Đức Kiên) bị bắt.

Với số lượng cổ phiếu là các mã chứng khoán tại một loạt ngân hàng như ACB, Vietbank… năm 2007 bà từng giữ vị trí thứ 4 trong top 10 phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị tài sản lên tới 677,7 tỉ đồng. Thậm chí, năm 2009, có thời điểm, giá trị tài sản của bà Lan có lúc đã lên tới 1.045,433 tỉ đồng.

Tuy nhiên, cũng với những biến động mạnh trên thị trường tài chính - ngân hàng, đặc biệt là cú sốc mang tên “bầu” Kiên, giá trị cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh, đặc biệt là Ngân hàng ACB (nơi được cho là bà đang nắm giữ 3,71% cổ phần), số tài sản chứng khoán từ cổ phiếu của hiện có của bà chỉ còn 574 tỉ đồng so với 758 tỉ đồng năm 2011, tức giảm 184 tỉ đồng.

Chồng bà Lan, ông Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) năm 2006 có giá trị tài sản xác lập ở con số 1.100 tỷ đồng cho 4,1 triệu cổ phiếu mà ông nắm giữ tại ACB. Tuy nhiên tại thời điểm bị bắt (ngày 20-8-2012), tổng giá trị cổ phiếu được tính cho 35,1 triệu đơn vị cổ phiếu ACB (tương đương 3,75% cổ phần ACB) của “bầu” Kiên có giá trị là 555,5 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đức Kiên
Ông Nguyễn Đức Kiên .

Tính đến thời điểm ngày 27-12, với việc chứng khoán ACB giảm giá tới 26% đã khiến giá trị tài sản bằng cổ phiếu của đại gia này sụt hơn 168 tỉ đồng, còn khoảng 524 tỉ đồng.

Như vậy, với sự biến động của nền kinh tế, sự đi xuống của thị trường chứng khoán, hiện tượng đóng băng ế ẩm dài của bất động sản là những nguyên nhân dẫn đến sự "gục ngã" của các đại gia chứng khoán Việt.

Hy vọng năm 2013 sẽ là một năm khởi sắc với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo Diên Lệ
Kiến thức

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG