Đàm phán gia nhập WTO: Đã có lúc tưởng chưa thể kết thúc

Đàm phán gia nhập WTO: Đã có lúc tưởng chưa thể kết thúc
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã nói như vậy sau phiên đàm phán đa phương cuối cùng về việc Việt Nam gia nhập WTO trong cuộc trao đổi chân tình dành cho báo chí ngay khi vừa trở về từ Geneva.
Đàm phán gia nhập WTO: Đã có lúc tưởng chưa thể kết thúc ảnh 1
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển.

Trong phiên đàm phán này, nội dung nào là căng thẳng nhất, thưa bộ trưởng?

Căng thẳng nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia. Chúng ta muốn giành quyền đánh thuế theo phần trăm lũy tiến theo độ cồn, tức thuế suất tăng theo độ cồn. Điều này lại “đẻ” ra một việc là trái với qui định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT).

Theo qui định của GATT, trong cùng một loại rượu không được có thuế suất khác nhau. Đã có một số thành viên WTO bị kiện và thua kiện liên quan đến nội dung này.

Cuối cùng chúng ta chấp nhận không đánh thuế theo độ cồn. Mà thật ra, khi đánh thuế theo độ cồn thì không phải cứ độ cồn cao là thu được thuế cao. Bởi vì có thể độ cồn cao nhưng độ tinh khiết thấp thì giá vẫn thấp và số thuế thu được thấp trong khi rượu có độ cồn thấp nhưng độ tinh khiết cao thì vẫn có giá cao hơn.

Tuy chấp nhận như vậy nhưng chúng ta vẫn giành được quyền chọn đánh thuế theo kiểu tuyệt đối hay tương đối, đồng thời chúng ta bác bỏ việc đưa ra mức thuế suất cụ thể trong nội dung cam kết.

Thưa bộ trưởng, còn nội dung nào phải mất nhiều thời gian đàm phán?

Quyền kinh doanh cũng là nội dung rất phức tạp và mất nhiều thời gian đàm phán. Ta phải giành quyền kiểm soát việc lưu thông phân phối chứ không thể để các nhà kinh doanh nước ngoài khống chế mạng phân phối của VN, bảo đảm sự tương thích giữa quyền kinh doanh với cam kết về hệ thống phân phối để nó không làm yếu đi hệ thống phân phối trong nước.

Và cuối cùng, chúng ta cũng “đòi” được làm rõ quyền kinh doanh trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được hiểu là có thể tự động xâm nhập hệ thống của chúng ta.

Trước khi lên đường đi đàm phán, bộ trưởng có nghĩ đây sẽ là phiên cuối cùng?

Khoảng 6 đến 8/11, lễ kết nạp VN vào WTO sẽ tổ chức. Sau khi ký vào văn kiện gia nhập rồi thì chúng ta mới có cơ sở để trình Quốc hội phê chuẩn được.

Với dự kiến trong tuần đầu tháng mười một chúng ta được kết nạp vào WTO và kỳ họp Quốc hội dự kiến kết thúc vào ngày 5/12 thì chậm nhất là trong khoảng ngày 12, các văn kiện này sẽ phải được trình Quốc hội để xem xét phê chuẩn.

Trước khi đi, chúng ta đặt quyết tâm cao nhưng đến ngày đàm phán cuối cùng lại có một nội dung phát sinh rất phức tạp liên quan việc loại trừ nguyên tắc về đối xử tối huệ quốc (MFN) liên quan đến dịch vụ vận tải biển theo cam kết của VN với EU ký tháng 10/2004.

Theo cam kết này, trong trường hợp sau này VN có ký kết một hiệp định vận tải đối với một nước nào đấy thì một số nội dung của hiệp định đó không được áp dụng cho các thành viên khác của WTO.

Đó là nội dung mà đến sáng ngày đàm phán cuối cùng, một số thành viên đã đưa ra yêu cầu đề nghị loại bỏ phần loại trừ này.

Đến 3 giờ chiều 13/10, đã xuất hiện một khả năng cuộc đàm phán phải dừng lại, “treo” nội dung này để đến thứ tư tới tiếp tục xem xét vì không chỉ ở cấp bộ trưởng mà cả cấp cao hơn bộ trưởng của một số đối tác vẫn chưa chấp nhận. Với nhiều biện pháp cả đàm phán, tranh luận, thuyết phục, đối tác mới chịu rút lại yêu cầu này.

Bởi vì vấn đề tuy không phải chỉ có một đối tác đề nghị nhưng nếu có một số trong các đối tác đàm phán của VN rút yêu cầu này thì các đối tác khác cũng sẽ rút theo. Ta phải thuyết phục rất nhiều, đến 5 giờ chiều họ mới chấp nhận và mãi đến 10h20 tối 13/10 (giờ Geneva), các nội dung đàm phán mới kết thúc.

Thủ tướng vừa có yêu cầu phải công bố các nội dung cam kết về mở cửa thị trường khi gia nhập WTO, bao giờ những nội dung cam kết của VN sẽ được công bố rộng rãi cho các DN biết, thưa bộ trưởng?

Bây giờ đàm phán xong rồi, về cơ bản chúng ta đã có thể công bố được. Bởi vì đến thời điểm này sẽ không có bất cứ sự thay đổi nào về các mức cam kết mà chỉ có thể cần phải sửa đổi một số câu chữ. Tuy nhiên, chắc là toàn bộ các cam kết sẽ được công bố sau phiên làm việc cuối cùng ngày 25 và 26 tới vì có thể sẽ có những câu chữ có thể thay đổi từ giờ cho đến lúc đó.

Trong lần đàm phán này, có lúc nào các nội dung đàm phán căng thẳng đến mức bộ trưởng phải bỏ ra khỏi phòng như khi đàm phán song phương với Hoa Kỳ không?

Lần đàm phán này bỏ ra khỏi phòng như lần trước thì không có nhưng tỏ thái độ thì có. Bởi cũng như ngay trước khi bắt đầu vòng đàm phán này, tôi từng nói VN không nhất thiết phải gia nhập WTO trong năm 2006.

Nói về tuyên bố không nhất thiết phải gia nhập WTO vào năm nay là chiến thuật cũng có thể được mà nói đó là ý thật cũng được. Bởi vì cũng có một số nước đưa ra yêu cầu rất cao mà trong phiên đàm phán trước chúng ta không chấp thuận.

Theo Nhật Linh
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.