Đàm phán Việt - Mỹ về WTO: Căng thẳng, kéo dài

Đàm phán Việt - Mỹ về WTO: Căng thẳng, kéo dài
Sau một cuộc điện thoại với Hà Nội lúc 5 giờ sáng, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển - đã hủy chuyến bay rời thủ đô Washington sáng 12-5 (giờ Washington) dự định đi Manila dự Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN. 
Đàm phán Việt - Mỹ về WTO: Căng thẳng, kéo dài ảnh 1
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển phải hủy chuyến bay rời Washington

Vòng đàm phán được hi vọng là cuối cùng dự định kết thúc vào chiều 11/5 (giờ Washington). Nhưng tới cuối giờ làm việc hôm đó, đôi bên vẫn còn rất nhiều bất đồng.

 Thông tin từ phía Mỹ được “rò rỉ” ra với nhiều hi vọng khi phía Mỹ mời đoàn đàm phán và ông Tuyển gặp lại vào lúc 6 giờ tối. Nhưng tại nơi hẹn, ông Tuyển và đoàn đã phải ăn tạm hamburger và ngồi hàng giờ chờ phía Mỹ “hội ý nội bộ”. Mãi tới gần 9 giờ, đoàn được mời... trở về nhà vì cuộc gặp lại được hoãn cho tới 10 giờ đêm.

Ông Tuyển đã có không ít kinh nghiệm với loại “chiến thuật” này khi chỉ huy cuộc đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ cuối thập niên 1990. Ông Batia - phó đại diện thương mại Mỹ và trưởng đoàn đàm phán Mỹ - bà Dorothi Dworskin to khỏe, biết rõ ông Tuyển vừa phải phẫu thuật dạ dày năm ngoái, đã ba đêm không có lúc nào ông và đoàn đàm phán được ngủ trước 2 giờ sáng. Và hôm sau, ông Tuyển sẽ phải dậy sớm để bay đi Philippines theo lịch trình.

Đoàn đàm phán VN về gia nhập WTO tại Washington đã làm việc với cường độ rất cao khi phiên đàm phán với Mỹ phải kéo dài đến tận đêm 11/5 (giờ Washington) và phải bước vào ngày làm việc thứ tư, khác với dự định ban đầu là hoàn thành đàm phán trong ba ngày.

Trao đổi với Tuổi Trẻ vào 21g đêm qua, ông Nguyễn Duy Khiên - tham tán thương mại của Đại sứ quán VN tại Mỹ - cho hay chưa thể biết chính xác khi nào đàm phán chấm dứt.

Qua giọng nói lộ vẻ mệt mỏi và căng thẳng, ông Khiên nói chưa có bất cứ kết quả chính thức nào từ đàm phán, hai bên vẫn tiếp tục thương lượng vấn đề VN tăng tốc ngành dệt may, nhập khẩu xe máy phân khối lớn vào VN và một số vấn đề khác như Tuổi Trẻ đã đưa tin.

Và đúng vào lúc gần nửa đêm phía Mỹ mới đưa ra những đòi hỏi mà chính giới doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến thị trường Việt Nam cũng đã phải thốt lên là “không thể nào chấp nhận được”: Mỹ kéo dài thời gian tới 12 năm đối xử với Việt Nam như là một nước chưa có kinh tế thị trường; áp đặt chế độ hạn ngạch lên hàng dệt may bất cứ khi nào Việt Nam có dấu hiệu bao cấp, trợ giá... Phía Việt Nam đã kiên nhẫn thương lượng cho tới gần 4 giờ sáng nhưng kết quả chỉ là một tín hiệu là đôi bên còn có thể gặp lại vào chiều hôm sau.

Những trở ngại trong việc đánh thuế hàng nhập khẩu từ Mỹ và kể cả các cam kết liên quan đến tài chính ngân hàng là hết sức cam go nhưng đó không là trở ngại lớn. Vấn đề xuất khẩu những xuất bản phẩm từ Mỹ vào Việt Nam cũng đang có không ít cự ly. Đặc biệt, theo một nguồn tin rất đáng tin cậy ở Washington, cách tính mức độ bao cấp trong nền kinh tế Việt Nam của Việt Nam và Hoa Kỳ là vấn đề còn có khoảng cách lớn nhất.

Phía Mỹ coi những khoản đầu tư thông qua các công ty của Nhà nước là một kênh bao cấp quan trọng. Những chính sách khuyến khích đầu tư trong một số ngành nông nghiệp giờ đây đôi bên cũng phải nhìn nhận là “bao cấp”.

Những khoản đầu tư của nhà nước được coi là bao cấp này sẽ trở thành tiêu chí để phía Mỹ công nhận Việt Nam có phải là một nền kinh tế thị trường hay không để từ đó áp dụng những chính sách (bao gồm cả thuế) có lợi hay bất lợi với Việt Nam. Một quan chức trong Chính phủ Mỹ nói rằng: “Vấn đề bao cấp hàng dệt may (đang được thảo luận căng thẳng trong đàm phán) chỉ là một phần trong khung bao cấp rộng lớn mà Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam sửa đổi”.

Bên thiện chí, bên cứng rắn

Đàm phán Việt - Mỹ về WTO: Căng thẳng, kéo dài ảnh 2

Đại diện thương mại Mỹ Susan Schwab. Ảnh: AP

Cho dù Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, trưởng đoàn đàm phán Lương Văn Tự và các thành viên có phải mất ngủ thì sự phức tạp của vòng đàm phán này cũng không phải là vấn đề sức khỏe. Đây sẽ là một bài toán lớn của Việt Nam.

Các nhà hoạch định chiến lược sẽ phải cân nhắc, thị trường (chắc chắn sẽ phát triển nhanh sau khi gia nhập WTO) hay sự tập trung nguồn vốn của Nhà nước sẽ giúp các ngành kinh tế như nông nghiệp, dệt may... phát triển. Theo kinh nghiệm Trung Quốc kể từ năm 2001, khi họ gia nhập WTO, các ngành kinh tế của họ đều đã phát triển rất mạnh cho dù chính họ cũng đã phải nhân nhượng để từ bỏ rất nhiều sự bao cấp của nhà nước.

Mấy ngày qua trong khi trưởng đoàn Lương Văn Tự tập trung đàm phán trực tiếp, đặc phái viên Trương Đình Tuyển liên tục tiếp xúc đàm phán với những nhân vật quyền lực ở Washington. Có ngày, ông Tuyển gặp tới bảy chính khách nổi bật của cả hai bên hành pháp và lập pháp. Ông nhận được rất nhiều cam kết ở những nơi này.

Giới phân tích ở Washington cho rằng đây là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam nhất. Sau khi người Nga bỏ cuộc, người Mỹ tạm ngưng tập trung vào vòng đàm phán tại Doha, Washington đang có nhiều thời gian cho Việt Nam hơn. Sau chuyến đi của ông chủ tịch Hạ viện Mỹ Dennis Haster sang thăm VN, nhiều tín hiệu cho thấy nếu hiệp định song phương được ký kết thì khả năng được Quốc hội Mỹ thông qua sớm là nhiều. Về phía hành pháp, nhiều nhà phân tích ở Mỹ cho rằng bản thân Tổng thống Bush cũng không muốn đến Hà Nội tay không vào cuối năm nay.

Kinh nghiệm của lần trì hoãn việc ký kết Hiệp định thương mại hồi năm 1999 cho thấy: trong đàm phán với Mỹ, càng kéo dài thời gian càng phải đối diện với những điều kiện ngặt nghèo hơn. Quyết định không rời Washington ngay ngày hôm qua của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển được coi như là một dấu hiệu rất thiện chí của Việt Nam, nhưng phía Mỹ cho đến đầu giờ chiều hôm qua (giờ Washington) vẫn còn rất cứng rắn.

Theo Huy Đức
Tuổi trẻ

Ba khả năng

Chiều 12/5 (giờ VN), Bộ Tư pháp cho biết một số thành viên trong đoàn đàm phán VN - Mỹ về WTO, trong đó có hai quan chức của bộ, sẽ về đến Hà Nội vào khoảng 23g ngày 14/5, tức ngày về của đoàn ở Mỹ đã được dự định vào thứ bảy (13/5). Một quan chức của bộ nói rằng đây là một trong những dấu hiệu cho thấy đàm phán VN - Mỹ về cơ bản đã đạt được những “tiến bộ nhất định”...

Tuy nhiên, trước câu hỏi về khả năng bản thỏa thuận song phương Việt - Mỹ sẽ được ký kết tại VN nhân dịp bà đại diện thương mại Mỹ Susan Schwab đến TP.HCM tham dự Hội nghị bộ trưởng thương mại APEC vào tháng 6-2006, ông này trả lời “chưa thể nói trước được”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Lương - nguyên trưởng đoàn đàm phán WTO của VN - cho rằng việc đại sứ Mỹ tại VN Michael Marine đã bay về nước theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao Mỹ là một tín hiệu khá khả quan. Về việc ký kết thỏa thuận, theo ông Lương, sẽ có ba khả năng xảy ra.

Thứ nhất, thỏa thuận sẽ được ký nay mai ngay tại Washington và nếu phía Mỹ tích cực ủng hộ thì trước mùa hè năm nay Quốc hội Mỹ có thể sẽ thông qua Qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) để VN chính thức trở thành thành viên của WTO trong năm nay.

Thứ hai, thỏa thuận được ký khi đại diện thương mại Mỹ đến VN và cho dù Quốc hội Mỹ chưa thông qua PNTR, nếu Mỹ “bật đèn xanh” cho Geneva để họ kết nạp VN thì mục tiêu gia nhập WTO cũng đạt được trong năm.

thứ ba, nếu thỏa thuận được quyết định sẽ ký vào tháng mười một khi Tổng thống George Bush sang VN dự Hội nghị thượng đỉnh APEC thì Geneva sẽ không thể nào hoàn tất thủ tục và việc gia nhập của VN sẽ phải dời sang năm 2007.

Ông Lương cho rằng khả năng cao nhất là thỏa thuận sẽ kết thúc trong lần đàm phán này, nếu không hai bên buộc phải tìm cách nhanh chóng gặp lại tại Hà Nội để đi đến thỏa thuận cuối cùng.

Ba khả năng

MỚI - NÓNG