Xuất khẩu lao động - quả ngọt thành trái đắng - Bài 2: 

Dân cần, 'quan' chưa vội

Dân cần, 'quan' chưa vội
TP - Trong lúc nhiều thị trường hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam, cơ quan quản lý gần như vẫn án binh bất động, không tìm được kế sách hỗ trợ, còn doanh nghiệp thì kêu ngán.

>> Bài 1: Đồng loạt trả giấy phép xuất khẩu lao động

Dân cần, 'quan' chưa vội ảnh 1
Học nghề hàn 6G trước khi đi xuất khẩu lao động - Ảnh: Phong Cầm

Theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, hiện, cả nước có 164 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Năm 2009, số lượng người lao động đi làm việc nước ngoài sụt giảm, chỉ đạt 83% kế hoạch. Nhưng trong báo cáo tổng kết năm của Cục không thấy có phần trách nhiệm, cũng như giải pháp đối phó, giải quyết khó khăn.

Ngoài việc xử 98 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vi phạm các quy định đăng ký hợp đồng, tuyển chọn lao động, quản lý lao động ở nước ngoài, không thấy có phần nào nêu việc hỗ trợ hay giúp đỡ doanh nghiệp vượt bão.

Cơ quan quản lý bị động, quản lý kiểu chạy theo doanh nghiệp, theo nhiều chuyên gia, diễn ra từ nhiều năm nay. Khá nhiều vụ việc, chỉ đến khi doanh nghiệp vi phạm, báo chí phản ánh, Cục và Bộ mới vào cuộc.

Hàng năm tại báo cáo tổng kết của Cục đều có phần “Một số tồn tại”, trong đó thường lý giải: Do công tác thông tin, tuyên truyền về XKLĐ và việc quản lý công tác tuyển dụng lao động xuất khẩu chưa tốt, nên vẫn còn hiện tượng tổ chức, cá nhân không có chức năng XKLĐ tổ chức thu gom, lừa đảo, thu tiền bất chính của người lao động.

Giám đốc một doanh nghiệp bức xúc, nhiều năm nay, phần lớn đơn hàng đều do doanh nghiệp khai thác, Cục chủ yếu làm chức năng thẩm định đơn hàng. “Khai thác mới khó, chứ thẩm định ai  chả làm được” - vị giám đốc nói.

Ngâm tôm  nếu không biết điều

Dân cần, 'quan' chưa vội ảnh 2 Thực tế đáng buồn là các địa phương còn hiểu khác nhau về các quy định của luật nên có cách làm khác nhau trong công tác tuyển dụng.

Có địa phương còn cấp phép cho các doanh nghiệp không có chức năng để tạo nguồn lao động.

Hạn chế, yếu kém của quản lý nhà nước là một trong các nguyên nhân làm cho sự nghiệp XKLĐ chưa đạt được yêu cầu mong muốn Dân cần, 'quan' chưa vội ảnh 3 - Ông Đặng Như Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội 

Về vấn đề thẩm định đơn hàng, ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước, cho biết, doanh nghiệp nào có đơn hàng mà không được thẩm định, thì đương nhiên phải bỏ, dù đã đàm phán, thỏa thuận với đối tác.

Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, theo quy định, sau 5 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ về đơn hàng, nếu cơ quan quản lý không trả lời thì doanh nghiệp đương nhiên được thực hiện đơn hàng.

Tuy nhiên, do điều kiện về hồ sơ của mỗi thị trường khác nhau, lại rất chi li, trong khi doanh nghiệp cạnh tranh rất gay gắt nên khó mà đáp ứng. Vì vậy hồ sơ nộp cả tháng có khi vẫn bị yêu cầu bổ sung, hoặc bị ngâm tôm nếu không biết điều.

Việc tiền kiểm đơn hàng XKLĐ đang làm mất nhiều cơ hội làm ăn của doanh nghiệp. “Mà ngay như tiền kiểm, Cục cũng khó mà thực hiện bài bản được, vì không phải thị trường nào cũng có cán bộ đại diện của Cục để kiểm tra thực tế xem hồ sơ của doanh nghiệp đúng hay không. Như vậy phần lớn chỉ tiền kiểm trên giấy”, đại diện một doanh nghiệp nói.

Nếu thị trường dễ mà doanh nghiệp tự khai thác đơn hàng, sau khi Cục thẩm định sẽ bắt tay ký kết với đối tác. Còn với những thị trường khó, Cục khai thác, lúc đó Cục chọn doanh nghiệp nào là quyền của Cục.

Vì thế, việc “xin - cho” có thể xảy ra đối với những thị trường khó, do Cục khai thác. “Vậy, nếu đơn hàng không được Cục thẩm định thì thế nào?”. Giám đốc một doanh nghiệp trả lời: “Đành phải chịu thôi”.  

Kỳ cuối: Chỉ tiêu XKLĐ năm 2010 khó đạt

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.