Đắng cay của doanh nghiệp - Đoạn trường ai hay

Đắng cay của doanh nghiệp - Đoạn trường ai hay
TP - Tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhái, hàng giả luôn rình rập, bủa vây doanh nghiệp trong khi các biện pháp chế tài không đủ sức ngăn nạn này, khiến không ít doanh nghiệp điêu đứng.

>> Bài 3: Doanh nghiệp bị "móc túi" ở cửa khẩu
>>
Bài 2: Xin làm người tử tế
>> Bài 1: Đắng cay doanh nghiệp, đoạn trường ai hay

Bài IV: Điêu đứng vì bị bủa vây

Rượt đuổi đĩa chép

Ông Huỳnh Tiết - Giám đốc Cty Bến Thành Audeo-Video, cho biết, tình trạng sao chép băng đĩa lậu bắt đầu phổ biến từ năm - 2004. Ông Tiết đưa ra con số liên quan đến chi phí sản xuất đĩa lậu giá vốn 2.200 đồng/ đĩa, giá xuất xưởng 3.200 đồng/đĩa và các cửa hàng bán ra từ 5.000 đến 6.000 đồng/đĩa.

Các nhà sản xuất băng đĩa cố gắng hết sức, giá thành cũng ở mức 7.000 đồng đĩa, chưa kể tiền trả thù lao cho nhạc sỹ, ca sỹ, hòa âm phối khí, phòng thu. Ông Tiết tính toán, với một chương trình CD có mức đầu tư ban đầu 130 triệu đồng phải bán trên 10.000 đĩa mới thu hồi vốn. Thực tế hiện nay, mỗi chương trình chỉ bán được khoảng 2.000 đĩa, trong khi đi đến đâu, khắp hang cùng ngõ hẻm, cũng đều thấy đĩa mình phát hành, đĩa chép.

“DN đầu tư suy nghĩ, công sức, tiền của để ra một sản phẩm, rồi người khác lấy nó làm giàu thì quá bất công”- ông Tiết thốt lên. Ông Tiết cảnh báo, các website âm nhạc đã tiếp sức giết chết các nhà sản xuất âm nhạc, giết chết sự sáng tạo và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Ông Đoàn Đình Quốc-Tổng Giám đốc Cty cổ phần Đình Quốc, doanh nghiệp chuyên sản xuất gương và kính trang trí nội thất, cho biết, do tình trạng hàng nhái nhiều đến mức buộc Cty cổ phần Đình Quốc phải tự bảo vệ mình bằng cách thường xuyên thay áo mới, tức thay đổi logo. Uớc tính, mỗi năm doanh nghiệp của ông thiệt hại 2-3 tỷ đồng do hàng nhái.

Mắc kẹt trong lưới quản lý

Đầu tháng 3/2008, Cty Cổ phần Nhựa Bình Minh (tên thương hiệu là “Bình Minh”, tên đối ngoại là “Binh Minh Plastics”)- một thương hiệu nổi tiếng từ rất lâu, bỗng dưng phát hiện mình mới có một anh em song sinh cùng mang tên Bình Minh, cùng kinh doanh sản phẩm ống nhựa và cùng hoạt động tại TP Hồ Chí Minh.

Người anh em này ra đời hoàn toàn hợp pháp, theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp ngày 15/2/2008.

Theo đó, doanh nghiệp này có tên đầy đủ là Cty TNHH Thương mại Dịch vụ & Sản xuất nhựa Ống Bình Minh; tên thương hiệu là “Ống Bình Minh” và tên đối ngoại là “Ong Binh Minh Plastics”.

Cty Nhựa Bình Minh bắt đầu một hành trình ôm đơn đi khiếu nại đến các cơ quan chức năng của thành phố. Sở Kế hoạch & Đầu tư TPHCM cho rằng, việc cấp giấy đăng ký kinh doanh cho Cty Nhựa Ống Bình Minh là đúng theo quy định.

- Năm 2008 có bảy vụ vi phạm về chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ trong khi đó con số vi phạm trong lĩnh vực này là 0 vụ trong năm 2007. Tổng số vi phạm sở hữu trí tuệ năm 2008 là 2.766 vụ, tăng gần 300 vụ so với năm 2007.

- Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm (BQPM) tại Việt Nam năm 2008 vẫn ở mức 85 phần trăm. Tuy nhiên, thiệt hại từ nạn vi phạm BQPM máy tính tại Việt Nam lên tới 257 triệu USD, tăng 30 phần trăm so với năm 2007...

Trước tình hình đó, Cty Cổ phần Nhựa Bình Minh đã gửi đơn kêu cứu và nhờ Thanh tra Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM kiến nghị Sở Kế hoạch & Đầu tư thay đổi tên của Cty Nhựa Ống Bình Minh, đồng thời buộc Cty không được sử dụng tên “Bình Minh”.

Ngoài ra, Cty cổ phần Nhựa Bình Minh còn gửi thư khuyến cáo tới Cty Nhựa Ống Bình Minh yêu cầu Cty này chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tên thương mại và nhãn hiệu “Bình Minh”. Phía Nhựa Ống Bình Minh lại cho rằng mình không xâm phạm quyền của Cty Nhựa Bình Minh nên vẫn tiếp tục sử dụng, khai thác tên “Bình Minh”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Hoàng Ngân- một lãnh đạo của Cty Cổ phần Nhựa Bình Minh cho biết, đến nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa hai Sở Khoa học & Công nghệ và Sở Kế hoạch & Đầu tư trong việc giải quyết vấn đề này. Cty cổ phần Nhựa Bình Minh đang mắc kẹt giữa sự lùng nhùng của hai cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó, việc xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập. Ông Tiết cho rằng, mức xử phạt hành chính tối đa 100 triệu đồng/lần theo quy định là không đủ sức ngăn chặn, bởi lợi nhuận của những người làm hàng nhái, giả cao hơn rất nhiều mức phạt.

Theo Thứ trưởng Bộ khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân, hiện có quá nhiều cơ quan tham gia quản lý vấn đề sở hữu, gây trở ngại cho việc quản lý. Chính phủ quy định một đầu mối quản lý là Bộ Khoa học & Công nghệ nhưng, trên thực tế, ba bộ quản lý ở ba bộ phận. Phần tác giả do Bộ Văn hóa- Thể thao-Du Lịch, phần sở hữu công nghệ do Bộ Khoa học-Công nghệ và phần giống cây trồng do Bộ NN&PTNN quản lý…

Đấy là chưa kể việc thực thi có quá nhiều cơ quan khác nhau như quản lý thị trường, công an kinh tế, hải quan ở các cửa khẩu… Nhiều cơ quan tham gia, nhiều khi dẫn đến việc đùn đẩy cho nhau, hoặc chồng lấn nhau.

Từ năm 2006 đến nay, rất nhiều vụ tranh chấp của doanh nghiệp không xử được. Ông Trần Văn Sự-Phó chánh án TAND TPHồ Chí Minh thừa nhận chưa biết làm thế nào để xác định mức độ thiệt hại do việc vi phạm bản quyền gây ra.

Tại Việt Nam, người bị vi phạm bản quyền phải chứng minh được mức độ thiệt hại do người vi phạm gây ra. “Yêu cầu chứng minh này là cực kỳ khó”- ông Sự nói, đồng thời dẫn ra một loạt khó khăn trong quá trình đi tìm chứng cứ, xác định mức độ thiệt hại mà bản thân người bị vi phạm không thể vượt qua.

MỚI - NÓNG