Đắng cay cùng dưa hấu ách tắc ở cửa khẩu

Đoàn xe chở dưa rồng rắn nối dài hàng chục km ở Lạng Sơn (ảnh lớn) ảnh: Công Anh; Người dân trồng dưa miền Trung điêu đứng vì dưa được mùa, mất giá (ảnh nhỏ). ảnh: NGUYỄN HUY
Đoàn xe chở dưa rồng rắn nối dài hàng chục km ở Lạng Sơn (ảnh lớn) ảnh: Công Anh; Người dân trồng dưa miền Trung điêu đứng vì dưa được mùa, mất giá (ảnh nhỏ). ảnh: NGUYỄN HUY
TP - Dọc con đường tắc nghẽn dài 80km từ Hữu Lũng lên cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn tài xế đỏ mắt ngóng chờ đến lượt xe ô tô chở dưa của mình được chuyển bánh, xuất bán sang Trung Quốc.

Gương mặt sạm đen, đầy lo âu, anh Võ Thành Nga (Quảng Ngãi) ủ rũ nhìn những quả dưa đang rỉ nước xuống gầm xe. Mấy hôm nay, trời bừng nắng, dưa càng chín nhanh càng như xát muối vào tim gan thương lái.

Anh Nga cùng hơn chục lái xe, chủ hàng lượn qua vài vòng, kiểm tra đống dưa phủ kín rơm trên những xe tải cỡ lớn đỗ trên con đường dẫn ra cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn). \Anh cho biết, qua bốn ngày, ì ạch đi “nốt”, theo chỉ dẫn của lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn, nhóm anh đã đến được đầu đường Pá Luống (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng), cách cửa khẩu chừng 5 km.

Như vậy, sẽ phải chờ đợi thêm vài ngày nữa, mới đến lượt làm thủ tục thông quan, bán dưa qua biên giới.

Nỗi thống khổ chất đầy

Anh Nga năm nay 42 tuổi, nhưng nom già hơn tuổi. Anh chỉ vào chiếc xe biển số 76C-02651 rồi nói: “Tôi đã gắn bó với những chuyến xe dưa khoảng hơn 15 năm qua, nhưng chưa bao giờ lại bị tắc đường như bây giờ. Nếu tình trạng này tái diễn, chắc phải bán xe để trả nợ”. 

Đắng cay cùng dưa hấu ách tắc ở cửa khẩu ảnh 1

Đoàn xe chở dưa rồng rắn nối dài hàng chục km ở Lạng Sơn ảnh: Công Anh

Theo anh Nga, với lượng dưa hấu gần 10 tấn/xe, nếu hư hỏng không bán được, anh phải đối mặt với việc “chia sẻ” gánh nặng lỗ với chủ hàng.

Anh Trần Văn Tường (33 tuổi), là chủ nhà vườn ở huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai thi thoảng nghe điện thoại của người thân hỏi han công việc. Anh Tường cho biết, vợ con sốt ruột, giục về sớm. Thường mỗi chuyến cả đi lẫn về chỉ mất 5 ngày, nay đã bốn ngày mà cửa khẩu vẫn còn xa vời vợi. 

Anh đỏ hoe mắt khi nhẩm tính việc đầu tư trồng dưa mất 140 triệu/ha; tiền công xá cho tài xế, xăng dầu, chi tiêu từ Quảng Ngãi ra Lạng Sơn dài trên 1.100 cây số, tổng cộng mất thêm 90 triệu đồng nữa. “Gia đình tôi có 1 ha trồng dưa hấu, sản lượng khoảng 35 tấn. 

“Không hiểu sao, các nhà chức trách phía bạn, cứ lộn đi, lộn lại, kiểm tra giấy tờ, hành lý. Không biết đến bao giờ mới qua được cửa ải này?”. 

Bà Hường nói

Còn tại quê, có hàng ngàn hộ trồng dưa, nhiều quá nên bị ép rớt giá. Ba năm trở lại đây, trực tiếp thuê xe, áp tải hàng đến cửa khẩu Tân Thanh tìm cách bán hàng, nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Nếu tình hình ách tắc này không được cải thiện, thì cầm chắc lỗ trên 200 triệu đồng. Món nợ ngân hàng thêm chồng chất”. Anh Tường nói.

Là người có kinh nghiệm, anh Tường xót ruột khi nhiệt độ ngày càng nóng làm dưa nhanh xuống mã, ủng thối. Thực tế, trên nhiều xe dưa đã có hiện tượng rỉ nước. Các tài xế cho biết, hôm nay đã có hàng chục xe quay đầu trở về quê, vì có xuất được sang Trung Quốc, họ không mua, lại bị phạt tiền vì làm ảnh hưởng đến môi trường.

Cơ nhỡ ngày đêm ở xứ Lạng, các thương lái, tài xế phải đối mặt với vô vàn khó khăn, vất vả. Anh Võ Thành Nga xót xa trình bày: “Khổ quá chú ơi. Đêm xuống ở đây lạnh buốt, áo không đủ mặc, muỗi, côn trùng bâu đầy người, mà vẫn phải thức trắng, mắc võng ở cuối xe, canh chừng đám thanh niên bản địa đến ăn trộm dưa, hút dầu. Hôm nào, cũng có người kêu mất đồ đạc. Có người không chịu đựng nổi, lăn ra ốm”.

Phóng viên Tiền Phong chứng kiến nhiều lái xe vật vạ, ăn uống kham khổ ven đường. Khẩu phần ăn thường nhật là cơm hộp bán với giá 50.000 đồng/suất. 

Nhưng khổ nhất là nước uống và nước sinh hoạt. Giữa cung đường hoang vắng nơi biên ải, xa nhà dân, nhiều người mẩn ngứa vì không có điều kiện vệ sinh. 

Dọc tuyến đường từ huyện Hữu Lũng đến Tân Thanh dài chừng 80 km, mỗi ngày có khoảng 2.000 xe chở nông sản xếp hàng theo từng chặng. Đều đặn cách hai, ba cây số có đoàn xe trên, dưới 50 chiếc, nằm im chờ đến lượt xuất phát. Ở những nơi các bác tài xế tá túc ngày đêm, biến thành những bãi rác di động, hôi thối.

Người cũng tắc

Là một người chuyên buôn bán hoa quả tươi, có giao dịch ở chợ Pò Chài (Trung Quốc), ông Hoàng Sơn Hà, GĐ Cty CP Vận tải & Xuất Nhập khẩu HGB Lạng Sơn, bức xúc: “Việc hàng hoá tắc đã đành, đến người còn gặp trở ngại. 

Đắng cay cùng dưa hấu ách tắc ở cửa khẩu ảnh 2

Hàng ngày, lái xe phải vật vạ với cơm hộp đắt đỏ ảnh: Công Anh

Thời gian trước, chúng tôi đi cửa khẩu Tân Thanh bằng giấy thông hành, người và hàng đồng bộ, thế mà gần đây, cơ quan công an lại chỉ cấp xuất cảnh theo cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc). Thế là, hàng một nơi, người một nẻo, vừa mất thời gian đi đường vòng, vừa tốn kém tiền bạc. Những ngày tắc dưa hấu, chúng tôi chịu đủ thua thiệt, không biết kêu ai”.

Theo ông Hà, ở cửa khẩu Hữu Nghị dạo này trở nên quá tải, xảy ra hiện tượng xuất cảnh chậm. Ông Hà so sánh, nếu như ngày trước chỉ mất chừng nửa tiếng làm thủ tục xuất cảnh, thì nay mất hơn nửa ngày.

Xác nhận với Tiền Phong, đại tá Dương Công Mừng, Trưởng phòng XNC (PA18), Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Từ khi có Thông tư 67 của Bộ Công an, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của doanh nghiệp và người dân.

Xem xét thực tiễn tại cơ sở, Công an tỉnh Lạng Sơn đã ba lần gửi kiến nghị lên cấp trên, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Phải thừa nhận, đó là những bất cập; mà không chỉ ở Lạng Sơn, nhiều tỉnh có chung đường biên giới đường bộ với Trung Quốc đều rơi vào hoàn cảnh tương tự”.

Theo báo cáo của Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị, từ đầu tháng 2 đến nay có trên 250.000 lượt người xuất cảnh sang Trung Quốc, phần đông là doanh nghiệp, tiểu thương và gần đây có tăng đột biến.

Đối tác gây khó?

Chiều 28/3, từ cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc), bà Nguyễn Hường, một doanh nghiệp kinh doanh hàng dưa hấu, điện thoại cho PV Tiền Phong thường trú tại Lạng Sơn, than vãn: “Tôi xếp hàng làm thủ tục xuất cảnh từ 9 giờ sáng, đến nay đã mất ba, bốn tiếng đồng hồ. Vậy mà, không hiểu sao, các nhà chức trách phía bạn, cứ lộn đi, lộn lại, kiểm tra giấy tờ, hành lý. Không biết đến bao giờ mới qua được cửa ải này?”. 

Theo bà Hường, sau nhiều ngày chờ đợi, lô hàng của bà đã qua được biên giới Tân Thanh, tập kết tại chợ Pò Chài, Trung Quốc; nhưng người thì chưa có mặt, trong khi đó dưa xuống mã từng giờ.

Chứng kiến từng dãy xe dưa rồng rắn nối đuôi nhau đi về phía con đường “độc đạo” Tân Thanh đã gần nửa tháng nay, làm dư luận bức bối. Lý do được đưa ra là do bến bãi, sang tải hàng ở Trung Quốc hạn chế, chỉ đáp ứng được chừng 250 xe, trong khi đó, mỗi ngày có đến hơn một nghìn xe ùn ùn kéo đến. 

“Không hiểu sao, họ cứ chỉ nhập hàng nông sản ở mỗi cửa khẩu Tân Thanh, không mở rộng ra các cửa khẩu khác, làm cho dân mình khốn khổ”. Một cán bộ lão thành ở TP Lạng Sơn nói.

Theo thông tin riêng của Tiền Phong, sáng 28/3, đoàn cán bộ của tỉnh Lạng Sơn do ông Hoàng Minh Trường, Phó trưởng ban Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn làm trưởng đoàn đã sang Trung Quốc đề nghị phối hợp, xuất khẩu hàng hoa quả của Việt Nam được làm thủ tục thông quan tại một số cửa khẩu đất liền với nước bạn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả chính thức.

Chưa có thống kê về diện tích, sản lượng dưa hấu

Chiều 28/3, ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, sắp tới, việc xuất dưa hấu đi Trung Quốc cần phải bàn kỹ hơn, có kế hoạch tổng thể để cảnh báo dân, vì nhiều năm nay xuất hiện tình trạng dồn ứ ở cửa khẩu khi chính vụ. Các tỉnh có thể thành lập hiệp hội dưa hấu xuất đi Trung Quốc, để điều tiết việc xuất hàng.

Theo ông Quảng, hiện chưa có thống kê cụ thể về diện tích, sản lượng dưa hấu, các tỉnh cũng chỉ nắm con số tương đối. Dưa hấu trồng thời gian ngắn, chỉ khoảng hai tháng rưỡi từ lúc trồng là có thể thu hoạch được. Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết, dưa hấu được trồng nhiều ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định...

Thời điểm này, trung bình mỗi tỉnh khoảng 5.000-7000 ha. Các địa phương trên trồng chủ động xuất đi Trung Quốc. Do vụ dưa này phía Trung Quốc bị lạnh, không trồng được, nên họ có nhu cầu nhập lớn. Tuy nhiên, chỉ khoảng 2 tháng sau, ở Trung Quốc lại rất nhiều dưa.

Phạm Anh

MỚI - NÓNG