Đang chờ giờ “G”

Đang chờ giờ “G”
Hàng loạt tập đoàn đa quốc gia với những tên tuổi lớn đang tìm cơ hội đầu tư tại VN. Tất cả đang chờ giờ “G” khi VN chính thức là thành viên WTO...
Đang chờ giờ “G” ảnh 1
Tập đoàn Fujitsu - một trong những công ty đa quốc gia đã có mặt tại VN.

Đầu tháng 5-2006, Tập đoàn viễn thông NTT Docomo (Nhật)  đã đến VN và bày tỏ ý định đầu tư với qui mô lớn vào VN dưới hình thức tham gia cổ phần vào một doanh nghiệp viễn thông của VN. Cơ hội cho NTT Docomo đã mở ra vì theo lộ trình mở cửa, VN sẽ chính thức cho nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực viễn thông.

Trong khi đó, tập đoàn chuyên về điện của Mỹ là AES đang khảo sát để đầu tư xây dựng một nhà máy điện tại Mông Dương (Quảng Ninh) với qui mô lên đến 1,2 tỉ USD. Một quan chức của Bộ Kế hoạch - đầu tư cho biết   nếu dự án này được triển khai thì đây sẽ là dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện lớn nhất từ trước đến nay.

Trước đó, Tập đoàn Gannon (Mỹ) cũng khảo sát và có ý định đầu tư 700 triệu USD để xây một nhà máy điện tại Đồng Nai. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sau Tập đoàn Intel đã vào VN đầu năm 2006, IBM, HP... cũng đang khẩn trương xúc tiến các kế hoạch đầu tư lâu dài tại VN...

Vì sao gần đây các tập đoàn nước ngoài lại quan tâm nhiều đến thị trường VN? Ông Kiyoshi Adachi - chuyên gia pháp lý và đầu  tư của UNCTAD (Tổ chức kinh tế và thương mại, Liên Hiệp Quốc) - cho rằng cơ hội dần mở ra  khi VN đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để gia nhập WTO.

Theo đó, VN phải dỡ bỏ các hàng rào bảo hộ và cam kết mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực mà trước đây vốn được xem là vùng cấm, là lý do để hấp dẫn các tập đoàn nước ngoài bước vào thị trường  VN.

Tận dụng cơ hội

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), hiện có 106 tập đoàn đa quốc gia (trong số danh sách 500 công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới, theo xếp hạng của Fortune 500-2006) đã đầu tư 214 dự án tại VN, với tổng vốn đầu tư hơn 11 tỉ USD, trong đó vốn thực hiện đạt gần 8,6 tỉ USD.

Ông Thân Trọng Phúc - tổng giám đốc Intel VN - cho biết Intel quyết định đầu tư vào VN khi cảm nhận được chính quyền TP.HCM rất muốn Intel có mặt tại TP. “Trong quá trình khảo sát lập dự án, đưa ra các điều kiện về môi trường đầu tư, chính quyền TP.HCM và lãnh đạo Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã quyết định ngay nhiều vấn đề khiến các nhà đầu tư, vốn không có nhiều thời gian, cảm thấy rất phấn chấn”, ông Phúc bộc bạch. 

Ở một góc độ khác, ông Kimihiro Itoki - giám đốc Sony tại VN - cho rằng: các công ty đa quốc gia xem VN là một thị trường mới nổi lên ở khu vực ASEAN, nền kinh tế phát triển nhanh, nguồn nhân lực dồi dào, nên rất cần môi trường đầu tư minh bạch, pháp luật thông thoáng.

Đặc biệt, cần thiết phải hoàn thiện các qui định về bảo hộ sở hữu trí tuệ, bởi  phần lớn đầu tư của những tập đoàn lớn vào VN trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử... sẽ mang đến những công nghệ nguồn; nên vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố để các nhà đầu tư gắn bó lâu dài với VN. 

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân - cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), sẽ có khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động đặc thù của các tập đoàn lớn như: gia công, nhượng quyền, chuyển giao tri thức... Bên cạnh đó, sẽ duy trì cơ chế đối thoại giữa lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành với nhà đầu tư nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, các chuyên gia về đầu tư cũng lưu ý rằng: “Có thể những năm đầu tiên khi trở thành thành viên của WTO, sẽ có nhiều dự án của các tập đoàn lớn vào VN đầu tư, vì vậy VN cũng cần phải có định hướng, lựa chọn để hướng các nhà đầu tư vào những khu vực mà VN đang cần phát triển”, ông Kimihiro Itoki nhấn mạnh.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG