Đăng ký kinh doanh qua mạng ở Hà Nội: Chờ cuối năm

Đăng ký kinh doanh qua mạng ở Hà Nội: Chờ cuối năm
TP - Đến cuối năm nay, cơ quan chức năng sẽ ứng dụng rộng rãi đăng ký kinh doanh qua mạng để giảm thủ tục, thời gian của doanh nghiệp, ông Vũ Duy Tuấn – Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh số 1 (Hà Nội) cho biết khi trao đổi với Tiền Phong.
Đăng ký kinh doanh qua mạng ở Hà Nội: Chờ cuối năm ảnh 1
ông Vũ Duy Tuấn

Hà Nội đã thí điểm đăng ký kinh doanh qua internet. Vậy khi nào việc này mới được ứng dụng rộng rãi?

Chúng tôi đang triển khai giai đoạn thực nghiệm, xây dựng phần mềm phục vụ đăng ký kinh doanh qua mạng. Dự kiến trong năm 2009 sẽ ứng dụng rộng rãi hình thức đăng ký mới này.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý, hình thức đăng ký kinh doanh qua mạng thực chất chỉ là cách tư vấn hỗ trợ gửi hồ sơ đến cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh qua mạng, sau đó cán bộ của phòng đăng ký kinh doanh sẽ xem và gửi trả lại hồ sơ để doanh nghiệp bổ sung, sửa đổi các loại giấy tờ cần thiết rồi mới in thành văn bản có chữ ký nộp chính thức, tránh cho người nộp phải đi lại xếp hàng chờ đợi nhiều lần.

Cùng đăng ký kinh doanh qua mạng, các thủ tục khác có thay đổi không, thưa ông?

Giảm từ ba thủ tục xuống còn hai thủ tục, chung một mã số (gọi là mã số doanh nghiệp). Khi đó doanh nghiệp chỉ còn phải làm hai thủ tục là đăng ký kinh doanh và đăng ký con dấu; mã số doanh nghiệp sẽ đồng thời là mã số thuế. Thời hạn đăng ký kinh doanh rút xuống chỉ còn năm ngày. Theo kế hoạch, quy trình mới này sẽ được áp dụng sau một đến hai tháng tới.

Đăng ký kinh doanh qua mạng ở Hà Nội: Chờ cuối năm ảnh 2
Đông nghịt tại bộ phận đăng ký con dấu và mã số thuế ở 16 Cát Linh (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Minh

Không chỉ phải chờ đợi quá lâu khi làm thủ tục, nhiều doanh nghiệp còn  bức xúc về một số quy định bất hợp lý?

Luật Doanh nghiệp và các quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp đã được cải thiện rất nhiều nhưng hiện còn không ít các quy định bất hợp lý cần sớm được sửa đổi.

Tình trạng quá tải nguyên nhân từ việc sáp nhập một số địa phương về Hà Nội, riêng Hà Tây (cũ) có đến  5.000 doanh nghiệp phải đổi đăng ký kinh doanh, thay đổi con dấu, mã số thuế. Vừa qua, trung bình cả ba Phòng đăng ký kinh doanh của Hà Nội giải quyết 2.500 hồ sơ/tháng, đảm bảo 100 phần trăm trường hợp được xử lý. Lượng hồ sơ tăng đột biến, trong khi đó ba địa điểm đặt bộ phận một cửa ở Hà Nội liên quan cả ba cơ quan (gồm Cục thuế, Công an TP và Sở KH&ĐT) thì lại thiếu cán bộ, trụ sở tiếp dân chật hẹp, cơ sở thiếu thốn...

Ví dụ vướng mắc liên quan đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vướng mắc thể hiện cả trong Luật Đầu tư, và Luật Doanh nghiệp; hay vướng mắc trong quy định về góp vốn ban đầu của nhà đầu tư nước ngoài, vướng mắc liên quan đến chứng chỉ hành nghề đối với những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện...

Chúng tôi đang kiến nghị cần sửa đổi Nghị định 88 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh. Trong đó, đề nghị bỏ mục ngành nghề kinh doanh ra khỏi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Vì doanh nghiệp được quyền đăng ký kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm.

Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, phải đáp ứng đủ các điều kiện mới được phép hoạt động kinh doanh. Mục đích của mục ngành nghề kinh doanh nhằm thông tin cho bên thứ ba biết trong quá trình giao dịch.

Theo quy định hiện hành, khi cần bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh, phải làm thủ tục thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền và, với Cty cổ phần, mất rất nhiều thời gian.

Việc ghi thêm mục ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận kinh doanh cũng mất công sức của cơ quan cấp đăng ký kinh doanh. Tôi cho đây là mục không cần thiết. Pháp luật của nhiều nước phát triển cũng không có yêu cầu này.

Cảm ơn ông.

 Minh Tuấn
(Thực hiện)

MỚI - NÓNG