Đằng sau cuộc đàm phán WTO Việt - Mỹ

Đằng sau cuộc đàm phán WTO Việt - Mỹ
Chỉ mấy tiếng sau khi từ bàn đàm phán trở về nhà khách, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận được một bức tranh rất đẹp vẽ Nhà Trắng.
Đằng sau cuộc đàm phán WTO Việt - Mỹ ảnh 1
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển mở sâm banh mừng kết thúc đàm phán song phương WTO với Mỹ.    Ảnh : PL                                              

Người chuyển bức tranh này nói rằng đó là quà của ông Karan Bhatia, Phó đại diện thương mại Mỹ, người đã “đối đầu” thâu đêm với ông.

Đàm phán thương mại là như vậy. Khi mà các cuộc thương lượng còn nằm ở trên bàn thì đôi bên không ngại ngần dùng biết bao tiểu xảo. Ông Bhatia buộc ông Tuyển ngồi chờ dài cổ. Còn ông Tuyển thì khi đối tác quá “rắn” cũng xem như “bất cần”, bỏ bàn đàm phán ra ngoài.

Sau lưng cả hai ông đều có gánh nặng ủy thác của các doanh nghiệp và họ phải ứng xử như vậy, còn khi đã đạt được phần hợp lý, thì cả hai đều trở về với con người cá nhân để bày tỏ những cử chỉ thân thiện của mình.

Về mặt lý thuyết, đương nhiên Việt Nam cũng là một đối tác bình đẳng. Nhưng ông Tuyển đến Mỹ khi mà ai ở đây cũng biết rằng, nếu ông Tuyển không đạt được thỏa thuận trong vòng đàm phán này thì Việt Nam không thể vào WTO trong năm nay.

Tiếng nói của các nhà doanh nghiệp luôn đóng vai trò mang tính quyết định trong việc hoạch định các chính sách của Mỹ. Ông Bhatia đòi áp đặt hạn ngạch lên hàng dệt may trong những tranh chấp khi loại hàng hóa này có dấu hiệu vẫn còn nhận được sự trợ cấp của nhà nước. Nhưng ông Bhatia cũng không thể nhất mực làm theo ý các doanh nghiệp vì một khi đã đồng ý để Việt Nam gia nhập WTO, Mỹ không thể không đồng ý để Việt Nam được hưởng những quy chế xử lý tranh chấp của tổ chức này.

Những nhân nhượng của ông Tuyển, xét về mặt lâu dài, cũng là mục tiêu của Việt Nam. Các doanh nghiệp “con cưng”, thông qua cuộc đàm phán này, chắc cũng phải đồng ý với ông Tuyển rằng, thị trường chứ không phải là những khoản tiền trợ cấp của Nhà nước tạo nên sự thành công của họ.

Quyền lợi của các doanh nghiệp sẽ là tiếng nói chung cuộc trong các cuộc tranh chấp. Ở Washington, người Trung Quốc bị to tiếng kêu ca hơn Việt Nam nhiều lần. Mức thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc của Mỹ năm 2005 lên tới 201 tỉ Đôla; ba tháng đầu năm 2006 là 47 tỉ. Nhưng gần như Mỹ đã không có một sự “trừng phạt” nào để ngăn chặn sự “xâm lấn” của làn sóng hàng hóa đến từ quốc gia này.

Ước tính có tới 70% lợi nhuận trong những món hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ rơi vào túi các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó chủ yếu là các nhà đầu tư Mỹ. Đồng Đôla chủ yếu lại nằm trong túi Mỹ, đó là lý do vì sao Mỹ vẫn “làm ngơ” cho Trung Quốc đôi khi không chỉ trong các tranh chấp thương mại mà còn cả trong vấn đề “tự do và nhân quyền”.

Mỹ là thị trường lớn nhất của Việt Nam trong khi người Mỹ chỉ mới bán được sang Việt Nam 1% lượng hàng mà họ bán đi các nơi. Quyền lợi của các nhà doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam quá nhỏ để góp vào hành trang cho ông Tuyển khi ông đến Washington, D.C đàm phán.

Khi Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến khui sâm banh mừng đoàn đàm phán, ông Tuyển đã rất cám ơn những nỗ lực của các nhà ngoại giao ở Washington. Về mặt công khai, ông Tuyển tiếp xúc chính thức với hàng loạt các nhân vật quyền lực trong chính giới Mỹ. Nhưng, cũng trong những ngày đó, cứ mỗi khi ông Tuyển từ bàn đàm phán trở về với gương mặt căng thẳng là các quan chức sứ quán như Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, Tham tán công sứ Đặng Đình Quý, Nguyễn Nguyệt Nga... lại rút điện thoại ra hoặc lái xe đi tiếp xúc suốt đêm.

Đặc biệt, không thể không nói đến vai trò của một phụ nữ Mỹ, bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt-Mỹ. Trong những ngày đó, Ginny (tên gọi thân mật của bà) cũng không ngủ. Vào lúc có tin cuộc đàm phán gần như bế tắc, Ginny “triệu tập” hầu hết những thành viên sừng sỏ của Hội đồng như đại diện Boeing, New York Life, Nike... về Washington. Trong cái đêm diễn ra cuộc đàm phán mang tính quyết định ấy, 12/5, Ginny mở điện thoại di động đến tận 4 giờ sáng. Ginny và những nhà doanh nghiệp này ý thức được quyền lợi trong tương lai của đôi bên nếu như có được những thỏa thuận trong cuộc đàm phán này.

Hội đồng Thương mại Việt-Mỹ là một tổ chức phi vụ lợi ra đời năm 1989 từ sáng kiến của hai nhà ngoại giao: Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Đại sứ Mỹ William H. Sullivan. Đây là hai trong những nhân vật đã từng hoạt động tích cực cho tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước. Và, khi mà hai nước chưa thể nói chuyện trực tiếp với nhau, hai ông đã đưa ra một mô hình tổ chức cho phép đôi bên tiếp tục chuyển đến nhau những thông điệp tích cực. Kể từ khi ra đời, Hội đồng Thương mại Việt-Mỹ đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, thúc đẩy tiến trình ký kết Hiệp định Thương mại song phương.

Sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch gần 17 năm trước không những cho thấy tầm nhìn xa của ông mà còn chứng minh vai trò cực kỳ quan trọng của công tác ngoại giao trong giai đoạn mới của đất nước. Thế giới giờ đây trở nên gắn bó với nhau hơn và như một chuyên gia cao cấp trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nói với người viết bài này: “An ninh của ngay cả những quốc gia như Trung Quốc sẽ được đảm bảo không phải chỉ nhờ vào những khoản ngân sách lớn mà họ đầu tư cho quốc phòng mà nhờ ở quyền lợi mà các cường quốc khác nhìn thấy nếu như có sự ổn định ở những quốc gia đó”.

Có rất nhiều thông tin lạc quan ở Washington để hy vọng rằng, Việt Nam có thể gia nhập WTO trong năm nay. Nhưng theo kinh nghiệm Trung Quốc cũng như kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác, cuộc chiến thương mại và ngoại giao đang thực sự ở phía trước.

Đã đến lúc công tác ngoại giao, quan hệ kinh tế quốc tế đóng một vai trò lớn không chỉ để đảm bảo cho Việt Nam phát triển mà còn để đảm bảo cả an ninh và quốc phòng. Chuẩn bị cho Việt Nam một đội ngũ cán bộ có khả năng đảm đương công tác ngoại giao và đàm phán quốc tế là điều mang tính sống còn.

Đã đến lúc phải chọn những người không chỉ có “bản lĩnh chính trị” mà còn phải là những người có kiến thức và kinh nghiệm “trận mạc” để “đọ sức” trong giai đoạn hội nhập cam go này.

Theo TBKTSG

MỚI - NÓNG