Đằng sau những cuộc đàm phán lịch sử

Đằng sau những cuộc đàm phán lịch sử
Tiếng gõ búa của ông Chủ tịch Eirik Glenne vang lên chính thức thông qua toàn bộ hồ sơ gia nhập WTO của VN, cũng là lúc Ban Công tác về việc gia nhập WTO của VN hoàn thành sứ mạng hơn 11 năm trời làm việc.
Đằng sau những cuộc đàm phán lịch sử ảnh 1
Niềm vui rạng ngời trên gương mặt các thành viên đoàn đàm phán Việt Nam

11 năm với những nỗ lực, cố gắng để VN đứng vào ngôi nhà chung thương mại toàn cầu đã để lại nhiều cảm xúc cho những người tham gia vào quá trình lịch sử này.

Những nỗ lực thần kỳ của Việt Nam

Trong phiên họp thông qua toàn bộ hồ sơ của Việt Nam cuối tuần qua, Đại sứ Na Uy Eirik Glenne, Chủ tịch Ban công tác về việc gia nhập WTO của Việt Nam (WP) đã phải thốt lên: "Tôi phải bày tỏ sự khâm phục đoàn đàm phán Việt Nam do Bộ trưởng Trương Đình Tuyển lãnh đạo. Những người quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu đề ra để Việt Nam gia nhập WTO, họ đã làm việc miệt mài không kể ngày đêm, đặc biệt là trong mấy tháng qua.

Gia nhập WTO là một quá trình gian khổ và kéo dài, đòi hỏi phải đưa ra những quyết định chính sách khó khăn. Chính phủ Việt Nam đã hoàn thành một khối lượng công việc thần kỳ, đáp ứng một cách kịp thời và xây dựng đối với những yêu cầu của các thành viên WTO".

Tại buổi lễ thông qua diễn ra hết sức xúc động, nhiều thành viên đã mô tả quá trình đàm phán hơn 11 năm trời của Việt Nam như một "con đường dài".

Đại diện EU phát biểu: "Đó là một con đường đáng để đi bởi vì chúng ta đã được chứng kiến sự chuyển đổi kỳ diệu nền kinh tế Việt Nam và hệ thống thương mại của họ".

Đoàn Mỹ thì ca ngợi sự "dũng cảm và kiên định" của Việt Nam, mô tả khát khao gia nhập WTO của Việt Nam là một "lá phiếu của niềm tin đặt vào WTO".

Trung Quốc, Ấn Độ, khối ASEAN và các quốc gia châu Á khác cùng các nước Mỹ la-tinh, EU đều trông đợi Việt Nam sẽ có những đóng góp to lớn cho WTO. Pakistan cho rằng: "Việt Nam là một hình mẫu đáng noi theo của các nước đang phát triển, vì thành quả của gần một thập kỷ thành công vừa qua".

Trong bài phát biểu kết thúc quá trình đàm phán gia nhập (được toàn bộ thành viên WTO đứng dậy vỗ tay tán thưởng rất lâu), Bộ trưởng Trương Đình Tuyển xúc động: "Với tư cách là một cá nhân, tôi vẫn còn nhớ như in vào một ngày mùa hè nóng nực năm 1998, khi chính tôi ngồi chứng kiến một cách căng thẳng phiên họp đầu tiên của Ban Công tác, không phải là trong phòng họp này mà là một căn phòng thông dịch hoàn toàn biệt lập.

8 năm 2 tháng 26 ngày đã trôi qua và ngày hôm nay tôi cảm thấy chắc rằng tôi đã có mặt tại căn phòng này chính trong phiên họp cuối cùng của Ban Công tác này. Trong quãng thời gian đó, quá trình đàm phán của Việt Nam luôn đồng hành với quá trình cải cách nền kinh tế của chúng tôi".

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển mô tả các cam kết của Việt Nam rộng lớn chưa từng có và có những điều ngoài tầm với của Việt Nam nhưng hy vọng đó sẽ là động lực để cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển.

Đằng sau những cuộc đàm phán lịch sử ở Geneva

Những người trong cuộc nói rằng cột mốc có tính lịch sử cho sự kiện Việt Nam gia nhập WTO phải kể đến đó là phiên đàm phán kết thúc vào ngày 13/10 vừa qua. Tại thời điểm đó, cả hai bên đã phải đưa ra những quyết định khó khăn nhất trong các phiên tham vấn không chính thức về những vấn đề còn vướng mắc trong một nhóm nhỏ các thành viên.

Trước 17h - giờ địa phương (giờ Geneva muộn hơn Hà Nội 5 tiếng), tâm trạng các thành viên đoàn đàm phán Việt Nam và các nước thành viên WP đều căng thẳng. Những tham vấn của từng cấp đối tác, của nhóm nhỏ, nhóm lớn đã hết sức khẩn trương suốt từ sau sáng ngày 9/10 (sau khi phiên họp chính thức của WP diễn ra khoảng 30 phút). Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã phải nhiều lần ra ngoài phòng họp hút thuốc để giải tỏa căng thẳng.

Những vấn đề khá căng thẳng và phải vận động quyết liệt này, không chỉ trên bàn đàm phán ở Geneva, mà cả ở Hà Nội và thủ đô các nước, Chính phủ đã chỉ đạo, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các đại sứ của ta ở các nước cũng vào cuộc, bất chấp chênh lệch múi giờ.

Mọi người tưởng chừng như đàm phán rơi vào bế tắc, không còn cách giải quyết. Các nhà đàm phán Việt Nam bắt đầu hình dung đến một hậu quả xấu: Việt Nam sẽ không gia nhập WTO trong năm nay như dự đoán.

Cũng có thể vì không kết thúc được, các vấn đề mới sẽ nảy sinh có thể sẽ rất lớn, mà ai cũng biết, để có được các phương án giải quyết các vấn đề trong đàm phán phải cần rất nhiều thời gian, công sức và có thể lại phải nỗ lực lại từ đầu.

Nhưng rồi hầu như ai cũng cảm nhận được sự nỗ lực, quyết tâm của từng cá nhân, từng nhóm đàm phán phải kết thúc cho được ngay trong phiên đàm phán này.

Từ Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy, vị đại sứ Chủ tịch Ban Công tác đáng kính Eirik Glenne, vị "tổng chỉ huy" đoàn đàm phán Việt Nam, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, cùng các trợ lý Thứ trưởng Lương Văn Tự, Đại sứ Ngô Quang Xuân, Vụ trưởng Vụ Đa biên Trần Quốc Khánh và nhiều trưởng đoàn thành viên WTO.

Khi Đại sứ Eirik Glenne mời tất cả các đối tác vào phòng E tiếp tục cuộc họp rồi nói: mọi vấn đề đã được giải quyết ổn thỏa và tuyên bố "Việt Nam hoàn tất đàm phán đa phương" thì tất cả các thành viên tham gia đàm phán đều đứng bật dậy vỗ tay rất lâu chúc mừng Việt Nam.

Hiếm có một cuộc đàm phán kết thúc nào mà đích thân vị Tổng giám đốc WTO, ông Pascal Lamy đã đến tận nơi để bật sâm banh chúc mừng cả đoàn đàm phán như vậy.

Và có lẽ mọi người vẫn chưa quên được câu nói nổi tiếng của ông về đoàn đàm phán Việt Nam sau khi kết thúc với đối tác châu Âu cách đây 2 năm: "Việt Nam luôn nhận mình là một nước kém hơn, nhưng kỹ năng đàm phán của các bạn thật đáng khâm phục, và những ai hiểu được lịch sử dân tộc này thì chẳng lấy gì làm ngạc nhiên về điều đó".

Theo Xuân Danh
Thanh Niên

Hồ sơ gia nhập WTO của Việt Nam bao gồm:

* Các cam kết trên lĩnh vực hàng hóa dày 560 trang bao gồm các biểu thuế, hạn ngạch, mức trần trong trợ cấp nông nghiệp, và trong một vài trường hợp là lộ trình cắt giảm.

* Cam kết của Việt Nam trên lĩnh vực dịch vụ khoảng 60 trang mô tả các ngành dịch vụ mà Việt Nam cho các công ty nước ngoài được tiếp cận, và bất kỳ điều kiện bổ sung nào, bao gồm cả sở hữu nước ngoài.

* Bản báo cáo của Ban Công tác dài 260 trang mô tả về hệ thống và các thể chế luật pháp của Việt Nam liên quan đến thương mại, cùng với các cam kết mà Việt Nam đưa ra trên nhiều lĩnh vực.

Bản tóm tắt của bộ hồ sơ này sẽ được công bố rộng rãi sau khi Đại hội đồng thông qua Quy chế thành viên của Việt Nam vào ngày 7/11.

Các bước tiếp theo:

1. Các cuộc trưng cầu ý kiến của 149 thành viên WTO, trong những ngày tới về Hồ sơ gia nhập của Việt Nam, dành cơ hội cho các thành viên đưa ra các ý kiến khác nhau của mình.

2. Ngày 7/11, Đại hội đồng WTO nhóm họp phiên đặc biệt để thông qua và chấp nhận Việt Nam là thành viên thứ 150 của WTO.

3. Quốc hội Việt Nam sẽ thảo luận và phê chuẩn bản thỏa thuận.

4. Nhà nước Việt Nam thông báo đã phê chuẩn bản thỏa thuận cho WTO biết.

5. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO sau 30 ngày kể từ ngày thông báo.

Ban Công tác gia nhập WTO của Việt Nam gồm 43 thành viên:

Argentina, Úc, Brazil, Brunei, Bulgaria, Campuchia, Canada, Chile, Trung Quốc, Colombia, Croatia, Cuba, Cộng hòa Dominica, Ai Cập, El Salvador, Liên minh châu Âu, Honduras, Hồng Kông Trung Quốc, Iceland, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Kyrgyzstan, Malaysia, Mexico, Ma-rốc, Myanmar, New Zealand, Na Uy, Pakistan, Panama, Paraguay, Philippines, Romania, Singapore, Sri Lanka, Thụy Sĩ, Đài Loan Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và Uruguay.

MỚI - NÓNG