Đảng viên làm kinh tế tư nhân: Mở một cánh cửa lớn

Đảng viên làm kinh tế tư nhân: Mở một cánh cửa lớn
Xung quanh việc Hội nghị TƯ 12 quyết định đề nghị cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô, các chuyên gia cho rằng, đó là kết quả của việc tổng kết thực tiễn từ nhiều năm nay... đồng thời mở ra cơ hội phát triển lớn.

Từ Đại học Waseda (Tokyo) GS.TS Kinh tế Trần Văn Thọ bình luận:

“Vấn đề này dù phân tích từ góc độ nào cũng phải đi đến một kết luận tối hậu là làm sao để người lao động ngày càng sung sướng, ngày càng có một mức sống cao hơn. Mọi tư tưởng và lý luận không đạt được mục đích này đều không phù hợp với sự phát triển của xã hội và đi ngược lại lý tưởng vốn có của chủ nghĩa xã hội...”.

Bóc lột hay không bóc lột ?

Một ngày sau khi các phương tiện thông tin đại chúng thông báo về quyết định của Hội nghị TW 12, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - trao đổi với Tiền Phong, giọng ông sôi nổi:

“Đây là kết quả của một quá trình tìm tòi đầy trắc trở, và thảo luận gay gắt. Thảo luận ở nhiều góc độ, liên quan đến quan điểm thế nào là bóc lột.

Cũng như vấn đề xác định rằng việc tạo được công ăn việc làm là quan trọng, giải quyết việc làm và trả lương đúng theo năng suất, đối xử đúng pháp luật, tôn trọng nhân phẩm thì không phải là bóc lột.

Chúng ta đang phải thực hiện nhiệm vụ mỗi năm tạo thêm  1,2 - 1,5 triệu việc làm, đấy là một thách thức lớn. Đảng viên phải gương mẫu trong việc này. Đề nghị cho đảng viên làm kinh tế tư nhân là kết quả của việc tổng kết thực tiễn từ nhiều năm nay.

Trước đây, đảng viên không được làm kinh tế dẫn đến việc là làm chui, tức là cho con làm, vợ làm, đứng tên người khác. Bây giờ đề nghị như thế sẽ tạo ra sự công khai, minh bạch hơn”.

Đảng viên làm kinh tế tư nhân: Mở một cánh cửa lớn ảnh 1
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng khẳng định: “Đề nghị trên sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các đảng viên có năng lực đi đầu trong việc tạo công ăn việc làm, xây dựng và kiến thiết đất nước. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình cải cách và tăng trưởng đất nước ta”.

Đồng quan điểm trên, PGS-TS Lê Bộ Lĩnh - Viện phó Viện kinh tế và chính trị thế giới cho rằng: “ở đây không nên đi tranh cãi quá nhiều vào cái chuyện bản chất của bóc lột. Nên nhìn nhận bóc lột trong trạng thái động, nếu kiểu gì mình cũng cho là bóc lột, là xấu và xoá bỏ thì đó là sự kìm hãm phát triển, trên thực tế triệt tiêu cái lợi”.

Giải phóng năng lực của đảng viên và xã hội

Tiến sĩ kinh tế học Trần Văn Thọ vốn là thành viên Tổ tư vấn cải cách kinh tế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từ nhiều năm trước đây tiến sĩ đã có những ý kiến với tư duy mới về vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân, tiến sĩ phát biểu trên website cá nhân:

 “Nếu không cho đảng viên làm kinh tế tư nhân và một mặt lại muốn phát triển Đảng, kết nạp ngày càng nhiều đảng viên hơn thì kết cuộc là bộ máy quản lý vốn đã quá lớn sẽ ngày càng to hơn, vì những đảng viên có năng lực nhưng không được làm kinh tế sẽ đổ xô vào làm quan, làm quản lý, và chính họ sẽ là những người ngăn cản mọi cải cách hành chính nhằm tinh giản bộ máy quản lý”.

Đảng viên làm kinh tế tư nhân: Mở một cánh cửa lớn ảnh 2
TS. Lê Bộ Lĩnh

PGS. Lê Bộ Lĩnh thì cho rằng chủ trương cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân không những có tác động tích cực đối với những đảng viên có năng lực làm kinh tế, mà còn tạo ra niềm tin mạnh mẽ cho giới tư doanh, cho mọi người dân tham gia hoạt động trong thành phần kinh tế tư nhân, được yên tâm bỏ vốn sản xuất mà không sợ gặp những rào cản, nhất là sự yên tâm về tâm lý không sợ phân biệt, kỳ thị đối với kinh tế tư nhân”. 

Theo PGS. Lê Bộ Lĩnh, việc đảng viên làm kinh tế đã bắt đầu được đề cập đến khi công cuộc đổi mới của đất nước ta bắt đầu. Vấn đề đặt ra là loại hình kinh tế nào thì được làm và làm ở quy mô như thế nào?

 “Cửa lớn đã được mở với Hội nghị TW 12” - Tiến sĩ Lĩnh nói. Tiến sĩ cho rằng đề nghị của Hội nghị TW 12 là phù hợp với thực tiễn, khẳng định chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần là một chủ trương dài hạn chứ không phải nhất thời. Đề nghị đó cũng phản ánh xu thế phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta, trong đó kinh tế tư nhân ngày càng chiếm lĩnh vai trò quan trọng.

Cùng mạch quan điểm với các chuyên gia kinh tế ở trên, tuy nhiên nhà tài chính Việt kiều Bùi Kiến Thành tỏ ra thận trọng: “Cần có những quy định cụ thể để loại trừ nguy cơ có đảng viên lợi dụng quyền được làm kinh tế tư nhân để đi tới lạm dụng. Trường hợp cạnh tranh nhau trong thương trường, một ông đảng viên và một ông là dân thường thì cơ quan Nhà nước sẽ xử lý thế nào?”…

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).