Đang vỡ nợ vẫn cổ phần hoá?!

Đang vỡ nợ vẫn cổ phần hoá?!
Sau khi đăng bài “Lạ lùng…”, nói về Cty OLECO (thuộc Bộ NN&PTNT) "mập mờ" cổ phần hoá, Tiền Phong đã nhận được nhiều thư, điện của CBCNV Cty OLECO hoan nghênh bài báo.

Tuy nhiên, Toà soạn chưa nhận được văn bản hồi âm từ lãnh đạo OLECO.

“Ở tạm” hay có giấy phân nhà?

Giải quyết khiếu nại về nhà ở, trong văn bản mới đây trả lời bà Vũ Thuý Cầm - bác sĩ, đang công tác tại Cty - lãnh đạo OLECO cho rằng căn hộ bà Cầm đang ở “nằm trên khu đất Nhà nước giao cho OLECO làm trụ sở”, “vốn xây dựng thuộc ngân sách Nhà nước cấp”, và nhấn mạnh: Bà Cầm được cho “ở tạm”, “không có bất cứ giấy tờ phân nhà nào”, nay đưa căn hộ bà Cầm vào tài sản của Cty là cần thiết.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, văn bản trên đây của lãnh đạo OLECO có quá nhiều điểm bất hợp lý. Về hình thức, đây là công văn trả lời khiếu nại. Tuy nhiên, đơn bà Cầm gửi còn một chữ ký nữa của ông Lê Chí Kiên - người có quyền lợi bị xâm hại giống bà Cầm, song công văn đã hoàn toàn “lờ” đi trường hợp ông Kiên.

Một điều đáng nói khác: Công văn có đoạn “Nay theo đề nghị của Thanh tra Bộ, báo Tiền Phong và các cơ quan hữu quan, Cty có văn bản trả lời…”, song báo Tiền Phong lại không nhận được văn bản này.

Về nội dung, những căn cứ để Cty OLECO trả lời bà Cầm là không có cơ sở, bằng chứng đã được bà Cầm - ông Kiên nêu trong đơn khiếu nại của họ. Chẳng hạn, khu đất được cấp là để xây trụ sở Cty và nhà ở cho CBCNV, điều này được ghi trong văn bản của Bộ Thuỷ lợi, và đã được bà Cầm - ông Kiên trích dẫn trong đơn.

Thực ra trường hợp bà Cầm - ông Kiên và 2 hộ nữa hoàn toàn giống các hộ hiện đang cư trú tại Văn phòng đội 111, Nhà tập thể số 1, Nhà tập thể số 2. Họ đều được Cty đưa vào danh sách mua nhà thanh lý từ năm 2000.

Điều khác ở đây là những dãy nhà vừa nêu, sau khi Cty không thanh lý mà đưa vào tài sản doanh nghiệp dẫn đến khiếu nại, đã “tạm” được đưa ra khỏi giá trị doanh nghiệp; còn trường hợp bà Cầm - ông Kiên và 2 hộ nữa thì chưa được.

Riêng việc bà Cầm bị coi là “ở tạm”, “không hề có giấy tờ phân nhà”, bà Cầm cũng như nhiều hộ CBCNV khác khẳng định họ có giấy phân nhà của lãnh đạo Cty OLECO, song giấy này đã được Cty thu lại khi đi đăng ký hộ khẩu cho họ. Các tác giả bài báo đã được xem sổ hộ khẩu của họ (sổ của bà Cầm là sổ hộ khẩu gia đình, được Công an huyện Thanh Trì cấp năm 1993).

Chiểu theo các văn bản pháp luật quy định về đăng ký và quản lý hộ khẩu tại thời điểm đó (như Nghị định số 4 ngày 7/1/1988 của HĐBT, Thông tư số 5 ngày 4/6/1988 của Bộ Nội vụ) thì bà Cầm cũng như nhiều hộ gia đình khác sẽ không thể được cấp sổ hộ khẩu gia đình tại căn nhà xây bằng tiền Ngân sách, nếu không có giấy phân nhà của Cty OLECO.

Là “chủ nợ” hay “con nợ”?

Bài đăng trên 2 số báo 39 và 40 đã nói về 2 khoản nợ hết sức mập mờ mà Cty OLECO cho rằng “có khả năng thu hồi”, và đưa vào tài sản doanh nghiệp để cổ phần hoá: khoản nợ từ Hợp đồng xây dựng tại Cô-oét hơn 9 tỷ đồng, và khoản nợ từ Hợp đồng xây dựng tại TX Hà Đông (Hà Tây) hơn 3,6 tỷ đồng. Cả 2 khoản nợ trên đây, OLECO đã hoàn toàn mất khả năng thu hồi, thậm chí đang bị chính 2 “con nợ” của họ đòi nợ.

Về Hợp đồng XD tại TX Hà Đông, qua tìm hiểu tại Sở Xây dựng, Sở Tài chính và UBND tỉnh Hà Tây, được biết: Đây là Hợp đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp dịch vụ và chuyển dân TX Hà Đông, khái toán kinh phí 11,7 tỷ đồng, Bên A là Ban kiến thiết thuộc Sở Xây dựng Hà Tây, Bên B là Cty OLECO.

Hợp đồng được ký ngày 2/12/1993, khởi công 10/12/1993, kết thúc 19/5/1994, và đã được quyết toán với số tiền 9.542.923.005đ, song số tiền thực tế Bên A đã thanh toán cho Bên B là 9.700.000.000đ. Như vậy, OLECO đã “nhận quá” 157.076.995đ.

Nhiều năm nay, Ban Kiến thiết công trình và Sở Xây dựng Hà Tây đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu OLECO thanh toán số tiền hơn 157 triệu đồng đó, song OLECO vẫn chưa thực hiện.

Về khoản nợ OLECO cho rằng đối tác Cô-oét phải trả cho Cty này, theo tìm hiểu, được biết: Toà án Cô-oét đang thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại nước này yêu cầu OLECO phải cử người đại diện để tham gia một phiên toà kinh tế, và tại phiên toà đó, phía Cô-oét sẽ đòi OLECO bồi thường cho họ một khoản tiền không nhỏ do phá vỡ hợp đồng (được ký với nhau năm 1996 và thực hiện trong những năm 1996-1999). Ngày 22/2/2005, Đại sứ quán Việt Nam tại Cô-oét đã có công văn nhắc nhở OLECO những công việc chuẩn bị để tham gia phiên toà.

Bất luận phiên toà này kết quả thế nào, chỉ cần đưa số tiền hơn 3,6 tỷ đồng đã mất khả năng thu hồi ở Hợp đồng tại TX Hà Đông ra khỏi tài sản Cty (vét voi mọi khoản mà chỉ được hơn 3 tỷ đồng), cũng thấy rõ tài sản của OLECO đang là con số âm!

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đang vào cuộc

Tài sản của Cty và nhà ở của CBCNV đều là những vấn đề tối quan trọng và phải được giải quyết dứt điểm, trước khi Cty OLECO cổ phần hoá (theo quy định của pháp luật thì không thể cổ phần hoá một doanh nghiệp không còn tài sản, thậm chí đang vỡ nợ; điều này một lần nữa được nhắc lại tại Hội nghị cổ phần hoá toàn quốc, diễn ra tại Hà Nội tháng 2 vừa qua).

Được biết, lãnh đạo và Thanh tra Bộ NN-PTNT đang rất quan tâm những sai phạm tại Cty OLECO. Trong nhiều ngày qua, theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ, Thanh tra Bộ đã trực tiếp gặp toàn bộ những CBCNV ở Cty OLECO có đơn khiếu nại, tố cáo…

Mong mỏi của đông đảo CBCNV Cty OLECO hiện nay là: Làm rõ công nợ của Cty, mở Đại hội CNVC bàn phương hướng tháo gỡ, huy động trí lực - tài lực của mọi thành viên trong Cty để cứu “con tàu đang đắm”.

Tất nhiên, để làm được việc này, lãnh đạo Cty OLECO phải thực hiện công khai, dân chủ về mọi mặt hoạt động của Cty, trong đó có lĩnh vực tài chính, và phải thực sự quan tâm quyền lợi hợp pháp của CBCNV, trong đó có quyền về nhà ở.

MỚI - NÓNG