Đánh thức những giấc mơ điền viên

Tâm An tham gia cấy lúa cùng người bản địa
Tâm An tham gia cấy lúa cùng người bản địa
TP - Cuộc sống ruộng vườn, thanh nhàn ở nông thôn hiện đang trở thành mốt đối với nhiều người trẻ thành thị. Xu hướng này càng trở nên “đáng mơ ước” khi dịch COVID-19 khiến nhiều người nhận ra: cuộc sống thực ra không cần nhiều xa xỉ phẩm lẫn hào nhoáng như chúng ta vẫn tưởng.

Sau đại dịch, trend điền viên lên ngôi

‘’Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau/Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau’’ câu hát của Đen Vâu trong thời gian COVID-19 hoành hành đã được giới trẻ ưa điền viên lấy làm slogan. Đại dịch bắt buộc người ta phải ở một chỗ, hạn chế di chuyển và tiếp xúc, cho nên “về quê nuôi cá trồng rau” trở thành một liều thư giãn cho rất nhiều người. Phong trào này càng trở nên thịnh hành, nhất là khi nó được các sao showbiz lăng xê. Lý Nhã Kỳ, Kiều Trinh “Mùa len trâu”, Quyền Linh, Hoài Linh, Chiều Xuân... đều sở hữu những trang trại lớn. Hình ảnh vườn cây, ao cá mà họ tung lên trang cá nhân mỗi ngày đã kích phát giấc mơ vườn ruộng, nhất là đối với các cư dân đô thị bị mắc kẹt trong bốn bức tường chung cư.

Trần Nguyễn Hoàng, kiến trúc sư tốt nghiệp tại Singapore đã từng trải nghiệm cuộc sống ở ẩn ba năm cho biết: Trên thế giới có một thuật ngữ dành riêng cho fan điền viên, đó là Cottagecore (cũng có nơi gọi là Farmcore hoặc Countrycore) là một trào lưu thẩm mỹ thể hiện cuộc sống thi vị ở vùng nông thôn. Cottagecore đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng vào những ngày đại dịch COVID- 19 bùng phát, nó trở thành từ khoá được tìm kiếm phổ biến suốt từ Âu sang Á.

Theo giới thiệu của Hoàng, tôi được add vào một nhóm Cottagecore xuyên biên giới. Ở đây, người ta có thể học được rất nhiều thứ, từ cách tạo ra lửa từ gỗ của thổ dân Úc, đến cách trồng bông dệt vải, nhuộm màu của người Trung Quốc, cách làm trà thảo dược từ nguyên liệu trong vườn, làm thuốc trừ sâu tự nhiên, ủ rượu từ hoa quả sẵn có... Trong nhóm có không ít Robinson chỉ hai, ba mươi tuổi sống một mình trên một quả đồi (hoặc trong một mảnh vườn) không mang theo gì của xã hội hiện đại trừ một cái smartphone có kết nối wifi.

Cặp đôi Quyên Trần - Lê Minh sau nhiều năm bôn ba ở Sài Gòn đã về Bình Dương mua vườn trồng rau và trái cây sạch. Quyên cho biết: Sau nhiều năm chưa có con, bác sĩ nói chúng tôi đã tích lũy quá nhiều độc tố từ cuộc sống công nghiệp. Thế là hai đứa quyết định thuê vườn làm để tìm cách giải tỏa căng thẳng, phiền muộn. Không ngờ làm vườn một năm thì tôi có bầu. Giờ bảo quay lại thành phố cũng không ham nữa.

Giống như rất nhiều người sống kiểu điền viên khác, Hoàng, Quyên, hay Minh dù khác nhau ở điều kiện và khoảng cách địa lý, song họ lại có một mã nhận dạng khá tương đồng: mặc đồ từ vải bông, lanh, biết làm vườn, chăn nuôi, tự nấu ăn, làm bánh, may vá, thích nhảy, ủ rượu... tóm lại là có năng lực sinh tồn rất cao.

Lý Tử Thất phiên bản Việt

Người thích trend điền viên không lạ gì với Lý Tử Thất. Cô gái Trung Quốc từng làm DJ ở thành phố nhưng đã từ bỏ, trở về quê hương Tứ Xuyên, sống cuộc sống tự cấp tự túc, thường xuyên làm những món ăn từ các nguyên liệu, công cụ thô sơ với kỹ thuật truyền thống. Nhàn rỗi, cô quay video về cuộc sống giản dị của mình và nhận được sự ủng hộ khổng lồ của những người “đang mắc kẹt ở thành phố”. Mới đây, Lý Tử Thất đã đạt mốc 10 triệu người theo dõi trên Youtube và lọt vào top 15 người ảnh hưởng nhất Trung Quốc.

Ở Việt Nam, cộng đồng điền viên gần đây đã tìm ra một Lý Tử Thất phiên bản Việt, được gọi là “tiên nữ vùng cao”. Cô gái này tên là Tâm An hiện đang sống trong một căn nhà tranh giữa bản Ý Lình Hồ, xã Hoàng Liên, gần thị xã Sa Pa (Lào Cai).

An sinh năm 1991, là người Đắk Lắk. Sau khi học và làm thiết kế đồ họa tại Hà Nội nhiều năm, một người bạn rủ: “Lên Tây Bắc đi” cộng với sự ủng hộ của bố, thế là An lên núi.

Ngày mới đến Sa Pa, Tâm An làm quản gia kiêm đầu bếp cho một homestay nhỏ của người bạn. Hàng ngày, cô xoay vần với những việc bếp núc, dọn phòng, tiếp khách... Cuộc sống tự cung, tự cấp giữa bốn bề đồi núi đã dạy cho cô thành thạo các kỹ năng của một nông dân: trồng cây, làm vườn, làm nương, nấu nướng trong điều kiện “có gì dùng nấy”, rảnh thì chơi với trẻ con trong bản…

An biến những hình ảnh chụp được thành các MV và chia sẻ với bạn bè. Được ủng hộ, cô đưa lên youtube, thành lập kênh “Bếp trên đỉnh đồi” hiện có khoảng hơn 50.000 lượt theo dõi.

An bảo, hiện cô kiếm được ít tiền hơn nhưng sống tự do hơn, ở trên núi, cơ hội dùng đến tiền không nhiều. Có khi cả tháng An không phải đi chợ vì trong vườn đã cung cấp đủ mọi thứ. Nói thêm, An là người ăn chay. Cuộc sống hiện tại của cô gái này không khác so với những gia đình bản địa: các loại rau, trái thì ra vườn, hoặc lên rừng hái, thèm ngọt thì tự làm đường mạch nha từ mầm lúa, đôi khi hàng xóm mang lên cho gùi đậu, gùi ngô, trái bí.

Cô cũng nói rằng mình không tốn tiền mỹ phẩm vì khí hậu ôn hòa, nước suối đã có thể dưỡng da. Nếu buồn và muốn tám chuyện, chỉ cần đứng trước cửa gọi to, cả đám trẻ con hàng xóm sẽ chạy ùa lên, cùng nhau nướng ngô, chơi những trò chơi của người Mông hoặc dắt nhau vào rừng tìm hoa quả dại.

Bàn tay An đã có nhiều vết chai do làm việc ruộng vườn, da gò má cũng có thêm nhiều vết nám. Nhà không tự đẹp, rau không tự lớn, còn cả sự cô đơn và nỗi nhớ thị thành, thế nhưng, An bảo, điều giá trị nhất khi không phụ thuộc xã hội hiện đại, chính là có nhiều thời gian để lắng nghe hơn, hiểu mình hơn và tìm ra yêu thích thực sự của bản thân.

Không phải ai cũng có một mảnh đất để làm vườn

Sự thật là, không phải ai thích điền viên cũng may mắn được sở hữu một mảnh đất riêng để làm vườn và sống ẩn dật. Những người trẻ thành phố đã chỉ cho nhau cách tự canh tác ở balcon, cách trồng rau bằng hộp thủy sinh, trồng khoai tây trong chậu, thậm chí trồng dưa lưới bằng tháp hữu cơ tận dụng từ rác bếp hằng ngày.

Nhận thấy “nhu cầu canh tác” của người thành phố, rất nhiều công ty đã nảy ra sáng kiến cho thuê ruộng, vườn để thỏa mãn đam mê điền viên của nhiều người.

Đi đầu trong mô hình kinh doanh này là Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Họ đã tạo ra một trang trại kiểu mới, đi ngược lại mô hình sản xuất truyền thống. Trong khi các trang trại khác trồng rau, sau đó bán lại cho khách hàng thì Viện Khoa học Nông nghiệp dành hẳn một mảnh đất rộng và chia nhỏ cho khách hàng thuê. Nếu khách ít thời gian, Viện sẽ giúp họ gieo trồng (được chọn rau theo sở thích) bằng phương pháp canh tác thuận tự nhiên, không sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ... Toàn bộ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây sẽ được cập nhật trên một website riêng để khách hàng có thể truy cập. 

Một vài nông dân nhanh nhạy cũng đã bắt đầu chào hàng “đất trồng rau cho thuê” trên facebook. Ví dụ, cô Thủy ở Vĩnh Tuy, hiện đang có sẵn 1.000m2 đất nông nghiệp khu vực quận Long Biên. Gia đình cô chia khu đất này ra thành các thửa nhỏ khoảng 30-100m2, đủ cho một gia đình 5 người ăn rau sạch cả tháng.

Ngoài cho thuê đất, nhà cô Thủy còn hỗ trợ tư vấn các loại cây theo mùa, ít sâu bệnh để không phải phun thuốc trừ sâu. Với những gia đình ít thời gian thì có thể thuê nông dân trồng cây giống, tưới cây, bón phân, thu hoạch theo yêu cầu.

Việc làm vườn này tuy không được nhiều người trẻ ưa thích, song lại rất được lòng các gia đình ở thành phố. Một đại diện của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, từ khi mở dịch vụ cho thuê vườn, khách hàng lúc nào cũng đăng ký nhiều hơn dự kiến. Rất nhiều người quan tâm đến việc minh bạch nguồn gốc thực phẩm và cảm thấy yên tâm hơn khi dùng rau trên thửa ruộng mình có thể kiểm soát. Một số khách hàng phản hồi lại, thỉnh thoảng khi cả gia đình ra ngoại ô cùng nhau thu hoạch rau quả, họ đều rất hài lòng vì ngoài việc xả stress, còn khiến cho trẻ con có trực quan sinh động để tìm hiểu về thế giới tự nhiên cũng như các công việc của nhà nông.

Đánh thức những giấc mơ điền viên ảnh 1 Trẻ thành phố thích thú thu hoạch rau ở những mảnh vườn cho thuê
MỚI - NÓNG