Đất rừng, trả về chưa được, giao lại chưa xong

Đất rừng, trả về chưa được, giao lại chưa xong
TP - Theo ông Lê Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện dự tính bóc tách khoảng 1.400 ha đất rừng ở cánh Bắc huyện, do Lâm trường Bắc Khánh Vĩnh, nay là Cty Lâm nghiệp Trầm Hương (LNTH) quản lý, giao cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Trong số này, có 658 ha vốn là diện tích rẫy của đồng bào 3 xã Khánh Đông, Khánh Hiệp, Khánh Bình, trước khi được đưa vào Chương trình 327. Năm 2004, Chương trình 327 kết thúc, nhưng rừng không được trả lại dân, mà giao cho LNTH.

UBND huyện Khánh Vĩnh đã đề nghị LNTH giao lại rừng cho dân, huyện sẽ hoàn trả 2 tỷ đồng tiền đầu tư trồng, chăm sóc. Nhưng theo LNTH, 658 ha rừng này có giá trị đầu tư là 26,32 tỷ đồng, cần giải quyết hợp lý để không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của đơn vị. Sở NN&PTNT được UBND tỉnh Khánh Hòa giao chủ trì, phối hợp UBND huyện Khánh Vĩnh và cơ quan liên quan đề xuất hướng giải quyết. Đến nay, chỉ đạo này chưa được thực hiện, rừng chưa được giao lại cho dân.

Còn tại 7 xã cánh Nam Khánh Vĩnh, Cty Lâm sản Khánh Hòa đã bóc tách được hơn 2.600 ha đất rừng. Nhưng hơn 500 ha bóc tách tại xã Liên Sang ở xa khu dân cư, có nơi đến 15 - 20 km, giao thông khó khăn. Xã không nhận, huyện cũng chung ý kiến với xã. “Làm sao thì làm, đất rừng bóc tách giao lại cho đồng bào nghèo thiếu đất phải ở chỗ thuận tiện cho họ sản xuất.” Ông Hoa nói.

Tại xã Ba Cụm Nam, Khánh Sơn cũng chung cảnh ngộ. Năm 2006 BQL Rừng phòng hộ (BQLRPH) Khánh Sơn giao lại cho huyện 357 ha rừng thông. Xã lập phương án chia diện tích rừng này cho 188 hộ đồng bào nghèo. Nhưng theo ông Phạm Văn Hân, Phó Chủ tịch UBND xã, khả năng sinh lợi của từng khoảnh rừng khác nhau, nên dân phân bì, không đồng thuận. Năm 2007 xã và huyện lại phải đề nghị giao rừng cho BQLRPH Khánh Sơn quản lý, rồi giao khoán cho dân. Tuy nhiên, đề nghị này chưa được giải quyết. Rừng chưa chính thức giao cho dân, nhưng cũng không còn thuộc quyền quản lý của BQLRPH Khánh Sơn. “Dân cứ khai thác nhựa thông, chặt đốn cây tự phát, rừng thông sẽ suy kiệt, thoái hóa nhanh”. Ông Hân nói.

Hiện toàn tỉnh Khánh Hòa đã bóc tách 8.400 ha rừng của các đơn vị lâm nghiệp để hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Các huyện, TP Cam Ranh đã lên danh sách số hộ cần đất sản xuất, nhưng chưa xây dựng được phương án giải quyết cho từng hộ. Do vậy, đến nay vẫn còn rất nhiều hộ đồng bào thiếu đất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG