Đau đầu vì phí mua USD

Đau đầu vì phí mua USD
Ngân hàng Nhà nước đang thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh ngoại tệ nhằm bình ổn thị trường này, nhưng một số doanh nghiệp phản ảnh vẫn phải mua USD của ngân hàng ngang ngửa giá “chợ đen”.
Đau đầu vì phí mua USD ảnh 1
Doanh nghiệp phản ảnh phải trả thêm ngoài tỉ giá niêm yết mới mua được USD của ngân hàng - Ảnh: Thạnh Đạm (Tuổi Trẻ)

Nhiều ngân hàng đặt ra khoản thu phí đẩy giá bán USD tăng vài trăm đồng so với giá do ngân hàng niêm yết theo quy định của ngân hàng Nhà nước.

Giá ngân hàng ngang với “chợ đen”

Hầu hết doanh nghiệp cho biết, gần một tháng trở lại, không còn tình trạng khó mua USD như trước, ngân hàng cung ứng đủ USD theo nhu cầu doanh nghiệp nhưng phải trả thêm phí. Tính ra ngang ngửa hoặc cao hơn giá USD trên thị trường tự do.

Ông T., giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu giấy, cho biết, để có USD thanh toán, ông phải mua USD của ngân hàng theo giá ấn định của ngày 13/6 là 18.280 đồng/USD, trong khi cùng thời điểm tỉ giá USD thị trường tự do chỉ 18.250 đồng/USD.

Phần chênh lệch so với giá niêm yết ngân hàng được hạch toán riêng thành phí dịch vụ thông tin ngân hàng. Theo ông T., phần phí này mới chỉ có gần đây, trước kia ông chỉ phải trả chênh lệch 30 - 50 USD chứ không đến mức 484 đồng/USD như hiện tại. Với lô hàng nhập khẩu của doanh nghiệp, ông phải trả thêm cho phần “dịch vụ thông tin” hơn 100 triệu đồng.

Còn ông T., tổng giám đốc công ty chuyên nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, cho biết, mỗi tháng công ty cần 1,5 triệu USD để nhập nguyên liệu và cũng phải trả thêm cho khoản phí tư vấn tài chính.

Nhưng trớ trêu là, khoản phí này biến động tùy theo giá USD tự do, hiện tại mức chênh lệch so với giá niêm yết là 300 - 350 đồng/USD. Mỗi tháng, khoản tiền công ty phải trả thêm dao động 400-500 triệu đồng.

Doanh nghiệp có USD hưởng lợi

Lý giải việc thu phí, nhiều ngân hàng nói không có nguồn USD để bán cho doanh nghiệp mà phải mua với giá thỏa thuận từ các doanh nghiệp xuất khẩu.

Giám đốc một doanh nghiệp cho biết, một số nơi ngân hàng làm hai hợp đồng, một hợp đồng mua USD bằng với giá niêm yết cùng thời điểm và một bản hợp đồng dịch vụ kèm phiếu thu, tuy nhiên cũng có trường hợp NH chỉ phát phiếu thu.

Cũng theo các doanh nghiệp, một số ngân hàng lớn trước kia không thu phí này nhưng gần đây đã bắt đầu thu.

Nhiều ngân hàng cho biết, họ phải bán cao hơn giá niêm yết và phải lách qua phí dịch vụ vì ngân hàng cũng phải mua USD với giá cao. Một số doanh nghiệp xuất khẩu có ngoại tệ tranh thủ thị trường lo ngại biến động tỉ giá đã găm hàng và chỉ bán giá cao.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, gần đây, nhiều doanh nghiệp phải lách bằng hợp đồng nhập khẩu ủy thác và khoản chênh lệch tỉ giá này được núp dưới hình thức phí ủy thác để dễ hạch toán, hoặc doanh nghiệp xuất khẩu thỏa thuận với ngân hàng hoặc với công ty cần USD.

Khi đã thỏa thuận, doanh nghiệp bán USD cho ngân hàng với giá cao nhưng khoản chênh lệch tỉ giá này sẽ được cấn trừ vào lãi suất khi doanh nghiệp vay vốn USD để nhập nguyên liệu làm hàng xuất khẩu.

Hoặc doanh nghiệp xuất khẩu “bắt tay” với doanh nghiệp nhập khẩu trao đổi chéo, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản mua bao bì để đóng hàng của doanh nghiệp nhựa nhưng với giá rẻ hơn thị trường 300 - 400 đồng nhằm bù lại khoản chênh lệch tỉ giá khi doanh nghiệp thủy sản này nhập khẩu ủy thác hạt nhựa.

Chống bán quá giá, cần doanh nghiệp hợp tác

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, ngân hàng chỉ được bán USD cho doanh nghiệp trong khung quy định của Ngân hàng Nhà nước, còn việc thu phí phải công bố công khai và theo đúng quy định.

Trường hợp ngân hàng thu phí quá cao, biến động liên tục theo giá USD tự do, doanh nghiệp phản ảnh và cung cấp các bằng chứng cho Ngân hàng Nhà nước qua đường dây nóng để nơi này thanh tra và xử lý.

Cũng theo ông Giàu, thời gian qua xuất hiện nhiều tin đồn Ngân hàng Nhà nước nới biên độ biến động tỉ giá khiến doanh nghiệp xuất khẩu găm giữ USD, doanh nghiệp nhập khẩu không muốn vay USD làm cung cầu ngoại tệ căng thẳng.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực bình ổn thị trường ngoại tệ bằng đợt thanh tra từ 10/6 đến 30/7. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trình bày những khó khăn.

Doanh nghiệp nên thông báo cho Ngân hngf Nhà nước những vướng mắc với các ngân hàng thương mại để nơi này kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Theo A Hồng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG