Đau đầu với... Tiền tồn kho

Đau đầu với... Tiền tồn kho
TP - Không chỉ có hàng hóa, bất động sản không bán được mà ngay cả tiền trong nhà băng và dân cư cũng đang rơi vào trạng thái “tồn kho”. Hàng trăm nghìn tỷ đồng nằm “bất động” trong ngân hàng mà không thể cho vay được. Đây quả là bài toán đau đầu đối với các nhà làm chính sách lẫn bản thân giới nhà băng.

> Ngân hàng Việt loay hoay cụm từ 'đổ vỡ' hay 'phá sản?
> VAMC sẽ mua nợ xấu

Vật lộn với tiền thừa

Theo báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ trong 2 tháng đầu năm của NHNN, tính đến ngày 28/2/2013, tín dụng giảm 0,28%, thấp hơn mức giảm 1,88% trong 2 tháng đầu năm 2012.

Tháng 2, tín dụng đã đảo chiều tăng 0,26% so với tháng 1. Tuy nhiên, con số tăng trưởng xem ra vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Tín dụng tăng thấp đồng nghĩa là doanh nghiệp (DN) vẫn khó hoặc không mặn mà với việc vay vốn mở rộng đầu tư. Thực tế là “kẻ ăn không hết người lần không ra” đang diễn ra. Tức là có số doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh nhưng lại không vay được, còn ngân hàng thừa tiền nhưng lại không cho vay.

Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp đều “dính chàm” nợ xấu nên không đủ tiêu chuẩn được cấp vốn để đầu tư. Ngược lại, không ít doanh nghiệp đủ điều kiện vay thì lại không muốn vì không có nhu cầu. Họ không dám vay có thể vì sợ rủi ro và nhiều trường hợp vay vốn không biết đầu tư vào đâu khi nền kinh tế quá ảm đạm và niềm tin suy giảm.

 “Lạm phát kỳ vọng cả năm là 7-8%, thì lãi suất vay thực dương theo lãi suất vay phổ biến hiện nay là quá cao, không kích thích được và làm tăng nợ xấu với những doanh nghiệp đang cố gắng phục hồi sản xuất” 

Tiến sĩ Trần Du Lịch.

Xem ra, “biết rồi, khổ lắm” nhưng vẫn phải nói, hiện nay thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào. Điều này được thể hiện rõ qua việc lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn ngắn đang ở mức rất thấp và các đợt phát hành trái phiếu của Chính phủ liên tục thành công với lãi suất thấp.

Việc dòng tiền chỉ có đi vào mà không dám cho vay khiến các ngân hàng khổ sở về các khoản chi phí đầu vào. Do đó các nhà băng vẫn phải vật lộn với bài toán dư thừa tiền. Động thái cắt giảm lãi suất huy động về dưới 8% của một số ngân hàng thương mại mới đây được xem như một biện pháp giảm bớt chi phí, giảm bớt lượng tiền đang “tồn kho”.

Phụ trách nguồn vốn một ngân hàng thương mại chia sẻ: thay vì đôn đáo lo chỉ tiêu huy động, lúc này cả ngân hàng ông từ lính đến quân đều “bình chân”. Việc trong quý tới của chúng tôi là lo tìm kiếm khách hàng tốt mà giải ngân.

Dòng tiền tìm kênh mới

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, lãi suất cho vay thực tế vẫn chưa được kéo giảm xuống nhiều, do đó vẫn chưa thể đáp ứng được nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Một trong những thủ phạm khiến dòng tiền không thể lưu thông một cách bình thường là do nợ xấu. Trong đó, bất động sản được xem là “ổ” nợ xấu lớn nhất hiện nay.

Mặc dù giá nhà được cho là đã giảm tới 30-50% nhưng người dân vẫn tiếp tục chờ đợi. Các Quỹ đầu tư lớn như VinaCapital cũng từng tuyên bố ngừng đầu tư mới các dự án bất động sản.

Hai kênh đầu tư phổ biến còn lại là chứng khoán và vàng cũng chưa thể nói là kênh đầu tư tốt nhất hiện nay, dù vẫn có nhiều người “nghiện” chứng trường hơn. Trong thời điểm mà người dân và các nhà đầu tư vẫn loay hoay tìm kênh đầu tư sinh lời thì tiết kiệm trở thành nới trú ẩn an toàn.

Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành tài chính mấu chốt để giải bài toán này là lấy lại niềm tin từ phía người dân để thay vì găm tiền trong ngân hàng, những ông bà chủ của các khoản tiền lớn có thể đem ra những kênh đầu tư khác.

Theo NHNN, huy động vốn tăng trở lại kể từ cuối tháng 1/2013. Tính đến ngày 28/2/2013, huy động vốn tăng 2% so với cuối năm 2012, gấp hơn hai lần mức tăng 2 tháng đầu năm 2012. Trước đó, tính cả năm 2012 tăng trưởng huy động tiền gửi của ngân hàng đạt gần 20%, trong khi cho vay chỉ tăng khoảng 7%.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG