Đấu giá biển số xe ô tô: Thế nào là biển đẹp?

TPO - Cả cơ quan quản lý và các chuyên gia đều đồng thuận nên xem biển số đẹp là tài sản quốc gia và đưa ra đấu giá công khai, tiền thu được phục vụ các mục tiêu an sinh xã hội. Tuy nhiên, thế nào là biển đẹp, mức giá sàn cho biển đẹp thế nào vẫn còn phải bàn.

Chiều 15/3, trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, hiện chúng ta chưa có định nghĩa thế nào là số đẹp, vì dãy số với người này đẹp nhưng với người khác lại không phải. “Tôi ủng hộ coi tài nguyên số là tài sản quốc gia, ngoài biển số xe còn cả số điện thoại. Khi là tài sản quốc gia phải khai thác sử dụng công bằng, minh bạch, hiệu quả nhất”, ông Phong nói.

Cùng với đó, theo ông Phong, việc xử lý số đẹp đã cấp thế nào cũng phải tính, không thể cứ thế thu hồi được. Khi xác định được số đẹp, việc định giá, giá sàn ra sao còn phải tính, nhưng đấu giá càng công khai, càng lâu giá càng lên. “Có thể lấy mức giá hiện nay các chủ phương tiện phải bỏ ra để được chọn số theo ý mình là giá sàn. Quan trọng là có đấu giá công khai không, còn quy định về đấu giá đã đầy đủ, chỉ cần theo đó thực hiện”, ông Phong nói.

Khi trao đổi về câu chuyện đấu giá biển số xe đẹp, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia, có nơi cũng bán đấu giá biển số xe đẹp. Cá nhân muốn có biển số dễ nhớ, trùng với ngày sinh hay một ngày kỷ niệm nào đó thì được chọn nhưng phải trả cho cơ quan cấp biển số một khoản tiền.

Theo ông Thắng, khoản tiền thu được từ đấu giá biển số đẹp không ngân sách nhà nước, mà dùng làm từ thiện hay thực hiện công tác xã hội. Nhưng tại Việt Nam, hiện chưa có quy định nào về đấu giá hay thu phí với biển số xe đẹp, nên cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để đưa vào Luật Quản lý tài sản công. “Tôi thấy các nước làm như trên rất phù hợp, tiền thu được dùng làm từ thiện hay hoạt động xã hội, không nên đưa vào ngân sách nhà nước”, ông Thắng nói.

Lãnh đạo Cục Quan quản lý Công sản cho rằng, biển số xe đẹp cũng là tài sản, và phải xác lập quyền của nhà nước với tài sản đó. Theo ông Thắng, trong Dự thảo Luật Tài sản công (do Bộ Tài chính xây dựng) có chia tài sản công thành 5 nhóm. Sau khi được Quốc hội thông qua luật, Chính phủ giao, Bộ Tài chính sẽ cụ thể hóa trong các nhóm tài sản công đó gồm những tài sản gì và hoạch định cơ chế quản lý số tài sản đó.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kinh tế Việt Nam cho rằng, nên đưa biển số xe đẹp vào diện tài sản nhà nước để quản lý và bán đấu giá công khai. Tuy vậy, theo vị chuyên gia này biển số xe thế nào là “đẹp” vẫn chưa rõ ràng, nhưng lâu nay vẫn diễn ra tình trạng mua bán số đẹp. “Do lâu nay không được quản lý, nên hoạt động mua bán số đẹp trở thành miếng đất cho tham nhũng, lợi dụng để trục lợi cá nhân”, ông Thái nói.

Vì vậy, theo ông Thái, nên đấu giá số điện thoại và biển số xe đẹp. Nhưng việc đấu giá phải được làm công khai, có hội đồng định giá theo giá thị trường không phải vài người tự định giá để bán cho nhau. Nếu không sẽ xảy ra chuyện mua đi bán lại, và lại thành miếng đất màu mỡ cho tham nhũng sinh sôi.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.