Dấu hiệu căng thẳng về nguồn vốn USD

Dấu hiệu căng thẳng về nguồn vốn USD
Tình trạng thiếu nguồn USD để cho vay của các ngân hàng đã xuất hiện từ nửa cuối năm 2007 và hiện đang có dấu hiệu ngày càng căng thẳng.

Dư nợ cho vay bằng USD chiếm tỉ trọng khá lớn trong tổng dư nợ cho vay của hệ thống NH.

Nhìn vào cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn bằng ngoại tệ nói chung thì tỉ lệ sử dụng vốn mới chiếm trên 60% nguồn huy động, nhưng tỉ lệ sử dụng vốn huy động từ các tổ chức và dân cư trong nước để cho vay đang ở mức cao.

Nguy cơ thiếu vốn khả dụng ngoại tệ

Đến nay, mặc dù NHNN chưa quy định về tỉ lệ sử dụng vốn huy động (cả VND và ngoại tệ) từ tổ chức và dân cư trong nước để cho vay nhưng thông lệ thì một tỉ lệ an toàn là khoảng từ 60% đến tối đa là 80%. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, đặc biệt từ cuối năm 2007 tỉ lệ sử dụng vốn ngoại tệ của các TCTD đã tăng quá cao.

Chỉ tính riêng địa bàn Hà Nội, đến cuối tháng 2.2008, tỉ lệ sử dụng vốn huy động ngoại tệ để cho vay của các TCTD là 87,7% (VND chỉ 48,3%). Riêng khối NHTMCP tỉ lệ này lên tới 95,7%.

Dự đoán đến cuối tháng 3 này, tỉ lệ sử dụng vốn ngoại tệ sẽ còn cao hơn rất nhiều vì nguồn huy động ngoại tệ đang tiếp tục giảm. Cũng ở Hà Nội, số dư vốn huy động ngoại tệ của các TCTD cuối tháng 2.2008 giảm (- 3,3%) so cuối năm 2007, nhưng dư nợ cho vay ngoại tệ so cùng thời kỳ lại tăng đến 19,4% (số liệu tương ứng của VND là +0,7% & 6,4%).

Phần vốn cho vay vượt 100% vốn huy động từ tổ chức và dân cư từ trước đến nay các NH đi vay từ thị trường ngoại tệ liên ngân hàng (TTLNH). Tuy nhiên, do tình hình căng thẳng chung nên việc vay mượn các NH khác cũng đã khó khăn.

Có thông tin cuối tuần qua, ngay một "NH đại gia" về ngoại tệ trong hệ thống cũng phải đi tìm kiếm vay nóng vài chục triệu USD từ TTLNH.

Thiếu nguồn ngoại tệ do NK quá lớn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NH thiếu nguồn vốn ngoại tệ. Trước hết là do Việt Nam liên tục nhập siêu. Chỉ ước riêng kim ngạch NK 3 tháng đầu năm 2008 đã đạt 20,59 tỉ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2007 (trong khi đó XK chỉ đạt 13,1 tỉ USD, tăng 23,7%).

Như vậy, lượng ngoại tệ mà các NH phải cho vay các DN NK là rất lớn, trong khi do giá trị XK thấp, ít tiền gửi ngoại tệ của các DN XK.

Một số NH cho biết, dù từ mấy tháng nay đã rất hạn chế cho vay bằng ngoại tệ nhưng không thể không giải quyết cho vay để đáp ứng nhu cầu thanh toán cho đối tác ngước ngoài, nhất là đối với các hợp đồng NK mà các DN Việt Nam đã ký kết.

Một nguyên nhân nữa là do chênh lệch giữa giữa lãi suất tiền gửi, tiền vay VND và USD ở Việt Nam khá lớn. Ví dụ,1 triệu USD nếu bán lấy tiền Việt vào thời điểm 24.2.2008 sẽ được 15,850 tỉ đồng. Đem gửi vào NH kỳ hạn 1 tháng với lãi suất lúc đó là 14,2%/năm. Đến ngày đáo hạn (24.3.2008), tính cả gốc và lãi người gửi được 16, 037 tỉ đồng.

Nếu mua lại 1 triệu USD để bảo toàn vốn, với tỉ giá ngày 24.3 là 15.850 đồng/USD thì người gửi lãi 187 triệu đồng. Còn nếu đem 1 triệu USD gửi thẳng tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng (lãi suất 4,5%/năm) người gửi chỉ lãi 3.750USD, tương đương 59,1 triệu đồng.

Lãi suất tiền vay cũng vậy, người vay USD có lợi khoảng trên, dưới 40% so vay bằng VND, nhất là trong bối cảnh lãi suất VND đang ở mức rất cao như hiện nay.

Đây chính là lý do diễn ra cảnh người dân thì ồ ạt rút tiết kiệm ngoại tệ bán lấy VND gửi vào NH, DN thì cứ xin vay bằng ngoại tệ kể cả những trường hợp không nhất thiết phải sử dụng đến ngoại tệ.

Giải pháp nào cho tình hình này?

Diễn biến tỉ giá và dấu hiệu căng thẳng nguồn vốn huy động ngoại tệ hiện nay đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Đối với những vấn đề khó khăn liên quan đến nguồn vốn VND, chúng ta có thể có những giải pháp xử lý được ngay cả khi thị trường tiền tệ diễn biến phức tạp, nhưng đối với nguồn vốn ngoại tệ lại không đơn giản như vậy, đặc biệt nếu xảy ra trường hợp luồng vốn đảo chiều (lượng vốn ngoại tệ từ nước ngoài vào một quốc gia bị rút ra đột ngột).

Vì vậy, công tác dự báo về tình hình cung-cầu ngoại tệ trên thị trường trong và ngoài nước, dự kiến trước các giải pháp để phòng ngừa rủi ro là rất cần thiết hiện nay.

Đối với hệ thống NH, bên cạnh việc từng TCTD phải chủ động quản trị rủi ro kinh doanh ngoại hối thì theo ý kiến một số lãnh đạo NH đề nghị NHNN nghiên cứu tình hình, nếu xét thấy cần thiết có thể tạm thời giảm dự trữ bắt buộc ngoại tệ, tái cấp vốn với một số NH đang có khó khăn về nguồn vốn ngoại tệ, đồng thời sớm ban hành sửa đổi cơ chế cho vay ngoại tệ theo hướng chỉ cho vay doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ trả nợ...

Được biết, Hiệp hội NH cũng đang rất quan tâm đến tình hình này, Hiệp hội đang cân nhắc, tham khảo ý kiến các thành viên để có thể đi tới đồng thuận về nguyên tắc lãi suất trần huy động USD, tránh cuộc đua lãi suất huy động khiến cho việc quản trị vốn huy động và sử dụng vốn ngoại tệ của các TCTD thêm khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Theo Trịnh Ngọc Lan
Lao Động

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.