Dấu hiệu “tháo chạy” khi chưa nhìn thấy “đáy”?

Dấu hiệu “tháo chạy” khi chưa nhìn thấy “đáy”?
TP - Bất chấp những thông tin liên quan đến việc “giải cứu” thị trường chứng khoán…, thị trường vẫn đi xuống trong nhiều ngày qua và có dấu hiệu một “cuộc tháo chạy tán loạn”, nếu không có “liều thuốc” đủ mạnh trong vài ngày tới.

>> VASB kiến nghị 9 giải pháp “cứu” TTCK

“Chạy” cũng khó!

Nhà đầu tư Trần Hải Nam (sàn ACBS TPHCM) nói “mã sáng giá và lợi nhuận cao ngất như SSI mà cũng chỉ còn 50% so với 2 tháng trước, thì chỉ có lỗ và lỗ mà thôi”. Không chỉ SSI, mà khá nhiều blue-chip đang thành cổ phiếu “giá rẻ”, như STB chỉ còn 46.600đồng, SAM còn 56.500 đồng, BT 6 còn 51.500 đồng…

Ngay cả cổ phiếu BMC cao ngất trời ngày nào, nay đã rơi xuống dưới 200.000đồng/cổ phiếu, với tốc độ giảm 9.000-10.000 đồng/ngày.

Hai phiên đầu tuần, gần 100% cổ phiếu trên sàn TPHCM giảm giá sàn và dư mua hầu hết bằng 0.

Phiên ngày 4/3, khối lượng giao dịch tăng vọt trên 21 triệu với hơn 1.800 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là trái phiếu và giao dịch thỏa thuận, cổ phiếu chỉ khớp hơn 8 triệu đơn vị.

Hơn 1 giờ đồng hồ đứng tại sàn ACBS Mạc Đĩnh Chi (TPHCM), chúng tôi hầu như không thấy các nhà đầu tư giao dịch, vì nói như nhà đầu tư Vũ Văn Năm thì “bán cũng chẳng ai mua, chỉ mất công viết lệnh”.

Anh Năm bỏ ra 80 triệu đồng mua vào cách đây 3 phiên, vì tin rằng chứng khoán không thể xuống thấp hơn nữa, nhưng “giờ có bán được thì cũng lỗ gần 20 triệu đồng”.

Nhân viên tư vấn Trần V.M nói “nhà đầu tư chẳng hỏi mà chúng tôi cũng không biết nói sao. Phân tích để họ mua vào mà giá còn xuống thì chẳng ai nghe, khuyên bán cắt lỗ cũng rất khó bán”.

Nhiều nhà đầu tư viết 3 - 4 lần lệnh bán trong một phiên nhưng không khớp được, còn nhân viên nhận lệnh thì cười trừ “sáng giờ cũng chỉ khớp được vài lệnh mà”.

Không ít người đã tỏ ra hốt hoảng khi VN-Index cứ giảm từ 20-30 điểm như những ngày qua, vì với đà giảm trên chỉ giữa tuần sau VN-Index nhiều khả năng chỉ còn 500 điểm.

Có nhà đầu tư chua chát nói “bây giờ muốn tháo chạy cũng không được, vì còn ai dại dột mua hộ mình đâu”.

Lối thoát cho TTCK?

Bức xúc trước đống cổ phiếu chỉ còn 50-60% giá trị trong chưa đầy 2 tháng, CLB Chứng khoán TPHCM&Bạn đã gửi thư “khẩn cầu” Thủ tướng, theo đó đề xuất 10 biện pháp để cứu TTCK qua cơn nguy khó.

Những đề xuất này không mới và các bộ, ngành cũng đã tính đến, nhưng nền kinh tế còn cơn bão giá, lạm phát ảnh hưởng đến 80 triệu dân, đang buộc các nhà quản lý phải đặt cái lợi lớn hơn lên trên.

Nhà phân tích chứng khoán Bùi Ngọc Tước cho rằng “nhà đầu tư đang mất niềm tin và họ càng lo hơn nữa khi những giải pháp vực dậy TTCK chỉ là kế hoạch, bàn thảo giữa các bộ ngành hơn 10 ngày qua.

Yếu tố tâm lý càng khiến TTCK lao dốc và nếu tình trạng này càng kéo dài, càng khó để cứu vãn TTCK”. Ông Tước nói dường như các cơ quan điều hành đang lúng túng giữa việc chặn lạm phát và bơm tiền vào TTCK, khi cả hai đang tỷ lệ nghịch với nhau.

Việc Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh tuyên bố 9.000 tỷ đồng cho vay chứng khoán sẽ được giải ngân vẫn chưa thành hiện thực, vì các NH quốc doanh đang nắm phần lớn số tiền này chưa muốn tung ra, vì chính các NH quốc doanh cũng đang tăng lãi suất để hút vốn sau khi bị rút vốn sang các NH cổ phần.

Dư luận cũng cho rằng việc tăng room cho NĐTNN cũng rất khó thực hiện trong thời gian ngắn, vì việc này đồng nghĩa với lượng ngoại tệ lớn sẽ đổ vào VN, mà câu chuyện lạm phát vì không hấp thụ nổi vốn ngoại đến giờ vẫn chưa giải quyết xong.

GĐ một quỹ đầu tư nước ngoài nói “Ban GĐ và phòng phân tích thị trường biết rõ giá mua lúc này rất hấp dẫn, nhưng giá vẫn xuống thì không có lý gì chúng tôi lại đổ tiền ra mua.

Ai cũng muốn bỏ ít tiền hơn mà vẫn mua được cổ phiếu đó”. Đó cũng là tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư nội khi trao đổi với chúng tôi.

Họ còn nói thẳng “không phải chúng tôi đã cạn vốn mà vẫn đang chờ VN-Index còn 500 rồi mới ra tay”.

TS kinh tế Nguyễn Quang Hưng khẳng định “bây giờ chỉ có tiền, tiền và tiền mới cứu nổi TTCK. Muốn kích nhà đầu tư bỏ tiền mua chứng khoán, có lẽ Nhà nước phải bơm vài nghìn tỷ “mồi” trước.

Tôi nghĩ không phải Bộ Tài chính, UBCKNN muốn buông chứng khoán để chặn lạm phát, nhưng vào thời điểm này VN chưa đủ những điều kiện cần thiết để dung hòa cả hai”.

Vậy sẽ còn tiếp tục “tháo chạy tán loạn” và “đâu là đáy”?

Nhiều chuyên gia chứng khoán lắc đầu khi được hỏi như vậy, bởi “cách đây 1 tháng, không ai dự báo VN-Index xuống dưới 700, còn bây giờ không thể nói gì khi nhà đầu tư chẳng biết tin vào đâu”.  

Ảm đạm

Sáng 4/3, chúng tôi có mặt tại nhiều sàn giao dịch chứng khoán ở Hà Nội để ghi nhận không khí thị trường.

“Bán và bán, là con đường đầu tiên mà nhiều nhà đầu tư lựa chọn trong tình hình này, lí do đơn giản là để cắt lỗ”, anh Nguyễn Long, nhân viên môi giới chứng khoán sàn Sacombank cho biết.

Chúng tôi cũng ghi nhận việc lệnh bán liên tiếp được đưa ra, không khí giao dịch ảm đạm, nhà đầu tư lên sàn không còn trao đổi thông tin về các công ty niêm yết, về chỉ số P/E, EPS như trước nữa, mọi ánh mắt đều chăm chú nhìn lên bảng trực tuyến, chờ đợi...

Nhà đầu tư Lê Hồng Sơn đăng ký bán 10.000 cổ phiếu VSH với tâm trạng chán nản, anh nói: “Từ nay đến cuối tháng 3, thị trường còn xuống nữa, có lẽ còn xuống, những quỹ đầu tư nước ngoài trước ôm nhiều cổ phiếu nay cũng có những động thái bán ra, hành động này có tác động lớn tới việc thị trường có sự sụt giảm từ đầu tuần đến nay”.

Tại sàn chứng khoán Bảo Việt, lượng nhà đầu tư đến sàn đông hơn so với một số sàn khác, nhưng không khí nhìn chung vẫn ảm đạm.

Nhà đầu tư Phạm Văn Nhiên nhận định: Thị trường đang đuối, nhà đầu tư không còn thiết tha gì với tin về các công ty niêm yết hay những động thái liên quan đến thị trường nữa.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4 các công ty niêm yết sẽ đưa ra báo cáo tài chính Quý I, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, lợi nhuận chắc chắn sẽ giảm nhiều so với năm 2007, và nhà đầu tư sẽ còn bán nhiều nữa, tôi nghĩ từ giờ đến cuối tháng 3, thị trường vẫn tiếp tục ảm đạm”.

Cùng quan điểm với bác Nhiên, anh Trần Mạnh Hùng (giao dịch tại sàn chứng khoán Đông Á) cho biết: “Tình hình này phải một thời gian ngang giá rồi mới lên được, nhiều nhà đầu tư tại Hà Nội đã bắt đầu có tâm lý hoảng loạn, nhìn vào việc đăng ký bán cổ phiếu bán ồ ạt của họ có thể nhận ra ngay được điều này”. 

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.