Dấu hiệu tích cực cho doanh nghiệp nội địa

Dấu hiệu tích cực cho doanh nghiệp nội địa
TP - Mặc cho những quan ngại xung quanh lĩnh vực bất động sản và dịch vụ tài chính, Việt Nam vẫn có thể thu hút được một lượng vốn đầu tư và sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư nước ngoài. Phần lớn sự quan tâm gần đây đến từ các thương vụ đầu tư mang tính chiến lược.

Làn sóng thâu tóm cổ phần

Trong vòng 5 năm qua, nhiều công ty nội địa đã bán cổ phần chi phối cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài bao gồm các thương vụ giữa Unicharm-Diana, Jolibee-Highland, Carlsberg-Huda Beer, Marico-ICP và Fortis-Hoàn Mỹ.

Bên cạnh đó, Siam Cement Group, một công ty vật liệu xây dựng lớn của Thái Lan, đã thâu tóm 85% cổ phần của Prime Group, một trong những nhà sản xuất gạch men lớn nhất Việt Nam.

Ngoài ra, ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ, ngân hàng lớn nhất ở Nhật Bản đã mua 20% cổ phần trong ngân hàng Vietinbank với trị giá xấp xỉ 750 triệu đô la Mỹ và thương vụ Công ty Bảo hiểm Sumitomo Life mua lại từ HSBC 18% cổ phần của Bảo Việt, công ty bảo hiểm lớn nhất Việt Nam, với trị giá 340 triệu đô la Mỹ, dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý này.

Các thương vụ bán cổ phần cho các đối tác chiến lược trong khu vực dịch vụ tài chính chỉ dừng lại ở tỷ lệ cổ phần thiểu số là do giới hạn pháp lý về mức sở hữu tối đa của cổ đông nước ngoài.

Theo các chuyên gia trong ngành, sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược có ảnh hưởng quan trọng cho quá trình phát triển dài hạn của Việt Nam, nhưng nó luôn kèm theo một cái giá phải trả.

Các nhà chuyên môn chỉ dẫn ra rằng nhà đầu tư chiến lược thường muốn thực hiện các giao dịch mua cổ phần chi phối hoặc có định hướng cụ thể trong việc đạt được cổ phần chi phối để có sự kiểm soát điều hành doanh nghiệp. Chính vì lý do này mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã rơi vào tay của các đối tác chiến lược ngoại.

Bài toán giữ quyền kiểm soát

Bên cạnh đó, một lựa chọn khác trong việc huy động vốn là các nhà đầu tư tài chính nước ngoài sẽ cung cấp vốn hỗ trợ tăng trưởng, nhưng vẫn tạo điều kiện cho các công ty được đầu tư giữ quyền kiểm soát.

Trường hợp KKR đầu tư 359 triệu đô la Mỹ vào Masan Consumer, lấy về 18% cổ phần của công ty này là một ví dụ điển hình. Masan Consumer vẫn chịu sự chi phối của các cổ đông trong nước và đã tái đầu tư nguồn vốn huy động được từ KKR để xây dựng các doanh nghiệp hiện hữu của mình, cũng như thực hiện các thương vụ mua lại gần đây đối với Vinacafe Biên Hòa, Proconco và Vĩnh Hảo. KKR cũng đã giúp cho Masan Consumer tiếp cận được với mạng lưới các chuyên gia và cố vấn kinh doanh trên toàn cầu của mình.

Việc giữ được quyền kiểm soát và vẫn tiếp cận được với vốn tài trợ tăng trưởng rõ ràng là một lựa chọn về vốn rất hấp dẫn đối với các doanh nhân, nhưng trong những năm vừa qua hình thức vốn này đã trở nên rất khan hiếm ở Việt Nam. Thực tế là nhiều quỹ đầu tư vốn tư nhân đã tìm cách để thoái vốn khỏi thị trường Việt Nam thay vì đầu tư thêm.

Mặc dù vậy, trong vòng 6 tháng qua, có vẻ như dòng tiền vốn đầu tư tư nhân đã quay trở lại Việt Nam. Điển hình là KKR, một trong những công ty quản lý quỹ vốn tư nhân lớn nhất thế giới đã đầu tư thêm 200 triệu đô la Mỹ để nâng tỷ lệ sở hữu trong Masan Consumer, một trong những công ty hàng tiêu dùng đa dạng của Việt Nam.

Đáng chú ý hơn, TPG, một công ty quản lý quỹ vốn tư nhân toàn cầu hàng đầu khác, đã tổ chức hội nghị các nhà đầu tư thường niên tại Hà Nội, với gần 50 nhà đầu tư đại diện cho tổng số vốn quản lý lên đến hơn 1.000 tỷ đô la Mỹ.

Sự kiện này có tầm quan trọng lớn, bởi đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức bên ngoài nước Mỹ và cũng là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam có thể thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài.

Việc dòng vốn đầu tư tư nhân quay trở lại Việt Nam là một dấu hiệu rất tích cực hỗ trợ cho sự hồi phục của kinh tế Việt Nam, bởi nó sẽ cung cấp một nguồn vốn tài trợ tăng trưởng khác cho các công ty nội địa trong bối cảnh các ngân hàng tiếp tục thu hẹp quy mô hoạt động cho vay, đồng thời cho phép các công ty và cổ đông nội tiếp tục giữ được quyền kiểm soát hoạt động doanh nghiệp của mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG