Dấu hiệu cơn lốc giảm giá ô tô

Dấu hiệu cơn lốc giảm giá ô tô
TP - Một loạt động thái  về chính sách nhập khẩu, vài doanh nghiệp đang tích cực xúc tiến việc lắp ráp xe hơi Trung Quốc... cho thấy dấu hiệu của một “cơn lốc” giảm giá xe ô tô trong vài tháng tới.

Dấu hiệu cơn lốc giảm giá ô tô ảnh 1

Toyota Việt Nam đã đột phá giảm giá với dòng xe Innova đa dụng. Ảnh: Phạm Yên

Giảm giá ô tô - phản ứng dây chuyền!

Thị trường ô tô Việt Nam đang có những động thái cực kỳ có lợi cho người tiêu dùng. Hôm 10/2/2006, Cty ô tô Ford Việt Nam đã chính thức công bố sẽ giảm giá một số sản phẩm, các mẫu xe hơi được giảm giá sẽ là những sản phẩm cạnh tranh với các mẫu mà Toyota Việt Nam cũng vừa giảm giá.

Cùng thời điểm, liên doanh sản xuất ô tô Vidamco chuyên sản xuất các loại xe GM-Daewoo cũng đưa ra một chương trình khuyến mãi đặc biệt (áp dụng đến hết tháng 2/2006) cho 13 loại xe.

Trước đó, từ ngày 12/1/2006, Cty Toyota Việt Nam đã dội “bom” vào thị trường ô tô trong nước đang hồi ảm đạm khi tung ra dòng xe Innova đa dụng (8 chỗ ngồi) với sự đột phá về giá rất cạnh tranh trong thời điểm hiện nay (với mức 26.900USD/chiếc cho loại Z và 29.900USD cho loại G), thấp hơn giá dòng xe tương đương của hãng Mitsubishi (là Grandis) hơn 13.000 USD.

Và chỉ trong vòng 2 tuần sau khi tung ra dòng xe này, đã có 994 hợp đồng bán xe Innova khiến dòng xe này chiếm đến 63,5% lượng xe bán ra trong tháng 1/2006 của Toyota Việt Nam. Và chính Innova đã làm cho lượng xe bán ra của 10 thành viên còn lại thuộc VAMA tụt hẳn một cách đáng ngại.

Có thể xem động thái giảm giá xe thực tế (thông qua Innova) của Toyota Việt Nam là một gáo nước lạnh dội vào sự “cứng đầu” của các thành viên còn lại thuộc VAMA khi họ vẫn chưa có dấu hiệu “cầu thị” đối với người tiêu dùng!

Tiếp đó, ngay vào ngày cận Tết Bính Tuất, Toyota Việt Nam tiếp tục kích nổ cho phản ứng dây chuyền  về giảm giá xe khi quyết định giảm giá bán lẻ 3 dòng xe thông dụng của mình là Zace, Corolla Altis và Vios từ 1.800 USD đến 3.000 USD /chiếc.

Theo giới kinh doanh ôtô, trong vòng 2 tuần tới, VAMA sẽ công bố bảng giá bán lẻ ô tô cho năm 2006 của tất cả các thành viên. Và “phản ứng dây chuyền” giảm giá (dù chút ít thôi) là tất yếu.

“Cơn lốc” giảm giá chỉ còn tính bằng tháng?

Bằng Nghị định 12/2006/NĐ-CP (ký ngày 23/1/2006) về Cơ chế điều hành xuất nhập khẩu mới, có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2006, Chính phủ đã bãi bỏ quy định cấm nhập khẩu xe ô tô các loại đã qua sử dụng.

Thay vào đó, ô tô các loại đã qua sử dụng được nhập khẩu chỉ phải bảo đảm điều kiện là: đã qua sử dụng không quá 5 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu (khoản 3, điều 10 NĐ 12/2006/NĐ-CP).

Theo một nguồn tin riêng đáng tin cậy, mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với loại xe hơi cũ này sẽ là 135% (tức gấp rưỡi so với thuế suất thuế nhập khẩu xe mới nguyên chiếc hiện hành là 90%).

Thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng xe cũ được áp dụng như đối với xe mới nhập khẩu. Đây là một sức ép khiến xe ô tô sản xuất trong nước buộc phải giảm giá bán để có thể cạnh tranh và tồn tại.

Thêm một dấu hiệu nữa như một  sự “cộng hưởng gió” để thành “cơn lốc” giảm giá xe hơi - đó là việc  xe hơi Trung Quốc giá rẻ đổ bộ vào thị trường Việt Nam, khi những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang tích cực xúc tiến các thủ tục cần thiết cho việc tung ra thị trường những chiếc xe ô tô du lịch Trung Quốc có kiểu dáng sang trọng, hiện đại, nhưng có giá bán hết sức cạnh tranh.

Một vài kiểu dáng xe hơi do Trung Quốc sản xuất (loại nhằm vào thị trường châu Âu) đang được lắp ráp với giá bán dự kiến dưới 20.000 USD.

Các doanh nghiệp lắp ráp trong nước tỏ ra hy vọng, cũng giống như “cơn bão” xe máy Trung Quốc năm bảy năm trước đây, ô tô Trung Quốc với mẫu mã hiện đại, giá cả lại rất cạnh tranh sẽ nhanh chóng chiếm được chỗ đứng trên thị trường Việt Nam.

Tháng 1/2006 của 11 thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) chỉ bán được vẻn vẹn 1.517 xe, chỉ bằng 35,1% so với tháng 12/2005 (4.318 xe) và bằng 64% tháng 1/2005 (2.370 xe).

Dù cho suốt cả tuần cuối tháng 11/2005, VAMA đã liên tục dọa bằng văn bản rằng: Năm 2006 họ không giảm giá ô tô mà còn tăng.

Người tiêu dùng “nhịn” nhu cầu mua xe vì ngoài nguyên nhân chờ đợi giá xe giảm, còn vì tâm lý khi mua một chiếc xe giá đắt hơn thực tế rất nhiều là đã bị nhà sản xuất coi thường  đã khiến cho lượng xe bán ra của VAMA tụt dốc.

Để đối phó với sự xuất hiện ồ ạt của xe hơi Trung Quốc, chắc chắn các liên doanh sản xuất ô tô trong nước không còn cách nào khác là phải giảm giá bán và liên tục đổi mới  mẫu mã xe. Và người tiêu dùng sẽ được lợi. Theo thông tin chính thức, Bộ Công nghiệp hoàn toàn ủng hộ việc này.

Tất nhiên,  mở cửa cho xe hơi giá rẻ Trung Quốc vào cũng đồng nghĩa với việc “rước theo” nguy cơ ách tắc giao thông trầm trọng lên. Song, các chuyên gia kinh tế vĩ mô và các nhà hoạch định chính sách cũng lập luận: phải nhìn xa hơn một chút, chẳng có chính sách nào không có mặt trái, tăng trưởng ô tô không phải là ngoại lệ.

Có điều, chỉ khi có sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường ô tô thì các nhà đầu tư tư nhân mới tính đến việc bỏ vốn làm đường để tự thu phí, thay vì chỉ trông chờ vào vốn ngân sách như hiện nay.

Và, sự tăng trưởng của thị trường ô tô đủ ngưỡng mới kích thích sự phát triển  của nhiều ngành dịch vụ khác trong xã hội liên quan đến ô tô, nhờ thế giải quyết việc làm, thu nhập và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của cả nước.

Chính vì vậy, cơn lốc giảm giá ô tô đồng loạt trên thị trường Việt Nam chỉ còn tính bằng tháng! 

MỚI - NÓNG