Đầu tư 2012: dấu ấn xứ hoa anh đào

Công nhân trong dây chuyền một công ty Nhật Bản tại khu chế xuất Tân Thuận.
Công nhân trong dây chuyền một công ty Nhật Bản tại khu chế xuất Tân Thuận.
Không chỉ chiếm tới 90% vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam quý 1, doanh nghiệp Nhật còn mở rộng nhà máy sản xuất, đẩy mạnh mua bán sáp nhập (M&A) với công ty trong nước để mở rộng thị trường.

> Cú hích trở lại suy thoái?

Trong bốn hãng bia lớn đăng ký làm cổ đông chiến lược của tổng công ty Bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thì có hai đến từ Nhật: Kirin Brewery – hãng đồ uống lớn nhất của Nhật vốn đã đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam hai năm nay; và Asahi Breweries, một hãng khác có lợi thế về sản xuất rượu mạnh. Họ đã nối dài danh sách các công ty Nhật muốn vào Việt Nam thông qua lợi thế của các công ty trong nước.

Nhỏ, lớn cùng vào Việt Nam

Thị trường hàng tiêu dùng vẫn tiếp tục là đích ngắm của người Nhật. Tập đoàn Nichirei chi hơn 6 triệu đôla Mỹ để nắm 19% cổ phần của Cholimex. Hãng bánh kẹo Ezaki Glico nắm 10,5% vốn điều lệ của Kinh Đô. House Food mở chi nhánh chuẩn bị kinh doanh thực phẩm đóng gói từ năm 2013…

Hãng bán lẻ lớn nhất châu Á Aeon cũng chính thức công bố giấy phép đầu tư 109 triệu đôla Mỹ cho trung tâm mua sắm đầu tiên tại TP.HCM, sẽ hoạt động năm 2014.

Ông Nishitohge Yasuo, tổng giám đốc Aeon Việt Nam khẳng định: “Nhận thức được tiềm lực phát triển kinh tế cũng như sự tăng trưởng tiêu dùng của thị trường Việt Nam, chúng tôi không ngần ngại quyết định đầu tư”.

Trước công bố này, Aeon đã cung cấp các dịch vụ tài chính tiêu dùng, kết hợp với đối tác trong nước thiết lập các cửa hàng tiện lợi và nhượng quyền thương hiệu.

Theo báo cáo M&A khu vực châu Á – Thái Bình Dương (trừ Nhật) của Thomson Reuters, giá trị M&A tại Việt Nam quý 1 đạt 1,5 tỉ đôla Mỹ. Thị trường M&A khu vực đạt 82,7 tỉ đôla Mỹ, giảm 38% nhưng riêng Việt Nam tăng trưởng về giá trị 270%, trong đó có sự góp phần đáng kể của người Nhật và dự báo sẽ mạnh hơn nữa thời gian tới.

Năm 2011, Nhật Bản dẫn đầu thị trường M&A Việt Nam với 14 thương vụ thì xu hướng này tiếp tục năm nay. Quỹ DIAIF mua 31% cổ phần của công ty phân phối thiết bị y tế JVC, Tama Global Investment mua 20% cổ phần CotecLand.

Người Nhật cũng nhắm vào những công ty nhỏ nhưng có tiềm năng: Kmix mua 45% cổ phần Huy Bảo, Veglia Laboratories mua 20% cổ phần Viet Esco, quỹ đầu tư Cyber Agent mua cổ phần Tiki, NCT…

Đầu tư tăng, thuế giảm

Theo tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật (JETRO), năm 2011 số dự án FDI của Nhật vào Việt Nam tăng gấp hai năm trước với 208 dự án có tổng vốn 1,84 tỉ đôla Mỹ.

Nhưng trong quý 1 này, vốn Nhật vào Việt Nam đã đạt 2,3 tỉ, chiếm 89% tổng vốn FDI và dẫn đầu 26 quốc gia có đầu tư vào Việt Nam.

Những dự án có vốn lớn đều đến từ Nhật như khu đô thị Tokyu Bình Dương, nhà máy sản xuất lốp xe Bridgestone Hải Phòng, Oshima Shipbuilding Khánh Hoà, Shimizu Corp hợp tác với N&G phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, Sumitomo mở nhà xưởng tại khu công nghiệp Thăng Long hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ Nhật…

Những công ty công nghiệp cũng công bố mở nhà máy trong quý 1 như JS Group xây nhà máy sản xuất khung cửa, Tamron sản xuất ống kính, Nippon Oil làm dầu nhờn, MES sản xuất kết cấu sắt thép và cầu, Shin-Etsu với tái chế đất hiếm và sản xuất vật liệu silicon…

Song song với vốn FDI, Nhật còn là nhà tài trợ ODA cho Việt Nam lớn nhất trong 20 năm qua, lên đến 21 tỉ đôla Mỹ, đang tạo ra lợi thế lớn cho các công ty Nhật khi vào Việt Nam.

Một nguồn vốn ODA 1,6 tỉ đôla được Nhật ký cam kết hôm 30.3 hỗ trợ cho các dự án quan trọng như tín dụng hỗ trợ giảm nghèo, phát triển bệnh viện địa phương, hạ tầng giao thông và cải thiện môi trường nước…

Nhật cũng nhắm vào các dự án hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp khi tài trợ 34 triệu đôla cho tổng cục Hải quan triển khai hệ thống thông quan điện tử theo công nghệ hải quan Nhật.

Những con số trên đã định lượng được kết quả xúc tiến đầu tư của Nhật năm 2011 với hầu hết các địa phương về việc mở khu công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp Nhật tìm địa điểm mở nhà máy tại Việt Nam.

Các tổ chức Nhật đã mở nhiều hoạt động trong suốt năm để hỗ trợ doanh nghiệp trước áp lực dịch chuyển nhà máy ra nước ngoài vì rủi ro thiên tai, chi phí lao động trong nước tăng cao, đồng thời nhiều doanh nghiệp Nhật giảm đầu tư tập trung sau ảnh hưởng nặng của cơn lũ Thái Lan.

Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật (JICA) còn có nguồn quỹ hỗ trợ các khu công nghiệp Việt Nam nâng cấp hạ tầng phù hợp với doanh nghiệp Nhật, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều hỗ trợ với lãi suất ưu đãi bằng đồng yen.

Một trong những điểm mới được xem là chất xúc tác quan trọng cho đầu tư thương mại hai nước là theo cam kết trong hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2012 – 2015, nhiều sản phẩm xuất nhập khẩu giữa hai nước sẽ được giảm thuế kể từ ngày 1.4 này.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Nhật đang có sẵn các lợi thế khi làm ăn với Việt Nam nhờ vào các cam kết của Chính phủ Nhật lẫn sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ từ Nhật.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.