Đầu tư 30.000 tỷ xóa ùn tắc cửa ngõ Sân bay Tân Sơn Nhất

Khu vực ga quốc nội Sân bay Tân Sơn Nhất luôn dày đặc xe ra vào.
Khu vực ga quốc nội Sân bay Tân Sơn Nhất luôn dày đặc xe ra vào.
TP.HCM sẽ đầu tư hơn 30 nghìn tỷ đồng triển khai nhiều dự án cầu vượt, mở rộng đường, xây đường trên cao.

Để giải quyết nạn ùn tắc giao thông đang diễn ra nghiêm trọng ở cửa ngõ ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM sẽ đầu tư hơn 30 nghìn tỷ đồng triển khai nhiều dự án cầu vượt, mở rộng đường, xây đường trên cao.

Khổ vì ùn tắc cửa ngõ sân bay

Hơn một tháng nay, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra rất nghiêm trọng ở khu vực cửa ngõ Sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt sau mỗi trận mưa lớn. Đơn cử trận mưa cuối tháng 8 vừa qua, nhiều tuyến đường như: Hồng Hà, Bạch Đằng, khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ ngập nặng, kéo theo đường Trường Sơn - trục chính ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất ùn tắc kéo dài.

Ông Phạm Văn Hiền, nhân viên bảo vệ trường Nhân lực Quốc tế (số 6, Phan Đình Giót, Q. Tân Bình) chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng chứng kiến nạn kẹt xe ở đây. Chỉ cần có vụ va chạm nhỏ là cả tuyến đường kẹt cứng. Nhiều người phải bỏ ô tô đi bộ vào sân bay vì sợ trễ giờ. Theo tôi, ùn tắc là do người dân lưu thông từ đường Phạm Văn Đồng đổ ra đường Hồng Hà, Bạch Đằng, Phổ Quang… quá nhiều”. 

Anh Nguyễn Thanh Hải, tài xế taxi Vinasun 10 năm chở khách ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất lại cho rằng, ùn tắc là do xung đột giữa các phương tiện khi quá đông. Từ khi đường Phạm Văn Đồng hoàn thành, lượng người lưu thông về hướng Vòng xoay Lăng Cha Cả, Cộng Hòa, Trường Chinh (Q. Tân Bình) tăng đột biến. Trong khi đó, đường Trần Quốc Hoàn dù có mở rộng thêm làn cũng không giải quyết hết được.

Đầu tư nhiều dự án lớn kéo giảm ùn tắc

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, công suất khai thác của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất lên đến 26,5 triệu hành khách/năm, đã vượt quy hoạch. Dự báo trong năm 2016 sẽ đạt trên 30 triệu lượt hành khách. Bên cạnh đó, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất nằm sâu trong nội thành, chỉ có một lối ra vào duy nhất nằm trên đường Trường Sơn. Luồng xe ra vào sân bay sử dụng chung với các luồng giao thông đô thị khác.

“Hơn nữa, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối ra vào CHK đầu tư chưa hoàn chỉnh, chưa có hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn nên các tuyến đường dẫn vào sân bay đang quá tải, ùn ứ giao thông xảy ra thường xuyên, nhất là vào các giờ cao điểm”, ông Cường nói và cho biết, TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án giao thông ưu tiên cấp bách để kéo giảm ùn tắc khu vực CHK quốc tế Tân Sơn Nhất như: Xây dựng cầu vượt nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài với tổng mức đầu tư hơn 771 tỷ đồng; Mở rộng đường Hoàng Minh Giám, Hoàng Hoa Thám, cải tạo đường Cộng Hòa với tổng số vốn gần 600 tỷ đồng. Xây cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm vốn đầu tư dự kiến hơn 504 tỷ đồng.

"Để có vốn đầu tư, CII sẽ huy động vốn qua liên kết với các công ty có tiềm lực mạnh về tài chính, đồng thời sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng và có thể phát hành trái phiếu công trình. Sau khi dự án hoàn thành, người dân sẽ có thêm lựa chọn cho việc di chuyển ra Sân bay Tân Sơn Nhất, khắc phục triệt để tình trạng ùn tắc tại khu vực này."

Ông Lê Quốc Bình

Tổng giám đốc CII

Theo Sở GTVT, để sớm triển khai các dự án này, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế thực hiện công trình theo lệnh khẩn cấp, chỉ định thầu đối với các gói thầu để rút ngắn thủ tục, khởi công sớm nhất.


Ngoài ra, nhóm các dự án xung quanh khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã có chủ trương đầu tư và quy hoạch được UBND TP duyệt gồm: Xây cầu vượt bằng thép tại nút giao Trường Chinh - Cộng Hòa với vốn dự kiến 267 tỷ đồng; Mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý khoảng 657 tỷ đồng (trong đó GPMB chiếm 561 tỷ đồng); Mở rộng đường Trường Chinh với vốn đầu tư 2.049 tỷ đồng (trong đó GPMB là 1.771 tỷ đồng).

Mới đây nhất, một dự án rất lớn khác có vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng xây dựng hệ thống đường trên cao dài hơn 5.000m và rộng 7,5-12,5m, cũng được liên danh Tổng công ty 319, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại, sản xuất, xây dựng Đông Mêkông và Công ty CP Hạ tầng Đông Á đề xuất xây dựng theo hình thức PPP. Trong đó, cầu chính dài 2.665m từ đường Trường Sơn (sau ngã ba đường Cửu Long) đi vào sân ga, tạo thành một trục đường trên cao nối nhà ga quốc tế (T2) qua nhà ga quốc nội (T1) và nối đến nhà ga dự kiến xây dựng (T3).

Dự án này sẽ được kết nối với tuyến đường trên cao số 1 do Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) đề xuất dài 9,5 km nối Sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP.HCM. Khi các tuyến đường này được đầu tư, đưa vào khai thác sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc tại Sân bay Tân Sơn Nhất.

Trao đổi với PV Báo Giao thông ngày 8/9, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết, hiện dự án đã có chủ trương đầu tư và quy hoạch được duyệt. Theo tính toán của CII, tổng số vốn đầu tư cho dự án này dự kiến 15-16 nghìn tỷ đồng (bao gồm chi phí GPMB). Hình thức đề xuất đầu tư là BOT. CII đang nghiên cứu khảo sát thiết kế, sau đó sẽ đưa ra phương án cụ thể. Dự kiến năm 2017, sẽ khởi công và hoàn thành sau ba năm xây dựng nếu có mặt bằng.


Theo Theo Báo Giao thông
MỚI - NÓNG