Công trình nước sạch ở Đăk Nông:

Đầu tư lấy được

Đầu tư lấy được
TP - Mỗi công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đều có giá từ trên 500 triệu đồng đến hơn một tỷ đồng, nhưng nhiều chủ đầu tư ở tỉnh Đăk Nông lại đầu tư cho lấy được, khiến gần trăm công trình hư hỏng, bỏ hoang, hoặc chỉ có thể hoạt động cầm chừng.
Việc bàn giao công trình hời hợt, thiếu các lớp tập huấn về kỹ năng quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình cho đơn vị tiếp quản công trình cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều công trình cấp nước sinh hoạt bị chết yểu.

Công trình cấp nước sinh hoạt buôn Ting Wel Đăm (xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa) thiết kế sử dụng điện ba pha, nhưng khi hoàn thành lại dùng máy phát điện chạy dầu diesel.

Vào thời điểm giá dầu tăng cao, dân muốn sử dụng một mét khối nước phải nộp đến 10.000 đồng tiền mua dầu. So đi tính lại, dân buôn Ting Wel Đăm quyết định ra suối cõng nước, để dành tiền đi chợ. Công trình cấp nước của buôn vì vậy phải đóng cửa, lâu ngày mục nát.

Cạnh buôn Ting Wel Đăm, công trình cấp nước sinh hoạt của buôn N’Jiêng có điện lưới nhưng lại không có nước. Ông trưởng buôn N’Jiêng cho biết, ban đầu đơn vị thi công khoan giếng hơi nhỏ nên không đủ nước để bơm, họ bèn khoan sâu xuống làm thủng luôn tầng đá giữ nước khiến túi nước ngầm bị hút hết xuống dưới, bây giờ giếng nước cạn khô không còn một giọt.

Trong xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa, công trình cấp nước của thôn Nghĩa Thuận được thi công đàng hoàng nhất, có đầy đủ điện nước. Nhưng người quản lý công trình này lại lợi dụng chân bồn nước phía trên giếng nước để rào lại làm chuồng nuôi dê.

Trong số gần 100 công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng ở Đăk Nông, có 16 công trình thuộc dự án DANIDA, 22 công trình do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư, 51 công trình do UBND các huyện thị thuộc tỉnh Đăk Nông làm chủ đầu tư.

Những hộ dân thôn Nghĩa Thuận cực chẳng đã mới dùng nước của công trình bởi sợ sự ô nhiễm từ nguồn phân và nước thải của dê.

Sau khi công trình cấp nước sinh hoạt ở buôn Ol (xã Đăk Rồ, huyện Krông Nô) hoàn thành, chủ thầu ghé vào nhà trưởng thôn đưa cho ông này chiếc chìa khóa của công trình rồi lặng lẽ rút quân.

Ông trưởng thôn gãi đầu gãi tai rồi cất chiếc chìa khóa vào trong tủ vì không biết cách vận hành công trình thế nào. Con nít trong thôn nghịch ngợm đào đường ống dẫn nước của công trình để bán nhôm nhựa. Vậy là công trình trị giá nửa tỷ đồng không còn khả năng phát huy tác dụng.

Công trình cấp nước sinh hoạt của buôn Bu Dấp (xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’lấp) được xây dựng và vận hành tốt. Nhưng dân buôn Bu Dấp không kịp thời đóng tiền để ban quản lý công trình nộp cho ngành điện lực.

Thế là ông nhà đèn cắt ngay cầu dao của công trình này. Người Bu Dấp lại phải cõng nước suối về dùng, công trình trị giá nửa tỷ đồng đắp chiếu.

Không ai chịu trách nhiệm

Theo đợt khảo sát mới đây của Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Tỉnh Đăk Nông, trong số 179 công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng ở tỉnh này, có tới 54 công trình hư hỏng ngay sau khi hoàn thành hoặc chỉ vận hành được hơn một năm, 42 công trình không thể hoạt động liên tục và cần sửa chữa lớn, gây lãng phí khoảng 50 tỷ đồng.

Ngoài những nguyên nhân tiêu biểu khiến công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng như nêu trên, còn có rất nhiều nguyên nhân chủ quan khác như chủ đầu tư không khảo sát kỹ nhu cầu của nhân dân dẫn đến nhiều nơi không cần có công trình cung cấp nước sinh hoạt nhưng vẫn được xây dựng.

Việc khảo sát, lấy mẫu nước được chủ đầu tư giao luôn cho nhà thầu, nhà thầu muốn có công trình nên chỉ khảo sát qua loa, làm lấy được. Nhiều đơn vị thầu thi công ẩu như  biến ống nước và máy bơm thành cột thu lôi khiến sét đánh cháy cả máy bơm và hỏng cả hệ thống điện.

Nhà thầu rút ruột công trình, không lắp đủ trang thiết bị, đường ống chôn không đủ độ sâu dẫn đến hư hỏng. Chủ đầu tư còn thiếu trách nhiệm khi nhiều công trình hư hỏng ngay trong thời gian bảo hành nhưng không yêu cầu nhà thầu khắc phục. 

MỚI - NÓNG