Đầu tư nước ngoài tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước

Đầu tư nước ngoài tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước
Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) trong 3 tháng đầu năm đã đạt kết quả có thể nói “trên cả sự khởi sắc”. Những tín hiệu vui đang đến với ĐTNN tại Việt Nam. 
Đầu tư nước ngoài tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước ảnh 1
Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong 3 tháng đầu năm cả nước có thêm 109 dự án mới được cấp giấy phép, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,31 tỷ USD. Tuy số dự án giảm 9%, nhưng vốn đầu tư đăng ký lại tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 72 dự án cũ được bổ sung vốn, với tổng vốn tăng thêm là 422 triệu USD, gấp 2 lần về số dự án và tăng 43% về số vốn so với cùng kỳ năm trước. Nghĩa là, cả vốn mới cấp phép lẫn vốn mới được bổ sung trong 3 tháng qua đạt 1,732 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với quý I năm 2004. Đây là mức kỷ lục trong 10 năm nay.

Hiện đã xuất hiện nhiều động thái mới, thể hiện sự chuyển đổi cơ cấu và quy mô đầu tư. Cụ thể: Trong cấp phép mới, tỷ trọng vốn đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ đã tăng lên, chiếm tới 66% tổng số vốn đăng ký, mà tiêu biểu là Dự án Hợp doanh điện thoại di động CDMA, có vốn đăng ký gần 656 triệu USD. Quy mô đầu tư đã đạt tới 12 triệu USD/dự án, cao gấp nhiều lần so với quy mô trung bình của những năm trước.

Thị trường vốn đầu tư cũng có sự chuyển dịch, khu vực châu Âu đã vươn lên chiếm tới 64,8% tổng vốn cấp phép mới. Trong thu hút vốn đầu tư, Hà Nội đã vươn lên tạm dẫn đầu cả nước, chiếm 62,9% tổng số vốn cấp phép mới. Điều này phản ánh môi trường đầu tư Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn, nhất là đối với nhiều tập đoàn xuyên quốc gia.

Nhưng vấn đề bức xúc hiện nay đối với khu vực doanh nghiệp có vốn ĐTNN vẫn là tình hình sản xuất - kinh doanh và tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã được cấp phép hoặc bổ sung vốn.

Tổng vốn đầu tư được đưa vào thực hiện trong 3 tháng đầu năm 2005 mới đạt khoảng 692 triệu USD, chỉ tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 15% của quý I năm 2004. Việc triển khai thực hiện các dự án đã được cấp phép còn quá chậm, nếu tình hình này không được cải thiện sớm thì mục tiêu thực hiện trên 3,1 tỷ USD trong năm 2005 sẽ khó trở thành hiện thực.

Tổng doanh thu của khu vực doanh nghiệp này trong quý I mới đạt khoảng 4,1 tỷ USD (không kể dầu thô), tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, rất thấp so với mức tăng 18% của quý I năm 2004. Kim ngạch xuất khẩu cũng mới đạt 2,194 tỷ USD (không kể dầu thô), tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước, giảm đáng kể so với mức tăng 26% ở quý I năm 2004. Sự giảm sút về tốc độ tăng trưởng sản xuất - kinh doanh là điều đáng cảnh báo.

Trước mắt đây vẫn là thách thức trong việc hoàn thành 2 mục tiêu đã đề ra là cả năm: Thu hút ít nhất 4,5 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký mới và thực hiện ít nhất 3,1 tỷ USD.

Đến nay cả nước hiện có 5.262 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 47,7 tỷ USD, trong đó đã thực hiện được trên 26 tỷ USD. Vốn đăng ký, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 57,8%ù, lĩnh vực dịch vụ chiếm 34,8%, còn lại là lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp.

MỚI - NÓNG