Đầu tư ra nước ngoài – Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Đầu tư ra nước ngoài – Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?
Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa thị trường, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam gần đây đang có xu hướng gia tăng. 

Không chỉ tăng trưởng nhanh chóng ở các thị trường truyền thống  mà còn mở rộng sang các quốc gia ở châu Mỹ La - tinh, châu Phi, châu Âu… Vậy, điều gì hấp dẫn các doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài trong giai đoạn hiện nay? 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Vũ Văn Chung – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh vấn đề này.

Vừa qua, hàng loạt các kế hoạch đầu tư quy mô lớn tại nhiều quốc gia liên tiếp được nhiều nhà đầu tư Việt Nam triển khai. Vậy, theo ông, điều gì hấp dẫn các nhà đầu tư Việt đầu tư ra nước ngoài trong giai đoạn hiện nay?

Có thể nói, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đã có sự tăng trưởng rất nhanh về quy mô vốn,  số lượng dự án,  lĩnh vực đầu tư cũng như địa bàn đầu tư. Để đạt được những kết quả này, chúng tôi cho rằng xuất phát từ những lý do sau:

Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam thời gian qua đã có sự tăng trưởng, phát triển nhanh, liên tục, điều này đòi hỏi chúng ta cần phải mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm thêm những nguồn lực mới, phục vụ cho mục tiêu phát triển của đất nước.

Thứ hai, trong những năm vừa qua, số lượng doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài tăng cao cả về quy mô và phạm vi hoạt động. Điều này cũng đặt ra nhu cầu tất yếu của doanh nghiệp phải vươn ra thị trường nước ngoài để mở rộng phạm vi hoạt động của mình.

Thứ ba, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, điều này sẽ thúc đẩy hoạt động dịch chuyển dòng vốn được tốt hơn và hiệu quả hơn, bao gồm cả hoạt động đầu tư vào Việt Nam và hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Thứ tư, thời gian qua, hệ thống pháp luật và chính sách đầu tư ra nước ngoài ngày càng được hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp.

Thứ năm, một số quốc gia, đặt biệt các quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam thời gian qua đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó, có các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường này.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, thị trường nội địa Việt Nam hiện nay dường như đang còn bỏ ngỏ, trong khi đó, các doanh nghiệp Việt lại ồ ạt đầu tư ra nước ngoài với những dự án lớn. Quan điểm của ông như thế nào về nhận định này?

Có thể khẳng định, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với định hướng đầu tư của Chính phủ Việt Nam. Điều này thể hiện ở chỗ, chúng ta đầu tư cái chúng ta cần. Mặt khác, đầu tư ra nước ngoài là quy luật khách quan trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất của các nhà đầu tư trong nước. 

Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư sẽ không bao giờ quên thị trường trong nước trừ khi các lĩnh vực đó đó bão hòa hoặc không thuận lợi hơn so với hoạt động đầu tư ở nước ngoài. 

Thực tế, có một số trường hợp, có những ngành, lĩnh vực ở Việt Nam chúng ta không cạnh tranh được nhưng ra nước ngoài chúng ta lại phát có thể phát triển được. Đây cũng là một cái thế để cho doanh nghiệp Việt có cơ hội mở rộng hoạt động đầu tư ra bên ngoài hơn là ở thị trường trong nước.

Trong bối cảnh hiện nay không ít trường hợp lập dự án ảo để hợp pháp hóa việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài nhằm các mục đích khác nhau. Vậy nên chăng, chúng ta cần phải có quy định chặt chẽ để quản lý, kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, thưa ông?

Luật Đầu tư 2014 đã có những quy định thuận lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, luật cũng có những điều kiện rất chặt chẽ để đảm bảo cho việc quản lý dòng vốn đầu tư được hiệu quả và đúng mục đích.

Luật Đầu tư quy định rất rõ, Chính phủ, Nhà nước chỉ khuyến khích đầu tư ra nước ngoài đối với một số lĩnh vực phục vụ cho mục tiêu mở rộng thị trường, xuất khẩu hàng hóa, tăng khả năng thu ngoại tệ, tiếp cận khoa học công nghệ cũng như nâng cao năng lực quản lý, phục vụ cho mục tiêu phát triển của đất nước. Điều này có nghĩa là, Việt Nam chưa thực hiện tự do hóa dòng vốn mà chỉ khuyến đầu tư vào những ngành, lĩnh vực phục vụ cho mục tiêu phát triển của đất nước.

Mặt khác, nhà đầu tư Việt Nam muốn đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký để được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với các nội dung, mục tiêu, điều kiện cụ thể. 

Riêng đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước, ngoài việc tuân thủ các quy định chung của Luật Đầu tư 2014 còn phải đáp ứng các điều kiện quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc quản lý dòng ngoại tệ đầu tư ra nước ngoài cũng được tiến hành một cách chặt chẽ. Nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và phải đăng ký các thủ tục chuyển tiền với Ngân hàng Nhà nước và chỉ sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho hoạt động đó thì nhà đầu tư mới được thực hiện các dự án đầu tư ra nước ngoài. 

Mặt khác, hoạt động chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài, từ nước ngoài về Việt Nam được thực hiện qua một tài khoản duy nhất của tổ chức tín dụng được lập tại Việt Nam, dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Có ý kiến cho rằng, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam hiện còn khiêm tốn, chưa tương xứng, đặc biệt là hiệu quả vốn đầu tư chưa cao, thậm chí, nhiều dự án không triển khai được hoặc chấm dứt trước hạn. Ông nghĩ sao, thưa ông?

Tôi cho rằng, với nền kinh tế, quy mô còn nhỏ và chúng ta đang phải ưu tiên nguồn lực để phát triển trong nước thì việc đầu tư ra nước ngoài, lũy kế đến thời điểm hiện nay, đầu tư ra nước ngoài đạt trên 20 tỷ USD, tôi cho rằng phù hợp, không phải quá khiêm tốn.

Về hiệu quả đầu tư, chúng ta cần phải nhìn nhận một cách tổng thể. Thực tế, một số dự án đã đi vào hoạt động, có lợi nhuận để chuyển về nước và rất nhiều dự án đang triển khai và đi vào hoạt động vào những năm tới. 

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài góp phần mở rộng thị trường, phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao năng lực quản lý, học hỏi khoa học công nghệ, đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia, trong đó, có cả vấn đề an ninh, quốc phòng.

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. 

Chương trình sẽ được phát sóng vào 08h55’ Thứ Bảy ngày 19/9/2015 và phát lại vào 14h00’ Chủ nhật 20/9/2015  trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website:http://kinhdoanhvaphapluat.com/

MỚI - NÓNG