Đầu tư ra nước ngoài không dễ

Đầu tư ra nước ngoài không dễ
Không ít doanh nghiệp Việt Nam đã tìm ra những cơ hội làm ăn ở nước ngoài, đem lợi nhuận về cho đất nước. Tuy nhiên, họ gặp không ít khó khăn cả ở trong và ngoài nước.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án đầu tiên của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài là vào năm 1989 với số vốn 563.380 triệu Đôla Mỹ nhưng đáng tiếc dự án này đã không được thực hiện. 

Từ thời điểm năm 1989 - 1998, mỗi năm có vài ba dự án, năm nhiều nhất có năm dự án (1993) đầu tư ra nước ngoài nhưng vốn thực hiện còn thấp, có năm không giải ngân được đồng nào. 

Kể từ năm 1999, khi Chính phủ ban hành Nghị định 22 về một số biện pháp khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có sự tăng trưởng ổn định. Năm 1999 có 10 dự án, năm 2000 tăng lên 15 dự án và tăng trưởng đều đặn về số lượng dự án kể từ đó đến nay. 

Tuy nhiên, cũng thống kê của bộ cho thấy, số vốn đầu tư thực hiện thấp hơn nhiều so với vốn đăng ký và vốn pháp định. Ví dụ, năm 2002 có tới 15 dự án được cấp phép ra nước ngoài với số vốn đăng ký 151,8 triệu Đôla Mỹ, vốn pháp định 134,5 triệu Đôla Mỹ nhưng vốn thực hiện chỉ đạt 1,7 triệu Đôla Mỹ. 

Trong danh sách 127 dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam còn hiệu lực tính từ thời điểm năm 1989 đến ngày 30/6/2005, tổng số vốn đầu tư đăng ký là 296,8 triệu Đôla Mỹ, vốn pháp định 263,1 triệu Đôla Mỹ nhưng vốn thực hiện chỉ đạt 12,6 triệu Đôla Mỹ. 

Cũng có thể nhiều doanh nghiệp sử dụng biện pháp lấy dự án nuôi dự án. 

Một quan chức của Cục Đầu tư nước ngoài nói rằng, một trong những nguyên nhân khiến dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, nhất là dự án do các doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư, khó thực hiện được trọn vẹn là do các dự án này được thành lập nhằm thực hiện cam kết của chính phủ hai nước. 

Nhưng khi tình hình quốc tế thay đổi, những ưu đãi trước đây cho việc thực hiện dự án không còn, việc kinh doanh không thuận lợi như trước nên việc không thực hiện được dự án cũng dễ hiểu. Trường hợp Iraq là một thí dụ. 

Thế mạnh của các doanh nghiệp tư nhân so với doanh nghiệp nhà nước là ở chỗ thích nghi nhanh chóng với tình hình mới. Tuy nhiên, vẫn theo quan chức này, các hiệp định song phương ký giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ một nước nào đó thường không được công bố, nhất là những ưu đãi mà hai chính phủ dành cho nhau, thành ra công việc của bộ nào do bộ nấy lo và chỉ định luôn doanh nghiệp của bộ đó thực hiện. Như vậy, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khó có cơ hội tham gia.

Với mức vốn bé nhỏ, theo ông Nguyễn Quang Tùng, chuyên viên Phòng Tổng hợp chính sách, Cục Đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp khi thực hiện dự án phải sử dụng vốn vay. Nhưng Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định 22 đã hạn chế khả năng này. Thông tư này yêu cầu các doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài chỉ được huy động vốn tự có để đầu tư, doanh nghiệp chỉ được sử dụng vốn vay đầu tư ra nước ngoài nếu có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. 

“Quy định này rõ ràng đã hạn chế rất nhiều khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh”, ông Tùng nói.

Với quy định như vậy, theo ông Tùng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng không dễ gì đầu tư ở Campuchia và xuất khẩu sang Mỹ để tránh bị áp đặt hạn ngạch. Việc chuyển tiền của doanh nghiệp ra nước ngoài đầu tư, theo ông Tùng, cũng được ngành ngân hàng “soi” rất kỹ và dường như ngân hàng nào cũng muốn đòi hỏi các doanh nghiệp này trước khi ra nước ngoài làm ăn hãy đầu tư tốt ở trong nước trước đã.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhìn ra những hạn chế này ở Nghị định 22 và cuối năm ngoái đã trình Chính phủ bản đề nghị sửa đổi. Tuy nhiên, hiện bộ đang xây dựng một luật đầu tư chung và toàn bộ nội dung đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở thành một chương trong luật. 

Cần một chiến lược

Các quan chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận hiện nay chúng ta chưa có được một kế hoạch tổng thể xây dựng chiến lược đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam và việc đầu tư này nhìn chung còn dựa trên mối quan hệ giữa các chính phủ hoặc các địa phương. 

“Nếu các cơ quan quản lý nhà nước có quan tâm đến việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp thì dường như sự quan tâm ấy là vào một dự án cụ thể và có những chính sách cho dự án cụ thể ấy mà thôi”, ông Tùng nói thêm. 

Hiện có 30 quốc gia có các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam nhưng những quy định tương đối chặt về nhập cảnh của một số nước đã hạn chế khả năng đưa công nhân kỹ thuật của Việt Nam đến làm việc tại đó, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, nhà hàng. 

Theo ông Tùng, tại các nước Đông Bắc Á, trong đó có Nhật, việc đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng ở việc xây dựng một số nhà hàng, quán ăn nhưng cũng rất khó khăn trong việc xin visa nhập cảnh, giấy phép làm việc cho cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật.

“Đã có nhiều dự án, chủ đầu tư phải nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan ngoại giao”, ông Tùng cho biết.

MỚI - NÓNG