Đầu tư tay trái

Đầu tư tay trái
TP - Tin Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) quyết định thoái vốn đầu tư tại Bảo Việt và Công ty Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đang khiến giới tài chính xôn xao.

Vinashin hiện là đối tác chiến lược trong nước duy nhất và là cổ đông sáng lập của Tập đoàn Bảo Việt.

Chưa thể kết luận ngay Vinashin bị lõm bao nhiêu trong vụ chuyển nhượng này, bởi thông tin chính xác về giá chỉ người trong cuộc là Vinashin, SCIC và Tập đoàn Bảo Việt thông tỏ.

Nhưng hãy cứ thử làm một phép tính: Với hơn hai mươi triệu cổ phiếu nắm giữ, giá mua khoảng bảy mươi ngàn đồng/CP thì khoản đầu tư thời điểm đó của Vinashin lên tới hơn 1.467 tỷ đồng (trên 90 triệu USD). Còn hiện tại, với giá cổ phiếu Bảo Việt trên sàn vào khoảng dưới 40 ngàn đồng/CP thì số vốn kể trên ít nhất cũng bị ngót đi xấp xỉ 650 tỷ đồng.

Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Vinashin, phát biểu: "Đây là khoản đầu tư lớn nhất trong số các khoản đầu tư ra ngoài ngành nhưng ít rủi ro nhất (theo ước tính của Vinashin là 4,7 phần trăm trong tổng mức đầu tư 50.000 tỷ đồng)".

Một con số chính thức từng được Bộ Tài chính đưa ra: Vinashin có tổng tài sản 80 ngàn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ là 2.156 tỷ đồng, song vốn vay của tập đoàn này lên đến 47 ngàn tỷ đồng khiến cho hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu lên tới 21,8 lần (được giới tài chính, ngân hàng xem là hệ số rủi ro cao).

Điểm đáng lo ngại nữa, theo Bộ Tài chính, là tổng mức đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản của Vinashin lên tới 3.323 tỷ đồng.

Bàn về việc các tập đoàn, tổng công ty đầu tư tay trái kém hiệu quả, ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, từng nhận xét: "Sở dĩ hiệu quả đầu tư ra ngoài của các tập đoàn, tổng công ty chưa cao là do họ tham gia thị trường muộn, thiếu kinh nghiệm quản lý và ở những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro".

Trước đó, trong báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền, cho hay, tổng vốn đầu tư ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, góp vốn quỹ đầu tư của hàng chục tập đoàn, tổng công ty vào cuối năm 2008 lên đến hơn 20 ngàn tỷ đồng; riêng trong lĩnh vực chứng khoán, đến cuối năm 2008 khi thị trường chứng khoán suy giảm mạnh, nhiều tập đoàn, tổng công ty bị lỗ hoặc không phát sinh lợi nhuận.

Vinashin là một ví dụ cho câu chuyện đầu tư tay trái của các tập đoàn kinh tế. Ai cũng hiểu, khi tay không thuận, lại phải mang vác nặng, chắc sẽ khó làm tròn phận sự. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.