Dầu vọt qua 90 USD/thùng, vàng trở lại với 800 USD/oz

Dầu vọt qua 90 USD/thùng, vàng trở lại với 800 USD/oz
Ngày 7/12, giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục duy trì ở mức 90 USD/thùng sau khi đã tăng vọt trở lại, vượt qua mốc này vào ngày hôm qua, 6/12. Giá vàng cũng quay trở lại với mốc 800 USD/oz.

Tại Sở Giao dịch hàng hóa New York, vào lúc 7h27' sáng nay theo giờ Singapore giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1/2008 sáng nay tăng thêm 3 cent/thùng, lên mức 90,26 USD/thùng.

Ngày hôm qua, sau khi giảm mạnh, giá dầu tại New York lại tăng thêm 2,74 USD/thùng, tương đương 3,1%, so với mức giá đóng cửa 1 ngày trước đó và kết thúc phiên giao dịch ở mức 90,23 USD/thùng.

Đây là mức tăng trong một ngày cao nhất của giá dầu kể từ hôm 20/11 vừa qua. Hiện giá dầu đã tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.

Tại London, giá dầu thô Brent giao tháng 1/2008 cũng tăng 1,69 USD/thùng, và đóng cửa phiên giao dịch ở mức 90,18 USD/thùng.

Hưởng ứng giá dầu, giá vàng trên thị trường thế giới cũng trở lại với mốc 800 USD/oz. Giá vàng giao ngay tại New York được niêm yết trên Kitco.com sáng nay ở mức 802 USD/oz, tăng 4,10 USD, tương đương 0,51%.

Tại thị trường trong nước, giá vàng cũng được điều chỉnh tăng. Sáng nay, tại Hà Nội và Tp.HCM, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 1.557.000 đồng/chỉ (mua vào) và 1.564.000 đồng/chỉ (bán ra), tăng 9.000 đồng/chỉ so với sáng hôm qua.

Nhân tố quan trọng nhất dẫn tới sự lội ngược dòng này của dầu là việc ngày 6/12, Bộ trường Ngoại giao Mỹ, bà Condoleezza Rice, ra lời kêu gọi thúc giục châu Âu và Nga gia tăng sức ép đối với Iran nhằm yêu cầu nước này ngừng làm giàu uranium và kết thúc chương trình hạt nhân của nước này.

Động thái này cho thấy Mỹ vẫn kiên quyết với chủ trương cô lập Iran bất chấp những thông tin tình báo mới trái ngược với những lời khẳng định nhiều năm qua về việc Iran bí mật theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Các nhà đầu tư năng lượng vì thế lo ngại một cuộc xung đột giữa phương Tây và Iran sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông.

Thêm vào đó, đồng USD đã nối lại xu hướng mất giá so với Euro, sau khi hồi phục nhẹ so với đồng tiền này trong 3 ngày liên tiếp.

Một nhân tố khác tác động đến giá dầu là việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nâng mức dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay lên mức 11,4% từ mức 10,4% trước đó.

Tăng trưởng kinh tế nóng tại Trung Quốc và Ấn Độ, với nhu cầu tiêu thụ năng lượng cao, chính là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu liên tục leo thang kể từ năm 2003.

Mặt khác, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, việc giá dầu hồi phục cũng là phản ứng trễ của thị trường trước quyết định duy trì sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) hôm 5/12, cũng như báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 7,91 triệu thùng, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2004, xuống còn 305,2 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2005.

“Thị trường có lẽ đã chú ý nhiều hơn đến sản lượng sang nguồn cung tại Mỹ trong bối cảnh mùa tiêu thụ năng lượng cao điểm đang tới gần. Trong khi đó, dự trữ dầu thô của Mỹ lại giảm quá mạnh”, Michael Fitzpatrick, Phó chủ tịch về quản lý rủi ro năng lượng của công ty MF Global ở New York, nhận định.

Sự phục hồi này của giá dầu càng chứng tỏ rằng, việc giá dầu sụt mạnh tuần trước chỉ là một bước lùi nhỏ của dầu trên con đường tiến tới mốc 100 USD/thùng. Nhà phân tích Linda Rafield tại công ty nghiên cứu năng lượng Platts cho rằng: “Tôi cho rằng đó chỉ là một đợt điều chỉnh chậm của thị trường dầu và không có nghĩa là cơn sốt giá dầu đã chấm dứt”.

Theo Vneconomy/Bloomberg, AP

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.