Nguy cơ không đạt mục tiêu phát triển kinh tế 2005:

Đẩy mạnh cải cách hành chính, huy động vốn nhàn rỗi trong dân

Đẩy mạnh cải cách hành chính, huy động vốn nhàn rỗi trong dân
Tại Hội nghị giao ban sản xuất công nghiệp năm 2005 được tổ chức  hôm qua (11/4). Thủ tướng chỉ rõ: “Nếu tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 7,2% như quý 1/2005, chúng ta có nguy cơ không thực hiện được kế hoạch năm 2005 đã đề ra”.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, huy động vốn nhàn rỗi trong dân ảnh 1

Các ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất  tiền gửi nhằm huy động vốn  đầu tư                                  Ảnh: Hồng Vĩnh

Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải chỉ đạo: Kiềm chế tăng giá trong thời gian tới, rà soát lại chi phí sản xuất các mặt hàng chi phối. Đẩy mạnh cải cách hành chính, huy động tối đa vốn đầu tư nhàn rỗi trong dân.

“Các ngành công nghiệp có mức tăng trưởng quá kém, vì sao DNTW nắm giữ cơ số đất đai, vốn lớn mà vẫn trì trệ?  Giá xi măng, than, điện hiện nay đã hợp lý chưa ?” - Thủ tướng Phan Văn Khải đã cật vấn như vậy tại Hội nghị giao ban sản xuất công nghiệp năm 2005 được tổ chức tại TPHCM hôm qua (11/4).

“Chủ lực” cũng suy thoái: Vì sao?

Theo Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc, có 12/36 sản phẩm công nghiệp chính được thống kê giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2004. Đó là : Dầu thô (giảm 10,1%), khí đốt (0,5%), gas lỏng (6,6%), đường mật (14,8%, trong đó DNNN giảm đến 24,3%), vải lụa (0,1%), dệt kim (10,9%), quạt điện dân dụng (10,2%), máy công cụ (18,6%), động cơ diezen (16,3%).

Một số địa phương có mức tăng trưởng công nghiệp cao những năm trước, năm nay cũng có dấu hiệu chựng lại, chẳng hạn TPHCM vẫn thấp hơn mức tăng cùng kỳ những năm trước. Một số sản phẩm chủ lực của TPHCM giảm mạnh như sản xuất xi măng giảm 16,1%. Bình Dương cũng lâm vào tình thế tương tự với mức tăng chỉ đạt 5% so với cùng kỳ.

Điều đáng lưu ý là sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh của hầu hết các tỉnh, thành có tỉ trọng của loại hình này lớn đều tăng không cao và không bằng mức bình quân chung của cả nước. Trong khi đó, công nghiệp quốc doanh do TW quản lý tăng chậm hơn so với địa phương.

Vì sao các ngành công nghiệp, các địa phương giữ vai trò mũi nhọn, đi đầu tăng trưởng chậm ? Tổng Cty Phân bón cho biết do trong quý 1/2005, giá nhiên liệu tăng cao, tình trạng khô hạn khốc liệt kéo dài, sức ép cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế cũng như chương trình bán phân bón trả chậm cho nông dân.

Theo Bộ Kế hoạch – đầu tư, mức tiêu thụ trong nước đối với các sản phẩm chủ lực như thép, điện, xi măng, phân bón trong quý 1/2005 chậm. Bên cạnh đó, giá nhiều mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào, nhất là các sản phẩm có nguồn gốc nhập khẩu tăng cao như thép (tăng 20 –30%). Trong khi đó, tình hình xuất khẩu các mặt hàng chính như dệt may, da giày, xe đạp, phụ tùng bị vướng quota nhập khẩu vào Mỹ và sức cạnh tranh kém hơn so với hàng TQ ở thị trường EU.

Ngoài ra, năng lực sản xuất của một số sản phẩm không theo kịp nhu cầu, nhiều dự án thiếu vốn tín dụng nên chậm đưa vào khai thác. Dịch cúm gia cầm làm nhiều DN chế biến thức ăn gia súc phải tạm ngưng một số dây chuyền sản xuất do tình trạng khó khăn trong tiêu thụ các sản phẩm gia cầm. Nhiều địa phương như TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu; Đà Nẵng … phải cơ cấu lại sản xuất nên ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng công nghiệp.

4 nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đề ra 4 nhóm giải pháp cấp bách cần tập trung chỉ đạo, thực hiện trong thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp. Đó là giảm chi phí, đặc biệt là chi phí điều hành gián tiếp, giảm tiêu hao nhiên vật liệu, tiết kiệm xăng dầu, giảm các khâu trung gian và chi phí tồn kho nhằm bù đắp chi phí sản xuất tăng do yếu tố đầu vào.

Phấn đấu giảm chi phí sản xuất, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm bằng cách hỗ trợ đầu tư đổi mới trang thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại; tăng cường phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao công suất, tận dụng nguồn nguyên phụ liệu trong nước để hạ giá thành sản phẩm. Có chính sách khuyến khích các DN tư nhân, khôi phục các làng nghề truyền thống.  Chính phủ yêu cầu Tổng Cty Dầu khí VN phải tăng lượng khí cung cấp đạt 11,4 triệu m3/ngày để đáp ứng nhu cầu phát điện.

Biện pháp khác là kiềm chế việc tăng giá trong thời gian tới. Để thực hiện, các cơ quan cần tăng cường thu thập, phân tích thông tin, dự báo tác động của việc tăng giá để chủ động có biện pháp xử lý.

Các Tổng Cty lớn củng cố, phát triển hệ thống phân phối trong nước, không bán khối lượng lớn sản phẩm cho các DN có khả năng thao túng thị trường. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu miễn giảm thuế nhập khẩu VAT những mặt hàng như thép, phôi thép…, rà soát lại chi phí sản xuất các hàng hóa đang chi phối thị trường như than, điện đồng thời tăng cường thanh kiểm tra chống tình trạng đầu cơ, làm giá.

Chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng có khả năng tăng nhanh, có thị trường như hàng dệt may vào thị trường Mỹ, EU, giày dép, cao su, phụ tùng, xe đạp, đồ gỗ… Chính phủ sẽ có biện pháp thúc đẩy huy động các nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn nhàn rỗi trong nhân dân thông qua phát hành trái phiếu DN, trái phiếu đô thị …

Thủ tướng Phan Văn Khải đặc biệt nhấn mạnh đến các giải pháp mở rộng thị trường, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, đẩy mạnh cải cách hành chính. “Xuất khẩu cần đến 8 loại giấy quá phức tạp, thủ tục cấp Visa cần đến 20 loại giấy tờ. Cấp Visa vào Mỹ hết sức phức tạp. Bộ Thương mại phải bỏ ngay các quy định vô lý” – Thủ tướng kiên quyết.

MỚI - NÓNG