Đẩy mạnh giao dịch trực tuyến, chi trả lương và trợ cấp kịp thời

BHXH Việt Nam đẩy mạnh giao dịch trực tuyến để phòng chống COVID-19
BHXH Việt Nam đẩy mạnh giao dịch trực tuyến để phòng chống COVID-19
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tổng kinh phí cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 3 tháng đầu năm hơn 4,8 nghìn tỷ đồng. Và hơn 17,5 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang đẩy mạnh giao dịch trực tuyến, hỗ trợ chi trả lương hưu và trợ cấp tháng 4 và 5 vào một kỳ.

Hơn 17,5 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2020 Tổng Cục thống kê vừa công bố mới đây, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, đặc biệt là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19) bùng phát mạnh trên toàn cầu đang đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng.

Ở trong nước, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng đặt ưu tiên hàng đầu là phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân để đẩy lùi dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo cũng cho biết, trong quý I/2020, khu vực DN gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn DN, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các DN kỳ vọng dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II khả quan hơn quý I.

Chi ngân sách Nhà nước 3 tháng đầu năm  tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn. Trong mức giảm 0,72% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 so với tháng trước có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất. CPI bình quân quý I/2020 tăng 5,56% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2020 tăng 3,05% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và do tác động của đầu kỳ giáp hạt đời sống dân cư tháng Ba gặp nhiều khó khăn; công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 243,3 tấn gạo.

Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 3 tháng đầu năm là hơn 4,8 nghìn tỷ đồng (trong đó quà cho đối tượng chính sách, người có công là 2,9 nghìn tỷ đồng; người nghèo là 1,3 nghìn tỷ đồng; cứu đói, cứu trợ khác là 0,6 nghìn tỷ đồng), hơn 17,5 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.

Đẩy mạnh giao dịch điện tử, chi trả lương hưu và trợ cấp nhanh gọn

Do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên nhiều trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành lớn cả nước đã đề nghị các cơ quan chức năng cho phép giải quyết thủ tục liên quan đến chính sách trợ cấp thất nghiệp theo hình thức trực tuyến.

Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong quý I/2020, Trung tâm tiếp nhận hơn 12.000 hồ sơ của người lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Thảo, số lượng người đến nộp hồ sơ hưởng chính sách BH thất nghiệp tăng trong những tháng đầu năm nay do nhiều yếu tố, trong đó có tác động của dịch COVID-19. Để tránh tập trung đông người, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng cho phép giải quyết thủ tục liên quan đến chính sách trợ cấp thất nghiệp theo hình thức trực tuyến. Đặc biệt, khâu tư vấn, hỗ trợ việc làm cho người lao động nên triển khai tư vấn qua email, trực tuyến, điện thoại...

Ngày 30/3 vừa qua, BHXH Việt Nam cũng đã ban hành Công văn số 1020/BHXH-TCKT bổ sung nội dung thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp tháng 4 và tháng 5/2020 qua hệ thống Bưu điện.

Theo đó, việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4 và tháng 5/2020 sẽ tổ chức vào cùng một kỳ. Cơ quan Bưu điện xây dựng phương án tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp cho người hưởng nhận bằng tiền mặt phải đảm bảo an toàn, không được tập trung đông người theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Công văn, BHXH Việt Nam giao BHXH các tỉnh, thành phố chủ trì, thống nhất với Bưu điện tỉnh về thời gian chi trả; báo cáo UBND tỉnh về phương án tổ chức, thời gian chi trả phù hợp với tình hình thực tế của địa phương bảo đảm an toàn cho người hưởng theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo xong trước ngày 31/5/2020.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong lĩnh vực du lịch, số lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng Ba giảm mạnh 63,8% so với tháng trước và giảm 68,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 3,7 triệu lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước.

MỚI - NÓNG