Đẩy nhanh tốc độ xây dựng hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Đẩy nhanh tốc độ xây dựng hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
TP - Chậm triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt các dự án giao thông quan trọng là vấn đề bức xúc được đặt ra tại Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đẩy nhanh tốc độ xây dựng hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ảnh 1

Dự án nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang được gấp rút hoàn thành. Ảnh: Phục Lễ

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ), kết cấu hạ tầng đường bộ Vùng KTTĐ phía Nam có cải thiện nhiều, song chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày một nhanh của vùng.

Nhiều dự án phát triển giao thông được triển khai chậm, chẳng hạn việc thăm dò, khai thác các cảng tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chủ trương như cho tới nay việc triển khai vẫn chưa tới đâu.

Riêng việc xây dựng mới các tuyến đường cao tốc hiện vẫn chưa có quy hoạch chi tiết; đồng thời chưa có báo cáo đề án cụ thể về việc di dời cảng ra khỏi TPHCM…

Trong khi đó, hệ thống giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội giữa các địa phương trong vùng và giữa Vùng KTTĐ phía Nam với các vùng phụ cận.

Trong Chương trình hành động phát triển Vùng KTTĐ phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến 2020, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và các Bộ ngành liên quan tổ chức triển khai, đẩy nhanh các hoạt động chuẩn bị đầu tư các dự án đường cao tốc, các đoạn đường sắt nối các trung tâm công nghiệp và các đầu mối giao thông quan trọng.

Quy hoạch hệ thống giao thông đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông của TPHCM, Đồng Nai và các vùng phụ cận, đồng thời đầu tư phát triển mạng lưới vận tải công cộng tại các đô thị lớn. Đẩy nhanh tốc độ xây dựng mạng lưới cầu qua sông, hệ thống xe điện chạy trên cao hoặc xe điện ngầm tại TP.HCM.

Nghiên cứu các đề án cải tạo, nâng cấp một số cảng sông và tuyến vận tải trên các sông chính của vùng. Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt từ TP.HCM đi Vũng Tàu, ĐBSCL và Phnôm Pênh đến năm 2020.

Hoàn thành phương án, kế hoạch di dời hệ thống cảng trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành. Đầu tư xây dựng mới cụm cảng Cái Mép, Thị Vải.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng và các bộ ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM và một số đô thị lớn đang có những động thái phát triển hoặc những thay đổi lớn về mặt hành chính như Bà Rịa - Vũng Tàu với việc chuyển đổi trung tâm hành chính về thị xã Bà Rịa; Biên Hoà với định hướng phát triển của Nhơn Trạch, Long Thành; Bình Dương với việc hình thành khu đô thị mới cạnh Thủ Dầu Một và xu thế chuyển dịch đô thị và KCN lên phía Bắc.

Tiếp tục nghiên cứu phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh các thành phố lớn gắn với các KCN. Đồng thời nghiên cứu phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng, đô thị trong vùng gắn kết với hành lang xuyên Á.         

Để thực hiện tốt việc rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, Chính phủ yêu cầu các địa phương phải công khai hóa các quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, kể cả các khu công nghiệp nhỏ, làng nghề và các vùng sản xuất cây, con đặc sản….

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các địa phương phải thực hiện đúng lộ trình phát triển Vùng KTTĐ phía Nam mà Chính phủ đã đề ra.

MỚI - NÓNG