ĐBQH đề nghị sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước

ĐBQH đề nghị sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước
Thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2005 sáng nay, 3/8, nhiều ĐB đã kiến nghị về khoản thu quá lớn mà một số ngành được phép giữ lại như  Thuế (2%), Hải quan (1,6%) - tổng cộng lên tới 2700 tỷ đồng, dầu khí (5.025 tỷ đồng). 
ĐBQH đề nghị sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh.

Buổi thảo luận đã gần như trở thành phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính về hoạt động thu - chi ngân sách. Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước.

15 đại biểu QH đã phát biểu ý kiến về Tờ trình của Chính phủ đề nghị QH phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2005, do Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH.

Bộ trưởng Ninh, đồng thời là đại biểu tỉnh Nam Định, 2 lần đứng lên trả lời những câu hỏi được đặt ra, đồng thời tuyên bố sẽ có báo cáo giải trình kỹ hơn gửi đến các đại biểu.

Nợ đọng xây dựng cơ bản trên 8.000 tỷ đồng

"Hai ngành này (Thuế và hải quan) chi quyết toán không hết, còn tồn một lượng lớn, đến 2.700 tỷ đồng, tương đương 1% tổng chi ngân sách của cả nước. Tôi đề nghị chính sách này cần được tổng kết xem có hợp lý không?

Quy mô nền kinh tế ngày càng tăng, thu thuế tăng mà cứ giữ nguyên mức này thì gây lãng phí lớn, nhất là khi so sánh với mức miễn giảm thủy lợi phí cho nông dân chỉ 800 tỷ đồng mà Chính phủ nghiên cứu từ cả năm nay không ra khoản nào bù đắp".

Đại biểu Lê Quốc Dung (tỉnh Thái Bình)

Đại biểu tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Bạch Mai cho rằng, con số nợ đọng XDCB trên 8.000 tỷ đồng của 24 tỉnh mà Kiểm toán Nhà nước đưa ra "sẽ ảnh hưởng đến nguồn chi ngân sách cho các địa phương". Như vậy, có thể thấy rõ, "nợ cũ chưa xử lý dứt điểm thì nợ mới đã phát sinh", "có dấu hiệu thất thoát, lãng phí, tiêu cực".

Bà Mai đề nghị QH tăng cường giám sát, quy trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, từng bộ, ngành. "Phải đề ra những biện pháp triệt để, kiên quyết, cần thiết thì phải sửa một số điều Luật Ngân sách nhà nước".

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày trước đó cũng thừa nhận, việc quyết toán chi đầu tư XDCB, quy hoạch, thẩm định dự án ở một số công trình, dự án còn kéo dài, đẩy mức đầu tư tăng cao so với dự toán, gây lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp.

Đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, UB Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, việc lập và giao dự toán thu ngân sách vẫn "chưa sát thực tế ở một số địa phương". Về chi ngân sách, còn tình trạng phân bổ chậm, sai đối tượng, sai mục đích.

Đại biểu Trần Đình Long, tỉnh Đắk Lắk đặt câu hỏi: Qua kiểm toán 87 đơn vị, gồm các địa phương, cơ quan trung ương, dự án, doanh nghiệp, tổ chức tài chính và đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, hầu hết đều phát hiện nguồn thu phải nộp ngân sách. Vậy đây là sơ suất hay cố ý giấu nguồn thu? Do quy định của Bộ Tài chính không phù hợp hay là quản lý tài chính có vấn đề?

Nhiều ĐB không đồng ý để ngành dầu khí giữ lại nguồn thu

Trong quyết toán tổng thu, chi cân đối NSNN năm 2005, số lợi nhuận thực tế để lại cho ngành  dầu khí chưa được hạch toán. Theo báo cáo của Kiểm toán NN, phần lợi nhuận sau thuế để lại cho Tổng Công ty Dầu khí là 5.025 tỷ đồng.

UB Tài chính và Ngân sách cho rằng, lợi nhuận này thực chất là khoản được chia cho nước chủ nhà (Việt Nam) trong hợp tác khai thác. Như vậy, đây là khoản thu ngân sách nhà nước, phải thể hiện trong cân đối NSNN.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đặt vấn đề: đây là lợi nhuận doanh nghiệp hay bán nguồn tài nguyên chiến lược của quốc gia? Ông Lịch đưa ra quan điểm của mình: tán đồng với UB Tài chính - Ngân sách, đưa phần này vào quyết toán ngân sách năm 2005.

"Nếu đưa vào lợi nhuận doanh nghiệp thì sẽ che đậy hiệu quả kinh doanh của DN, rất nguy hiểm. Phải tính toán lại cho hợp lý để tách bạch phần bán tài nguyên thu ngân sách nhà nước. Chi trở lại bao nhiêu cho ngành dầu khí là do Nhà nước quyết định. Nếu để lại toàn bộ 5.025 tỷ cho ngành thì phải ghi rõ tăng vốn điều lệ cho tập đoàn, chứ không thể chung chung, nhằm đánh giá hiệu quả kinh doanh của DN", ông Lịch nói.

Quan điểm của ông Trần Du Lịch được đại biểu Lê Quốc Dung (tỉnh Thái Bình) chia sẻ. Ông Dung còn nêu một vấn đề mà ông cho là "bất hợp lý": một số ngành khác cũng được giữ lại nguồn thu, như thuế (2%), hải quan (1,6%).

"Hai ngành này chi quyết toán không hết, còn tồn một lượng lớn, đến 2.700 tỷ đồng, tương đương 1% tổng chi ngân sách của cả nước. Tôi đề nghị chính sách này cần được tổng kết xem có hợp lý không? Quy mô nền kinh tế ngày càng tăng, thu thuế tăng mà cứ giữ nguyên mức này thì gây lãng phí lớn, nhất là khi so sánh với mức miễn giảm thủy lợi phí cho nông dân chỉ 800 tỷ đồng mà Chính phủ nghiên cứu từ cả năm nay không ra khoản nào bù đắp".

Về khoản lợi nhuận để lại cho ngành dầu khí, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: "Đây là khoản thu lãi được chia của nước chủ nhà thông qua các hợp đồng dầu khí, được để lại cho doanh nghiệp 50% để thực hiện những dự án đầu tư trọng điểm của ngành cùng các nguồn vốn khác".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ninh tán thành về nguyên tắc, phải đưa vào ngân sách nhà nước. Ông giải thích, tại thời điểm lập tổng quyết toán tập đoàn dầu khí, chưa đủ chứng từ để phản ánh vào ngân sách nhà nước. "Đến nay, đã đủ chứng từ và điều kiện để đưa vào ngân sách".

Dự kiến, Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2005 sẽ được thông qua vào sáng mai, 4/8, ngay trước khi bế mạc kỳ họp thứ nhất, QH khóa XI.

Theo Vân Anh
VietnamNet

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.