ĐBSCL: Tàu nằm bờ, đầm tôm vắng tiếng máy

ĐBSCL: Tàu nằm bờ, đầm tôm vắng tiếng máy
TP - Một không khí ảm đạm bao trùm các cửa biển. Đầm nuôi tôm cũng vắng tiếng máy reo. Xăng dầu liên tục tăng giá. Lần này, giá dầu diezel tăng thêm 3.700 đồng/lít làm cho người khai thác và nuôi trồng thủy sản lao đao.

Ông Đàm Văn Nguyên- một ngư dân đánh bắt xa bờ có máu mặt ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đứng ngồi không yên.  Ông bấm tay tính thử: “Trung bình, mỗi chiếc tiêu hao 20.000 lít dầu, có nghĩa là chi phí tăng thêm 78 triệu đồng. Chỉ tính riêng giá dầu tăng thì ăn hết lời rồi, còn nói gì tích lũy cho khấu hao máy móc?”.

Tâm trạng chung của ngư dân có tàu cá đánh bắt biển tránh trăng sáng như nghề câu mực, trông đèn đang đến thời điểm ra khơi cũng đang chần chừ không cho tàu ra khơi.

Ông Nguyễn Văn Thiên, Trưởng ban Thủy sản thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) nhận định: “Riêng thị trấn Sông Đốc có đến 800 tàu khai thác biển trong số hơn 3.600 tàu của tỉnh Cà Mau. Cứ nhìn tàu còn neo đậu thì biết. Giá xăng dầu liên tục tăng cao mà giá cá tôm không tăng được bao nhiêu thì biết. Ngư dân bám biển nhưng họ đang nợ nần chồng chất rồi”.

Sau khi giá xăng dầu tăng, cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) chật kín tàu cá neo đậu. Ông Lê Hiền, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) tâm sự: “Nhiều ngư dân đến hỏi chế độ trợ cấp giá xăng dầu nhưng chúng tôi chưa có cơ sở gì để trả lời. Bão giá xăng dầu liên tục như vầy thì làm sao ngư dân dám đi xa khai thác tôm cá. Càng chạy xa càng thua lỗ thì chắc phải nằm bờ!”.

Cửa biển Nhà Mát (TX Bạc Liêu) có hàng trăm tàu của ngư dân Bến Tre neo đậu, không thể cho tàu ra khơi. Anh Phan Văn Vũ, quê ở huyện Thạnh Phú (Bến Tre) thở dài: “Đi biển gì mà không có tiền thuê mướn bạn, phải đem vợ con theo cùng làm. Bây giờ, giá dầu tăng cỡ đó thì chúng tôi chỉ mong lo về quê. Anh em ở Bến Tre làm nghề lưới vùng biển Bạc Liêu khai thác biển vài ngày, tính toán chi phí được ngay. Anh xem kìa, mấy chiếc tàu vừa vô bến là đậu luôn chớ làm sao có tiền mua dầu đi ra nữa?”.

Tôm sú thiếu ôxy

Nuôi tôm công nghiệp vùng ven biển Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng trên 50.000 ha. Cứ mỗi hécta nuôi tôm công nghiệp phải trang bị 3 máy dầu diezel quạt ôxy và bơm nước.

Ông Lê Văn Sử, Phó Giám đốc Sở thủy sản Cà Mau ước tính: “Mỗi ao nuôi tôm rộng chừng 1 ha phải trang bị 2 máy quạt ôxy và 1 máy bơm nước. Trung bình, mỗi ngày tiêu tốn 20 lít dầu trong suốt thời gian 4 tháng vụ nuôi. Chi phí dầu diezel cho nuôi tôm công nghiệp rất lớn!”.

Anh Hai Sinh ở xã Vĩnh Tân (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) có 4 ha nuôi tôm công nghiệp. Cả xóm của anh đang đứng ngồi không yên vì giá dầu tăng cao khi tôm đang thả nuôi, máy bơm, máy quạt chạy liên tục ngày đêm.

Anh Hai Sinh phân tích: “Nuôi tôm sú mà chạy ăn, chạy mua dầu không khác nào nuôi người bệnh. Chi phí không thể làm kế hoạch được. Giá xăng dầu tăng kiểu này mà giá tôm sú không tăng chút nào thì người nuôi tôm sẽ bán đất”.

Chị Nguyễn Thị Định, ở ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành (TX Bạc Liêu) đang chống đỡ bão giá xăng dầu cho 10 héta nuôi tôm công nghiệp. Vốn là cán bộ chủ chốt xã Hiệp Thành, chị Nguyễn Kim Định khái quát: “Xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông… thị xã Bạc Liêu là vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu. Liên tục 2 năm qua, tôm nuôi thất mùa do ô nhiễm môi trường. Còn bây giờ, giá xăng dầu tăng lên gần 15.000đồng/lít thì bà con sẽ không còn khả năng duy trì nuôi tôm công nghiệp!”.

Khác với những lần tăng giá xăng dầu trước đây, lần này, giá dầu diezel tăng thêm 3.700đ/lít đã đánh trúng vào túi tiền ngư dân. Ngư dân đang chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Còn giá sản phẩm của họ làm ra xem chừng vẫn đứng chựng tại chỗ trong khi giá cả leo thang từng ngày.

MỚI - NÓNG