Đề án 112 : Hàng trăm tỷ đồng thiết bị nằm xếp xó

Đề án 112 : Hàng trăm tỷ đồng thiết bị nằm xếp xó
TP - Tuy được Đảng và Chính phủ quan tâm, tạo mọi điều kiện nhưng do điều hành yếu kém, đề án tin học hóa 112 đã làm lãng phí, thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước …

Sau thời gian xây dựng thử nghiệm tại các tỉnh, thành, BĐH 112 đã quyết định chọn ra 14 phiên bản phần mềm để triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước.

Từ tháng 2/2005, BĐH 112 đã ký hợp đồng với văn phòng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW triển khai 3 phần mềm dùng chung, gồm hệ thông tin tổng hợp kinh tế xã hội (KTXH); hệ quản lý văn bản và hồ sơ (VBHS) công việc; trang thông tin điện tử phục vụ điều hành (Web).

Đồng thời BĐH 112 cũng đã ký hợp đồng triển khai với 18 Cty tin học để triển khai cài đặt và chuyển giao quản trị vận hành hệ thống.

Ngày 17/10/2000, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 58 về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa giai đoạn 2001 –2005.”

Tiếp sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định số 112 ngày 25/7/2001, phê duyệt đề án “Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 –2005”. Ban điều hành đề án được thành lập (BĐH 112).

Trong quá trình thử nghiệm rồi triển khai ồ ạt tại nhiều địa phương, một số chuyên gia và lãnh đạo sở, ban, ngành địa phương đã cảnh báo với Bộ Bưu chính - Viễn thông và cả BĐH 112 về những bất cập và nguy cơ lãng phí có thể xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế, tài chính nếu cài đặt 3 phần mềm dùng chung.

Nhưng những ý kiến này đã không được cơ quan có thẩm quyền quan tâm, xem xét đúng mức. BĐH 112 đã tiến hành ký kết hợp đồng triển khai 3 phần mềm dùng chung với các địa phương. Chi phí cài đặt được trích từ nguồn vốn ngân sách TW và các địa phương.

Hậu quả là tính đến cuối năm 2005, BĐH 112 đã cài đặt cả 3 phần mềm dùng chung tại 40/64 tỉnh, thành, trong đó có 966 điểm đã cài đặt xong phần mềm hệ thông tin tổng hợp KTXH; 787 điểm cài đặt xong phần mềm hệ quản lý VBHS công việc và 832 điểm đã cài đặt xong phần mềm trang thông tin điện tử Web.

Cài đặt một số lượng phần mềm đồ sộ như vậy trên phạm vi cả nước nhưng thực tế số phần mềm có thể vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ, số phần mềm còn lại không vận hành được vì bị lỗi kỹ thuật hoặc vì lí do hành chính.

Triển khai ồ ạt trong khi hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo

Lí giải nguyên nhân 3 phần mềm dùng chung không vận hành (hoặc vận hành một cách “chập chờn”, gây lãng phí, BĐH 112 thừa nhận là do tình trạng thiếu thốn hạ tầng kỹ thuật của các đơn vị cấp cơ sở (cấp sở, quận, huyện).

Theo một cán bộ BĐH 112 TP.HCM, nếu BĐH 112 căn cứ vào điều kiện, hạ tầng kỹ thuật cụ thể của từng địa phương khi quyết định triển khai thì sẽ không có quá nhiều tỉnh, thành phản đối hoặc triển khai “lấy lệ”, gây lãng phí cho ngân sách hàng chục tỷ đồng.

Theo thống kê của BĐH 112 đối với 20 tỉnh có báo cáo xác nhận, phần mềm hệ thông tin tổng hợp KTXH có 365/534 điểm đã cài đặt chưa vận hành được, phần mềm hệ quản lý VBHS có đến 295/450 điểm và trang thông tin điện tử phục vụ điều hành web có 373/486 điểm chưa vận hành được.

20 tỉnh, thành phố đã có báo cáo xác nhận bao gồm: TP Cần Thơ, Tuyên Quang, Lào Cai, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên -Huế, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, …với tỷ lệ vận hành được đối với cả 3 phần mềm dùng chung KTXH, VBHS và Web chỉ đạt (lần lượt) là 34,08%, 36,67% và 34,97%.

Tỉnh Tuyên Quang ký hợp đồng cài đặt 3 phần mềm KTXH, VBHS và Web điều hành tại 18 điểm. Tính đến cuối năm 2005, tất cả các phần mềm đã cài đặt đều không vận hành được, trong đó phần mềm KTXH và trang web điều hành tại 13/18 điểm cài đặt bị lỗi kỹ thuật.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế hoàn cài đặt xong cả 3 phần mềm dùng chung tại 18 điểm nhưng đến cuối năm 2005, có 14 điểm cài đặt phần mềm KTXH không vận hành được vì lỗi kỹ thuật.

Tại tỉnh Ninh Thuận, số điểm đã cài đặt xong đồng thời cả 3 phần mềm nhưng chưa vận hành được do lỗi kỹ thuật là 19 điểm. Trong khi đó chỉ có 4 điểm vận hành được sau khi cài đặt phần mềm KTXH và web; 5 điểm vận hành được phần mềm VBHS.

Tỉnh dẫn đầu về triển khai cài đặt nhưng không ứng dụng được tính năng của phần mềm trong công tác quản lý là Phú Yên. Hoàn tất việc cài đặt cả 3 phần mềm tại 35 điểm nhưng đến cuối năm 2005, chẳng phần mềm nào vận hành được vì tất cả đều gặp trục trặc về lỗi kỹ thuật.

Lãng phí lớn

Ba phần mềm dùng chung được cài đặt hàng loạt nhưng hầu hết đều “xếp xó”, con số thiệt hại là bao nhiêu?  Theo điều tra, chi phí cài đặt tại 1 điểm là 25 triệu đồng/ phần mềm.

Với 2.585 điểm cài đặt, ngân sách Nhà nước phải chi hơn 180 tỷ đồng. Ngoài hạ tầng kỹ thuật, mỗi tỉnh thành phải xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu khi tiếp nhận và triển khai 3 phần mềm dùng chung.

Theo ước tính, chi phí bình quân để xây dựng một trung tâm tích hợp dữ liệu là 4 tỷ đồng. Những địa phương như TPHCM đã lập dự toán xây dựng trung tâm tích hợp với chi phí lên tới 17 tỷ đồng (chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt).

Như vậy, tổng kinh phí xây dựng các trung tâm tích hợp dữ liệu tại 64 tỉnh, thành lên đến hơn 240 tỷ đồng. Tổng kinh phí đầu tư quá lớn trong khi trung tâm lại không có dữ liệu để tích hợp nên lãng phí rất lớn.

Theo một chuyên gia, trong điều kiện ngành công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão, phần mềm chuyên dụng một khi không được đưa vào khai thác sẽ nhanh chóng lạc hậu.

Theo thừa nhận của một cán bộ BĐH 112, phần mềm cài đặt xong không vận hành được bởi đặc thù hành chính của mỗi địa phương là khác nhau hoặc do lỗi kỹ thuật.

Các lỗi kỹ thuật chủ yếu bao gồm lỗi mạng và hạ tầng tin học. Hiện nay, nhiều địa phương chưa có mạng cục bộ (mạng LAN), chưa đủ thiết bị tin học tại đơn vị cấp cơ sở và chưa có đường truyền tốc độ cao hơn modem nên không tương thích khi triển khai các phần mềm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những sản phẩm phần cứng và phần mềm có vấn đề gây lãng phí lớn, chương trình đào tạo cán bộ tin học của đề án 112 còn đưa ra mức học phí “cắt cổ” để moi tiền ngân sách. 

Kỳ sau: Học phí... cắt cổ

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.